Xuất khẩu Việt Nam vươn lên nấc thang mới

Kate Trần-Thứ sáu, ngày 20/12/2024 10:05 GMT+7

Năm 2024, tình hình xuất nhập khẩu lấy lại đà tăng trưởng, tiếp tục khởi sắc.

VTV.vn - Lọt Top 30 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, Việt Nam đã và đang từng bước định vị đẳng cấp và thương hiệu của một cường quốc xuất khẩu.

Điều đó đòi hỏi doanh nghiệp cần có sự phát triển tương xứng, hướng đến xuất khẩu xanh và bền vững để đáp ứng những tiêu chuẩn mới.

Việt Nam lọt Top 30 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới

Theo báo cáo mới đây của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam góp mặt trong Top 30 nền kinh tế xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới với vị trí 23. Trong đó, WTO chỉ rõ, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 354 tỷ USD năm 2023, chiếm tỷ trọng 1,5% toàn cầu. Ngược lại, ở chiều nhập khẩu, trong 30 nền kinh tế nhập khẩu lớn nhất thế giới, Việt Nam đứng thứ 22 với 326 tỷ USD, chiếm 1,3% tỷ trọng nhập khẩu toàn cầu. 

Năm 2024, tình hình xuất nhập khẩu lấy lại đà tăng trưởng, tiếp tục khởi sắc và được dự báo có thể tiếp tục đạt kỷ lục ở mức 780 – 800 tỷ USD. Chia sẻ với phóng viên VTV Times,  ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao trong suốt hơn 3 thập kỷ, ngay cả thời gian đại dịch Covid-19 (2019 - 2021). Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong hơn 30 năm, từ năm 1992 - 2022 đạt trung bình 17,96%/năm. Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hàng đầu thế giới và là cường quốc về xuất nhập khẩu. Hiện, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt tại gần 200 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới, trong đó có các thị trường lớn và khó tính như: Mỹ, Nhật Bản và EU. Nhiều mặt hàng của Việt Nam đứng Top đầu xuất khẩu như gạo, hạt tiêu, dệt may… 

Xuất khẩu Việt Nam vươn lên nấc thang mới - Ảnh 1.

Việt Nam lọt Top 30 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới

9 năm xuất siêu liên tục

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, 11 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 715,55 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 369,93 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2024 sơ bộ đạt 345,62 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. 

Đáng chú ý, xuất khẩu các nhóm hàng chủ lực như nông sản, thủy sản và công nghiệp chế biến đều tăng trưởng ấn tượng. Kim ngạch xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản ước đạt 35,46 tỷ USD (tăng 20,6%), trong khi nhóm công nghiệp chế biến ước đạt 312,59 tỷ USD (tăng 13,9%). Xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đạt 103,38 tỷ USD, tăng 19,4%, vượt qua mức tăng trưởng của khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (12,2%).

Dựa trên những kết quả tích cực đã đạt được 11 tháng qua và việc duy trì tốt xu hướng này, nhiều khả năng xuất khẩu hàng hóa sẽ đạt 377 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2023, vượt mức kế hoạch năm đã đề ra. Trước đó, theo báo cáo mới công bố của Ngân hàng UOB, dự báo xuất khẩu của Việt Nam năm nay sẽ tăng 18% và đạt con số xấp xỉ gần 420 tỷ USD, cao nhất kể từ năm 2021.

Bên cạnh đó, với mức xuất siêu 11 tháng qua đạt tới 24,31 tỷ USD sẽ là tín hiệu tích cực, phản ánh năng lực cạnh tranh và hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. Với kết quả trên, chắc chắn, năm 2024 tiếp tục là năm thứ 9 Việt Nam duy trì trạng thái xuất siêu. Điều này có ý nghĩa quan trọng, góp phần tích cực trong việc cải thiện cán cân thanh toán, tăng cường dự trữ ngoại hối và góp phần ổn định tỷ giá cũng như các chỉ số kinh tế vĩ mô khác.

Định vị đẳng cấp và thương hiệu của cường quốc xuất khẩu

Theo đánh giá của các chuyên gia thương mại, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện vẫn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục để phát triển bền vững và nhanh chóng thích nghi trong bối cảnh mới. 

Xuất khẩu Việt Nam vươn lên nấc thang mới - Ảnh 2.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có sự chuyển dịch từ thâm dụng sản phẩm nguyên liệu, hàng sơ chế, sang các sản phẩm chế biến

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đang tiếp tục mở rộng đàm phán các FTA, phổ biến để hiện thực hóa các ưu đãi từ FTA và thực thi hiệu quả các FTA. Song, bản thân doanh nghiệp cần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, tranh thủ sự hồi phục nhanh của các thị trường khu vực ASEAN và một số nước châu Á để đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các thị trường ngày càng có xu hướng bảo hộ mạnh mẽ hơn cho sản xuất trong nước bằng việc áp dụng các hàng rào thương mại với hàng nhập khẩu. Điều này sẽ tác động không nhỏ đối với nền kinh tế có độ mở lớn, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế như nước ta. Vì vậy, doanh nghiệp phải lưu ý để tránh rủi ro. Theo TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), nhà nước có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nâng cao năng lực nội tại một cách có trọng tâm, trọng điểm theo từng ngành hàng và theo chuỗi giá trị.

Đặc biệt, doanh nghiệp phải hướng đến chú trọng đầu tư công nghệ xanh và cải tiến quy trình để đáp ứng các tiêu chuẩn phát triển bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn mới... “Chiến lược xuất nhập khẩu hàng  hóa đến năm 2030 đề ra những mục tiêu về xuất khẩu xanh, xuất khẩu bền vững. Việt Nam đã là một trong những cường quốc về xuất khẩu nên cần phải có sự ứng xử xứng với vị trí cường quốc. Đó là không thể chậm trễ trong việc đưa sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường. Doanh nghiệp phải tìm hiểu thông tin về sản xuất xanh, chuyển đổi xanh, xuất khẩu bền vững và rà soát trong quy trình sản xuất, kinh doanh để đầu tư cho chuyển đổi xanh, đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh. Thực chất việc chuyển đổi xanh không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội cho doanh nghiệp”, TS Lê Quốc Phương – nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) khẳng định.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước