Bên cạnh tín hiệu vui của thị trường gạo, xuất khẩu rau quả đang hướng tới mục tiêu đạt 7-7.5 tỷ USD vào năm nay, khi có thành tích ấn tượng ở nửa đầu năm. Đây là khẳng định của Hiệp hội Rau Quả Việt Nam. Không chỉ đạt doanh số xuất khẩu 3,4 tỷ USD ở nửa đầu năm, mà đơn hàng của doanh nghiệp ở nửa cuối năm vẫn rất dồi dào nhờ nhu cầu thị trường tăng cao cùng cơ hội từ các nghị định thư được ký kết.
Sầu riêng, thanh long, chuối, nhãn đều là những mặt hàng trái cây đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu nửa đầu năm. Trong khi đó, các thị trường chủ lực cũng ghi nhận mức tăng 10-50% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài đơn hàng từ khách hàng truyền thống tăng cao, doanh nghiệp này còn đang liên tục ký những hợp đồng giá trị lớn vào thị trường mới.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Công ty T&T Vina cho biết: "Nhãn vào Canada, Australia, mùa vải vừa rồi chúng tôi cũng xuất vào thị trường Thái Lan cũng tốt hơn năm ngoái rất nhiều. Hiện nay, hệ thống của Central Retail Thái Lan cũng đang bán vải do T&T Vina xuất và cả các trung tâm thương mại lớn của Thái Lan. Chúng tôi cảm thấy càng ngày càng có sự quan tâm của các thị trường đối với các sản phẩm chất lượng từ Việt Nam".
Xuất khẩu rau quả dự kiến vượt 7 tỷ USD
Các mặt hàng chế biến sâu cũng được tăng đặt mua khiến đơn hàng của nhiều doanh nghiệp đã lấp đầy đến hết năm, lợi nhuận cải thiện.
Ông Bùi Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang chia sẻ: "Dự kiến cả năm chúng tôi đạt được tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 45 triệu USD. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi cũng rất phấn khởi là công ty đã ký được toàn bộ đơn hàng cho năm 2024. Thị phần lớn của chúng tôi vẫn là thị trường Mỹ và châu Âu".
Ông Trần Thanh Hiệp - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang nhận định: "Vừa qua, chúng tôi cũng có hai lô hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc. Sắp tới tiếp tục mở rộng hơn nữa, mời gọi doanh nghiệp tham gia kết nối, liên kết sản xuất, trong đó quan tâm nhiều đến chế biến sâu".
Theo dõi diễn biến xuất khẩu nửa đầu năm, Hiệp hội Rau Quả Việt Nam nhận định, còn rất nhiều dư địa để ngành này bứt phá trong các tháng tới như: mặt hàng sầu riêng vào mùa thu hoạch chính vụ tại các vùng trồng trọng điểm; khách hàng châu Á tăng đặt hàng trái cây Việt Nam, cơ hội mở ra từ các nghị định thư…
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nêu ý kiến: "7 tỷ là chắc mà có thể là 7,5 tỷ USD. Nếu như có thêm được mặt hàng sầu riêng đông lạnh hoặc dừa tươi tham gia theo các thoả thuận đàm phán hiện nay của Việt Nam với Trung Quốc thì tôi nghĩ kim ngạch có thể hơn, sẽ còn những kỷ lục".
Hiện các doanh nghiệp đang liên kết chặt chẽ với vùng trồng để nâng cao chất lượng nông sản và cạnh tranh xuất khẩu bền vững. Đồng thời lên phương án vận chuyển hàng bằng đường hàng không; làm việc chặt chẽ với hãng tàu để ưu tiên vận chuyển nông sản trong bối cảnh cước vận chuyển container toàn cầu tăng cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!