Ông là người mà tôi quý trọng vì cách sống giản dị, tính tình chân thật, gần gũi dù với bất cứ ai… Một nhạc sĩ tài ba và là một họa sĩ, tuy vẽ ít nhưng luôn gửi vào tranh mình những vẻ đẹp của tâm hồn.
Tôi vinh dự được gặp ông vài lần ở Đà Nẵng rồi TP HCM sau năm 1975 nhưng trước đó đã mê mẩn với bài “Quê em miền Trung du” do đôi song ca Thái Thanh - Thái Hằng của Ban Thăng Long hát trên sóng phát thanh Sài Gòn.
Cái điệu valse thánh thót, sang trọng là vậy, mà ông đã “ngây thơ” - như sau này ông nói - dùng cho bài hát của một thời chiến tranh nhà tan cửa nát ở vùng Việt Bắc. Ai ngờ sự “ngây thơ” ấy lại thể hiện hình ảnh nhấp nhô của những vườn đồi chập chùng, những cánh đồng trung du lúa xanh rờn và tâm trạng trai tráng của một thời “vô tư, hồn hậu, không tính toán”.
Nhạc sĩ - hoạ sĩ Nguyễn Đức Toàn lúc sinh thời
Sau năm 1975, khi về sống ở Đà Nẵng tôi lại nghe thanh niên hát bài “Đà Nẵng quê ta giải phóng rồi” cả trong các sinh hoạt cộng đồng và về sau làm nhạc hiệu một thời gian trên đài phát thanh.
Những năm làm việc tại tòa soạn tạp chí Đất Quảng có lẽ là thời gian tôi nhiều lần hân hạnh được gặp nhạc sĩ - họa sĩ Nguyễn Đức Toàn, phỏng vấn ông, đặt ông vẽ bìa, minh họa và… nhậu cùng ông với nhà thơ Thu Bồn để “hóng” chuyện. Trước sau, ông vẫn coi “Quê em miền trung du” là một tác phẩm thật sự của tâm hồn nghệ sĩ trong ông. Tuy viết từ năm ông 19 tuổi nhưng đó không chỉ là tác phẩm âm nhạc có tuổi thọ thuộc loại hàng đầu trong nền âm nhạc kháng chiến, được nhiều thế hệ yêu mến, được cả Đài Pháp - Á của “đối phương” lúc vừa ra đời phát sóng, mà còn - như ông nói: “Tôi viết “Quê em…” năm 1948, cùng lúc với Đỗ Nhuận viết “Du kích sông Thao”, Lương Ngọc Trác viết “Lô Giang” và Văn Cao viết “Bài ca sông Lô”. Những năm ấy, đất Ấm Thượng, Hạ Hòa của tỉnh Phú Thọ là nơi chúng tôi thường qua lại, gặp nhau rồi ra đi, người lên ngược kẻ về xuôi, bám theo bước chân anh bộ đội…”.
Người nghệ sĩ sinh ra ở đất Hà Nội này ít khi nhắc tới những sáng tác của bản thân mình dù được hỏi nhưng với “Quê em miền trung du” thì ông luôn hào hứng. Mà đó chỉ là sự hào hứng theo cốt cách Hà Nội, vừa nhỏ nhẹ vừa khiêm tốn. Khi tôi hỏi có điều gì khiến bài hát ấy “sống” lâu, ông nói: “Đó chẳng phải hoàn toàn do tôi, tôi chỉ mới làm được việc là gợi lên được một tiếng đàn. Nó vang lên cùng một âm thanh của cuộc sống lúc đó nên mọi người tiếp nhận, nâng niu như những kỷ niệm, những tháng năm đáng nhớ. Mọi người cũng đã độ lượng với “Quê em miền trung du” dẫu cho nó còn thơ dại về mặt này mặt khác…”.
Nhà thơ Thu Bồn lúc ấy nói một tác phẩm ra đời đôi khi nó không lệ thuộc vào trình độ hay ý muốn của tác giả, “nó chín là nó rụng thôi”, như một thứ trái cây ngon. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đồng ý liền. Ông cho rằng hồi viết “Quê em miền trung du”, ông còn non nớt về nghề nghiệp và về nghệ thuật lắm. Nhưng đó là thời kỳ của một tâm hồn tinh khiết, trong sáng nhất, sẵn sàng vì lý tưởng cao đẹp. “Cũng có thể nói đó là chặng đường đẹp nhất, quý nhất của cuộc đời tôi. Bước chân hành quân ngày ấy nhẹ nhàng, thanh thản, chẳng khi nào ngoái cổ lại để lo lắng những điều riêng tư. Không đắn đo suy tính cái ngày mai sẽ đến, mình sẽ ra sao, được cái gì mà mất cái gì!...”.
Quả vậy! Tôi cũng nghĩ như ông, đó là sự vô tư của “Quê em miền trung du”, hồn hậu như tự nhiên nó phải có, không giả tạo, không lừa dối. Đó là điểm tựa của “Quê em miền trung du” và những bài hát cùng thời còn được yêu quý đến hôm nay…
Bút tích và tranh của Nguyễn Đức Toàn
Lúc từ Hà Nội vào TP HCM tham dự một triển lãm tranh toàn quốc vào năm 1989, nhạc sĩ – họa sĩ Nguyễn Đức Toàn ký tặng tôi một bức ảnh chụp tấm tranh nude sơn dầu khổ lớn rất được tán thưởng của ông. Thiếu nữ khỏa thân ngồi bên bình hoa, thanh thoát. Mái tóc của nhân vật trôi dài như một dải mây mùa cổ điển. Nhìn bức tranh, rồi lại nhìn tôi, ông nói: “Bao giờ, bao giờ chúng ta lại được sống lại một thời không giả tạo, không lừa dối như thế. Nó đã thuộc về quá khứ như một “Quê em miền trung du” của tôi. Đó mãi là một thời để mà nhớ lại, luyến tiếc hay ân hận…”.
Nhiều năm rồi tôi chưa gặp lại nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, giờ lại nghe ông vĩnh viễn ra đi, lòng tôi sao khỏi ngậm ngùi nhớ lại những điều ông đã kín đáo tâm sự. Ông đã ra đi vào giai đoạn mà nhiều người cho là “năm hạn” nhất của giới âm nhạcViệt vì phải chia tay nhiều tài năng và nhân cách lớn. Mong ông được thanh thản trở về với cái thế giới hồn hậu, vô tư của một thời đã mất.
Đà Nẵng, 7-10-2016
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG