Bảo hiểm y tế (BHYT) được xem là nguồn đảm bảo để người nhiễm HIV có thể tiếp cận được với các dịch vụ chăm sóc điều trị và thuốc ARV một cách bền vững, nhất là khi các nguồn lực tài trợ kinh phí cho việc điều trị HIV/AIDS cắt giảm. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bằng BHYT của người nhiễm HIV ở Việt Nam vẫn còn rất thấp.
Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 15 về thanh toán BHYT cho người nhiễm HIV, có hiệu lực từ 15/8/2015, thế nhưng Thông tư này vẫn còn một vài điểm bất cập khiến nhiều người vẫn còn băn khoăn và lo lắng về việc chi trả BHYT được thực hiện như thế nào và làm thế nào để người bệnh có thể tiếp cận được với BHYT.
Để giúp người nhiễm HIV hiểu rõ hơn về quyền lợi của mình khi tham gia BHYT, VOV.VN tổ chức tọa đàm “NHỮNG VƯỚNG MẮC VỀ BHYT CHO NGƯỜI NHIỄM HIV”.
Các vị khách mời tham gia chương trình:
TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà- Phó trưởng phòng chế độ BHYT
Quý vị và các bạn quan tâm có thể gửi câu hỏi bằng cách bình luận dưới bài viết hoặc gửi email theo địa chỉ noidung@vovnews.vn hoặc số điện thoại: 04. 62603709.
Nội dung buổi tọa đàm
PV: Thưa TS Hoàng Đình Cảnh, xin ông cho biết thực trạng người nhiễm HIV tại Việt Nam?
Ông Hoàng Đình Cảnh: Tính đến cuối năm 2015, trên toàn quốc có trên 220.000 người nhiễm HIV và hơn 80.000 người tử vong do AIDS. Số người nhiễm mới hàng năm được phát hiện là khoảng hơn 10.000 người.
Chúng ta đã tiến hành các biện pháp một cách toàn diện và đạt được kết quả khống chế dịch HIV bùng nổ trong 8 năm liên tục. Nếu như năm 2007, mỗi năm chúng ta phát hiện hơn 30.000 trường hợp nhiễm HIV mới thì đến nay con số này chỉ hơn 10.000 người. Tuy nhiên, đây vẫn là con số lớn. Với hơn 220.000 nhiễm đang sống, đây là một trong những gánh nặng lớn về công tác chăm sóc và điều trị cho ngành y tế, cũng như cộng đồng, đặc biệt là người nhiễm HIV và gia đình của họ.
PV: Thưa ông, người nhiễm HIV từ trước đến nay được điều trị HIV bằng thuốc ARV miễn phí từ các nguồn tài trợ. Vậy tại sao hiện nay chúng ta lại phải thúc đẩy việc người nhiễm HIV sử dụng thẻ BHYT?
TS Hoàng Đình Cảnh: Công cuộc phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam được sự quan tâm hỗ trợ hết sức mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, trong đó có những quỹ lớn như: PEPFAR, Quỹ toàn cầu và của các nước khác. Khi Việt Nam thoát khỏi nước nghèo thì các quỹ viện trợ sẽ cắt giảm dần theo một lộ trình và chúng ta phải sử dụng nội lực để huy động nguồn lực cho công tác phòng chống HIV/AIDS. Trong đó cần phải bù đắp phần thiếu hụt do nguồn viện trợ quốc tế bị cắt giảm.
Một trong những giải pháp để đảm bảo nguồn tài chính bền vững cho công tác này, thứ nhất phải tăng nguồn từ Chính phủ bao gồm từ Trung ương và các tỉnh thành chi cho công tác phòng chống HIV/AIDS. Giải pháp thứ 2 cũng hết sức khả thi, có tính bền vững là sử dụng nguồn từ BHYT để thanh toán chi phí chăm sóc, điều trị, xét nghiệm cho người nhiễm HIV/AIDS, bao gồm cả thuốc điều trị ARV. Để làm được việc này, đương nhiên người nhiễm phải có thẻ BHYT, bởi thuốc ARV là từ nguồn viện trợ quốc tế sẽ chấm dứt và trong tương lai gần nguồn thuốc này hoàn toàn sẽ được cấp từ nguồn BHYT.
