Chế biến thủy sản xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Cơ hội để xuất khẩu vào Mỹ lên tầm cao mới
Theo Bộ Công thương, 72 nước đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, bao gồm các nền kinh tế lớn như Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Mới nhất, Vương quốc Anh đã có Thư chính thức công nhận quy chế thị trường của Việt Nam. Nước ta cũng tham gia 16 hiệp định thương mại tự do song và đa phương với hơn 60 đối tác.
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, đặc biệt đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta như điện thoại di động, máy tính và sản phẩm điện tử, may mặc, giày dép, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ...thị trường này có tiềm năng xuất khẩu số 1.
Theo số liệu của Bộ Công thương, 4 tháng đầu năm, Mỹ tiếp tục giữ vị trí này, với kim ngạch trên 34 tỷ USD, chiếm gần 28% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Về nhập khẩu, nước này cũng nằm trong nhóm thị trường hàng đầu, với 4,5 tỷ USD tính tới hết tháng 4.
Đáng chú ý, khoảng hơn 1 tháng nữa (khoảng tháng 7/2024) sẽ có quyết định cuối cùng từ phía Mỹ đối với vấn đề công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nếu được công nhận sẽ làm giảm thuế nhập khẩu áp lên nhiều sản phẩm của nước ta vào thị trường này. Cùng với đó, Việt Nam sẽ có lợi thế trong các cuộc điều tra chống bán phá giá, trợ cấp.
Chia sẻ về câu chuyện này, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho biết, việc được Mỹ công nhận là kinh tế thị trường có ý nghĩa rất lớn cho các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Nhiều mặt hàng xuất khẩu vào thị trường khổng lồ này sẽ được giảm thuế, có thể khuyến khích các công ty Mỹ đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Không chỉ vậy, về dài hạn, lợi ích lớn nhất khi được công nhận quy chế kinh tế thị trường là các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có thể sử dụng giá sản xuất của chính doanh nghiệp mình trong trường hợp Mỹ tiến hành điều tra chống bán phá giá, tạo ra lợi thế cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa của Việt Nam đối với hàng hóa xuất khẩu của các quốc gia khác khi mức thuế phòng vệ thương mại phản ánh đúng thực tiễn sản xuất tại Việt Nam.
Chế biến thủy sản xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Đơn cử, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm có thể sử dụng giá của chính doanh nghiệp mình trong các vụ kiện. Được biết hiện giá tôm của Việt Nam đang cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh trong khi mức thuế chống trợ cấp sơ bộ đang thấp hơn đối thủ (Việt Nam bị áp mức 2,84% so với đối thủ bị áp mức 4,36-7,55%).
Một trường hợp khác, việc Mỹ công nhận quy chế nêu trên có thể giúp các doanh nghiệp xuất khẩu thép Việt Nam thuận lợi hơn trong các cuộc điều tra chống bán phá giá (nếu có) trong tương lai. Khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng giá của chính doanh nghiệp trong trường hợp điều tra thuế chống bán phá giá, thay vì phải sử dụng giá tại các thị trường khác (như Indonesia) để tham khảo.
Hay đối với nhóm ngành gỗ: gỗ dán, tủ gỗ và bàn trang điểm bằng gỗ, nội thất phòng ngủ, ghế khung gỗ hiện đang bị điều tra chống bán phá giá và thuế tự vệ như các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc. Do vậy, việc Mỹ công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam sẽ có hỗ trợ nhất định cho các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành này.
Các nhà nghiên cứu về thương mại quốc tế nhấn mạnh thêm, với quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, khi Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ giúp nước ta hưởng nhiều lợi ích kinh tế về tăng thương mại và đầu tư với Mỹ, nhất là trong bối cảnh Mỹ nỗ lực thúc đẩy Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF).
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng nhận định, quyết định chấp thuận từ Mỹ (nếu có) sẽ tạo tiền đề giúp Liên minh châu Âu (EU) có quyết định công nhận tương tự đối với Việt Nam.
