Dù không có được những kiến trúc nổi tiếng như khu đền tháp Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam) nhưng ở Huế vẫn có rất nhiều công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn nền văn hóa Chăm Pa. Tuy nhiên, 2 trong số 3 di tích Chăm tại Thừa Thiên - Huế được công nhận là di tích cấp quốc gia hiện xuống cấp nghiêm trọng, chưa được tu bổ.
Nguy cơ thành phế tích
Tọa lạc trên địa bàn 2 phường Thủy Xuân và Thủy Biều, TP Huế, Thành Lồi là một trong những di tích Chăm Pa hiếm hoi còn sót lại trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Theo “Đại Nam nhất thống chí”, đây là chỗ ở của vua Chiêm Thành, gọi là Phật Thệ, tục gọi Thành Lồi. Một nghiên cứu của GS Trần Quốc Vượng đã nhận định Thành Lồi được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ V-VI (cùng niên đại thành Trà Kiệu ở Quảng Nam) trên khu đồi Long Thọ.
Di tích tháp đôi Liễu Cốc ở Huế sụp đổ không còn nguyên dạng, cây cối và cỏ dại bao quanh
Theo tài liệu của đơn vị quản lý di tích này là Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên - Huế, độ cao của Thành Lồi khoảng 30-50 m; phía Nam, Tây, Đông đều có các khe nước chảy qua, phía Bắc giáp sông Hương. Thành Lồi có dạng gần hình vuông, chu vi khoảng 2 km với cấu trúc khép kín 4 mặt. Cấu trúc mặt cắt của tòa thành gồm 3 tầng: Tầng thứ nhất từ bề mặt xuống 1,8-2 m bằng đất nện chặt; tầng thứ 2 dày 0,5-1 m được đắp bằng gạch, đá cuội xen lẫn và tầng thứ 3 cách bề mặt 2,5-3 m, dày 1,8-2 m được đắp bằng đất nện chặt. Nguyên vật liệu xây đắp Thành Lồi chủ yếu bằng đất đồi, gạch và đá cuội; gạch theo kiểu “mài chập liên kết thành khối vững chắc, không có mạch vữa như kỹ thuật xây dựng các công trình kiến trúc Chăm”.
Hiện chỉ còn di tích tháp Chăm được bảo tồn khá nguyên vẹn
Vào năm 2014, Thành Lồi được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) công nhận là di tích cấp quốc gia. Trước đó, từ năm 1993, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có quyết định về việc bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn, riêng Thành Lồi được xếp vị trí thứ nhất trong số 153 di tích, thắng cảnh của tỉnh cần được bảo vệ.
Vậy nhưng, khi đặt chân đến Thành Lồi, nhiều người chắc hẳn sẽ không nhìn ra đó là di tích cấp quốc gia bởi sự hoang tàn của nó. Dọc các bờ thành, đâu đâu cũng bị loài cây dây leo, cây dứa phủ bám; lối dẫn vào âm u, rậm rạp bởi những loài cây hoang dại. Hầu như các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thiếu quan tâm trong việc quản lý nên tại di tích Thành Lồi, người dân vô tư lấn chiếm, xâm phạm khu vực chân bờ thành để tiến hành chôn cất, xây dựng mồ mả. Các khu đất trống trong di tích đã bị biến thành rừng keo tràm...
Trong khi đó, tại phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, tháp đôi Liễu Cốc (được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1997) cũng là một biểu tượng của nền văn hóa Chăm hiện tồn tại. Di tích này gồm 2 tòa tháp, được xây dựng gần nhau trên 2 trục song song theo hướng Đông - Tây. Trong đó, tháp lớn được lát và bó vỉa bằng gạch, tường dày 1,6 m, diện tích lòng tháp trên 9 m2; tháp nhỏ có diện tích khoảng 7,5 m2.
Cũng như Thành Lồi, tháp đôi Liễu Cốc đang đứng trước nguy cơ trở thành phế tích. Hai tòa tháp nay chỉ còn nhận ra một tòa tháp lớn với cây cối bao quanh. Tòa tháp nhỏ thì đổ sập và bị dây leo, cây cỏ phủ kín không còn nhận ra hiện dạng.
Thiếu kinh phí
Nói về việc bảo vệ, trùng tu các di tích này, lãnh đạo địa phương cho rằng “vượt quá tầm tay”. Theo UBND phường Hương Xuân, hiện trạng xuống cấp của di tích tháp đôi Liễu Cốc đã xảy ra từ lâu. Người dân nhiều lần có ý kiến đề nghị nhà nước trùng tu, bảo vệ nhưng hiện chưa được tiến hành.
Ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên - Huế, đơn vị trực tiếp quản lý các di tích Chăm, cho biết toàn tỉnh hiện có trên 150 di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng. Trong đó, chỉ có 3 di tích Chăm được công nhận là di tích quốc gia gồm Thành Lồi, tháp đôi Liễu Cốc và tháp Chăm ở xã Phú Diên, huyện Phú Vang.
Theo ông Hùng, các di sản văn hóa Chăm trên đất Huế chính là một phần của di sản văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, do các di tích Chăm ở đây tồn tại từ thời cổ xưa nên qua thời gian biến động, nay đã bị xuống cấp, mai một nhiều so với những di tích Chăm ở các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa... Trong 3 di tích Chăm ở Thừa Thiên - Huế, tháp đôi Liễu Cốc nay đã bị sụp đổ nên việc bảo tồn hết sức khó khăn. Còn di tích Thành Lồi nay chỉ còn đoạn thành phía Nam tương đối nguyên vẹn. Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên - Huế đã chọn đoạn thành này để khoanh vùng bảo vệ di tích, với tổng diện tích của cả hai khu vực gần 2 ha, trong đó khu vực 1 có diện tích hơn 1,2 ha.
Về kinh phí trùng tu, theo ông Hùng, trung bình mỗi năm đơn vị này chỉ được cấp khoảng 3-4 tỉ đồng cho tất cả di tích, riêng năm 2015 chỉ có 400 triệu đồng. Vì vậy, việc bảo tồn các di tích, trong đó có một số di tích cổ Chăm Pa, rất khó khăn.
“Có di tích đã khai quật lên nhưng chúng tôi buộc phải lấp cát lại vì không đủ tiền để bảo tồn. Để bảo vệ hiện trạng các di tích Chăm, chúng tôi đã khoanh vùng và giao cho chính quyền địa phương triển khai các công tác bảo vệ theo quy định” - ông Hùng băn khoăn.
Riêng về di tích tháp đôi Liễu Cốc, ông Hùng cho biết trong thời gian tới, Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên - Huế sẽ phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tiến hành thám sát khảo cổ học để có đánh giá cụ thể, qua đó mới có thể đưa ra giải pháp khôi phục được hay không.
Bài và ảnh: QUANG NHẬT