Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết,10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt gần 7,5 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, từ tháng 6 trở đi, xuất khẩu thủy sản có dấu hiệu tích cực trở lại, trong đó đáng chú ý doanh số xuất khẩu tháng 10 chỉ còn thấp hơn 5% so với cùng kỳ. Để có thể tăng tốc phục hồi xuất khẩu mặt hàng tỷ USD này, nhiều giải pháp đã được VASEP và Bộ Công Thương đưa ra.
Theo đại diện các hiệp hội, mức độ hồi phục doanh số xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới phụ thuộc phần nhiều vào 2 thị trường chính là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Các đơn hàng từ 2 thị trường này đang tăng trở lại, nhưng giá xuất khẩu vẫn ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022. Vì vậy, để nâng cao giá trị đơn hàng xuất khẩu, đầu tư vào công nghệ tăng giá trị chế biến sâu là giải pháp có thể triển khai ngay.
"Không phát triển một cách thủ công mà sản xuất công nghiệp theo hướng bền vững và xây dựng hình ảnh và thương hiệu các sản phẩm của chúng ta cho thế giới biết rõ; xây dựng quá trình sản xuất, cách thức quản lý, công bố cho thế giới biết", ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam, cho hay.
Các chuyên gia quốc tế cũng nhấn mạnh, phát triển ngành thủy sản bền vững là xu hướng của thế giới và nếu Việt Nam muốn đưa thủy sản vào chuỗi cung ứng thì không thể bỏ qua điều này.
10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt gần 7,5 tỷ USD. (Ảnh: TTXVN)
"Nền tảng của ngành hải sản là cam kết phát triển có trách nhiệm và duy trì sự cân bằng tự nhiên trong môi trường của chúng ta, vì thế phát triển thủy sản nhưng bảo vệ môi trường là điều cần chú trọng. Chúng tôi sẽ hợp tác mở rộng thị trường với doanh nghiệp Việt và thúc đẩy sự hợp tác trong việc bảo vệ hệ sinh thái biển, góp phần đảm bảo sự bền vững lâu dài của ngành hải sản", ông Asbjorn Warvik Rortveit, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Hội đồng Thuỷ sản Na Uy, cho biết.
Theo Bộ Công Thương, thách thức đối với xuất khẩu thủy sản sang các thị trường chính hiện này là hàng rào kỹ thuật khắt khe. Vì vậy để đẩy mạnh xuất khẩu, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ lưỡng về thị trường, hạn chế cạnh tranh về giá cũng như tuân thủ đúng quy định của thị trường nhập khẩu.
"Truy xuất nguồn gốc sẽ là yêu cầu tất yếu giúp minh bạch hóa, góp phần bảo vệ môi trườn,g hướng tới thương mại xanh. Khi chúng ta đã đáp ứng được tiêu chuẩn của một thị trường thì rất thuận lợi để xuất khẩu thủy sản sang nhiều thị trường khác nhau", ông Trần Thanh Hải, Phó Cục Trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, nhận định.
Các chuyên gia cũng dự đoán xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2023 có thể chạm mốc 9 - 9,2 tỷ USD. Để hầu hết người tiêu dùng vẫn tiếp cận được các sản phẩm hải sản phổ biến và cao cấp, các nhà chế biến và kinh doanh thủy sản có thể đóng gói sản phẩm kích cỡ nhỏ hơn, giá phù hợp với túi tiền của mọi tầng lớp thu nhập.
Tin vui từ xuất khẩu thủy sản VTV.vn - Xuất khẩu thủy sản đang có những dấu hiệu dần hồi phục. Điều này được kỳ vọng để xuất khẩu thủy sản có thể bứt tốc những tháng cuối năm và không tuột mốc 10 tỷ USD.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!