Theo báo cáo ngày 8/5 vừa qua của Công ty Chứng khoán SSI, Bộ Thương mại Mỹ đã tổ chức phiên điều trần giữa đại diện Chính phủ Việt Nam với một số bên liên quan để xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam đang nằm trong danh sách 12 quốc gia có quy chế kinh tế phi thị trường của Bộ Thương mại Mỹ và sẽ bị sử dụng giá từ nước thứ ba thay thế để tính toán giá sản xuất khi tính biên độ phá giá trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD) đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Thận trọng để tránh rủi ro, tổn thất
Nói gì thì nói, Mỹ vẫn là thị trường rất khó lường. Bởi vậy, để tăng trưởng kim ngạch, giảm thiểu rủi ro trong quá trình xuất khẩu sang thị trường này, theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam cần thận trọng trong mọi chiến lược, trong từng bước đi. "Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn như hiện nay, xu hướng tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Mỹ nói riêng đã có nhiều thay đổi. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải thích ứng được với những thay đổi đó", Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Trang khuyến nghị, trước hết, , doanh nghiệp nên tìm hiểu và cập nhật quy định pháp luật của thị trường Mỹ một cách cụ thể, thường xuyên, liên tục. Trong đó, lưu ý các quy định liên quan đến phòng vệ thương mại, vệ sinh phòng dịch, tiêu chuẩn kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ hoặc các quy định liên quan đến tiêu chuẩn sử dụng lao động...
Thực tế cho thấy, trong vòng 4 năm trở lại đây, Mỹ có sự gia tăng rõ rệt trong hoạt động điều tra các biện pháp chống lẩn tránh do Bộ Thương mại Hoa Kỳ thực hiện và điều tra gian lận nguồn gốc xuất xứ, chống sử dụng lao động cưỡng bức do Hải quan Hoa Kỳ thực hiện.
Năm 2023, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 16 vụ việc khởi xướng mới đối với pin mặt trời, tủ gỗ, một số sản phẩm thép, hóa chất… bên cạnh nhiều vụ việc đang tiếp tục được điều tra và các vụ việc rà soát hàng năm, rà soát cuối kỳ. Phần lớn vụ việc khởi xướng trong năm 2023 do Mỹ thực hiện. Lũy kế đến thời điểm này, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của khoảng 240 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.
Bên cạnh đó, theo Vụ thị trường Châu Âu Châu Mỹ (Bộ Công thương) thông tin, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ còn phải đối mặt với sự gia tăng của nhiều thủ đoạn lừa đảo, nhất là các điều khoản thanh toán quốc tế…gây ra không ít thiệt hại tài chính.
Do đó, trong quá trình giao thương với thị trường Mỹ, doanh nghiệp cần thận trọng việc tìm kiếm đối tác, đàm phán hợp đồng; cần sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý để có những thông tin chất lượng nhằm đánh giá được tình hình tài chính, mức độ tin cậy của các đối tác, hạn chế thanh toán bên thứ 3 (bên môi giới)...Đồng thời, doanh nghiệp nên hạn chế việc sử dụng hợp đồng mẫu do bên đối tác cung cấp hoặc các tài liệu thay thế cho hợp đồng như PO, Commercial Invoice vì các tài liệu này không có các điều khoản đảm bảo về giải quyết tranh chấp hoặc điều khoản để ràng buộc, đảm bảo nghĩa vụ của đối tác…
Đối với các vụ việc phá sản nói riêng, doanh nghiệp cần chủ động tiến hành tìm hiểu thông tin vụ việc sớm qua các kênh thông tin sẵn có cũng như tìm kiếm và đàm phán với luật sư để tránh rơi vào thế bị động, còn ít thời gian chuẩn bị cho vụ kiện và ảnh hưởng tới kết quả cuối cùng.
Nói thêm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt Nam cần xác định lại chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh; định hình rõ thị trường và sản phẩm; tìm hiểu kỹ các quy định, rào cản xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Đồng thời, liên tục cải thiện chất lượng hóa cũng như công nghệ sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu, minh bạch hóa sản phẩm theo quy định quốc tế đặt ra.../.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!