Bệnh tay chân miệng có thể gây thành dịch lớn, gây nhiều biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh trong vòng vài giờ, trong khi bệnh chưa có vaccine cũng như thuốc điều trị đặc hiệu.
Theo Ths.Bs Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh tay chân miệng (TCM) có thể do nhiều loại virus gây nên và chủ yếu lây theo đường tiêu hóa, từ người sang người nên các yếu tố sinh hoạt tập thể như ở trường học khiến nguy cơ lây bệnh tăng cao, có thể gây thành dịch lớn. Do vậy, nhận biết sớm và chăm sóc trẻ mắc bệnh đúng cách là yếu tố rất quan trọng giúp giảm tỷ lệ mắc, giảm tử vong.
Dấu hiệu nhận biết sớm
Ths.Bs Đỗ Thiện Hải cho biết, những dấu hiệu ban đầu của bệnh TCM như: Trẻ thường sốt nhẹ hoặc sốt cao (sốt cao không thể hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng), và những tổn thương ở da bao gồm: rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…
|
Bệnh tay chân miệng chưa có vaccine phòng ngừa (Ảnh minh họa) |
Bên cạnh đó là đau họng, đau miệng, chảy nước bọt, lười ăn hơn, rối loạn tiêu hóa. Với trẻ nhỏ thường đau, quấy khóc và bú kém.
Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại chuyên khoa truyền nhiễm trẻ em để được tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc tại nhà cũng như việc phát hiện triệu chứng nặng để có thể đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.
“Nếu thấy trẻ có các biểu hiện như: Sốt trên 38,5 độ, kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt; quấy khóc liên tục; mệt mỏi không chơi, ngủ nhiều, lơ mơ, ngủ gà; giật mình; thở bất thường; ngồi không vững, đi loạng choạng; rối loạn ý thức, tiểu ít… thì đây là dấu hiệu của tình trạng nặng hoặc biến chứng của bệnh và cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.
Nếu để chậm từ 1 - 2 ngày, bệnh có thể trở nặng, trẻ lừ đừ, co giật, mạch nhanh và có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong. Việc phát hiện sớm dấu hiệu nặng để có biện pháp can thiệp kịp thời rất quan trọng bởi trẻ dù có biến chứng nặng nhưng nếu được điều trị sớm cũng có thể cứu được và không có di chứng nặng nề nào cho sự phát triển về sau”, Bs Thiện Hải nhấn mạnh.
Cách chăm sóc và điều trị
“Do tổn thương ở niêm mạc miệng gây đau đớn, khiến trẻ ăn kém, có thể dẫn đến hạ đường máu, cha mẹ cần cho trẻ dùng các thuốc giảm đau, sát trùng niêm mạc miệng như nước muối 0,9%, Kamistad… Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo loãng, sữa…
Đặc biệt, vệ sinh da cho trẻ để tránh bội nhiễm vi khuẩn như: tắm cho trẻ bằng các loại nước có tính sát trùng nhẹ như nước lá chè, lá chân vịt… Dùng dung dịch Betadin bôi các tổn thương ngoài da sau khi tắm”, Bs Thiện Hải lưu ý.
Bệnh TCM hiện chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu. Do vậy, việc phòng bệnh trong cộng đồng, tránh lây lan rất quan trọng. Cụ thể: Nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em) trước khi chế biến thức ăn và cho trẻ ăn, bế ẵm và sau khi làm vệ sinh cho trẻ.
Thực hiện tốt việc ăn uống chín; đảm bảo vệ sinh tốt những vật dụng ăn uống và nước trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ngậm, mút tay và đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn tay, vật dụng ăn uống và đồ chơi.
Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Cách ly trẻ bệnh tại nhà trong 10 - 14 ngày đầu của bệnh.
Bs Thiện Hải cũng lưu ý: “Khi chăm sóc trẻ, người chăm sóc có thể nhiễm virus gây bệnh. Vì vậy những người này không nên đi lại tự do giữa các phòng bệnh hoặc đi ra ngoài bệnh viện, hạn chế vào thăm vì có thể mang mầm bệnh ra cộng đồng. Trước khi ra khỏi khu vực điều trị nên rửa tay sạch sẽ. Không nên mang các vật dụng, đồ chơi từ bệnh viện về nhà, nếu mang về thì cần tiệt trùng sạch sẽ”./.