PV: Ông cho rằng người nhiễm HIV không mua BHYT sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội?
Ông Hoàng Đình Cảnh: Vấn đề duy trì để tăng độ bao phủ hoặc duy trì được độ bao phủ bệnh nhân đang điều trị ARV hiện nay khi nguồn thuốc quốc tế cắt giảm là một thách thức lớn của chúng ta hiện nay. Về vấn đề này, Bộ Y tế cũng đã hết sức quan tâm và có giải pháp phối hợp với các bộ ngành, địa phương để giải quyết. Nếu chúng ta không duy trì được thuốc sẽ dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, độ bao phủ của độ bao phủ trong phòng chống HIV/AIDS, chăm sóc điều trị sẽ giảm. Nguy cơ lớn nhất là người nhiễm HIV không có BHYT gặp khó khăn tài chính khi điều trị ARV nên bỏ trị của người đang điều trị bằng ARV dẫn đến tình trạng kháng thuốc, đưa đến hệ lụy hết sức nguy hiểm cho xã hội khi trong cộng đồng xuất hiện chủng kháng thuốc HIV/AIDS, khi đó công tác điều trị sẽ vô cùng khó khăn và tốn kém gấp bội phần.
PV: Thưa BS Thanh Hà, trước thực tế này, phía BHXH Việt Nam đã có hướng dẫn hay tư vấn chính sách như thế nào, để người nhiễm HIV được tiếp cận?
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà- Phó trưởng phòng chế độ BHYT: BHXH Việt Nam đã cùng Bộ Y tế xây dựng Thông tư 15. Đây là thông tư hướng dẫn thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho người nhiễm HIV. Đây cũng là một điều đặc biệt, lý do đây là đối tượng đặc biệt. Tuy nhiên, từ trước đến nay không phải là quỹ BHYT chưa thanh toán cho người nhiễm HIV. Đối với trường hợp những người nhiễm HIV đã tham gia BHYT thì vẫn được thanh toán các chi phí điều trị. Riêng chi phí thuốc ARV, theo Luật BHYT là đối với những chi phí do nguồn viện trợ khác chi trả thì không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT cho nên chưa được quỹ thanh toán.
Hiện nay, khi các nguồn tài trợ đã rút đi, quỹ BHYT sẽ sẵn sàng chi trả những chi phí của thuốc ARV theo như quy định của Thông tư 40. Đối với việc làm thế nào để người nhiễm HIV có cơ hội tiếp cận với dịch vụ BHYT thì là câu chuyện chung của cả 2 ngành cũng như cả xã hội. Chúng tôi cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Y tế tổ chức các đợt tuyên truyền để người nhiễm HIV hiểu được lợi ích khi họ tham gia BHYT trong giai đoạn thuốc ARV không còn được cung cấp miễn phí nữa.
|
TS Thanh Hà tại buổi tọa đàm |
PV: Thông tư 15 có hiệu lực từ 15/8/2015, nhưng đến nay còn gặp nhiều vướng mắc, nhất là chi trả. Việc tháo gỡ như thế nào?
BS Thanh Hà: Đối với Thông tư 15, BHXH Việt Nam cũng đã có hướng dẫn tới các địa phương tổ chức ký hợp đồng khám chữa bệnh đối với các cơ sở khám chữa bệnh điều trị ARV. Nếu như đủ tiêu chuẩn đăng ký khám chữa bệnh BHYT theo quy định, thì đã ký hợp đồng. Với những bệnh viện có chuyên khoa HIV, thì cũng đã hướng dẫn họ bổ sung các nội dung về điều trị HIV như quy định tại Thông tư 15 để đảm bảo khi người bệnh có HIV tham gia BHYT khi đến khám, chữa trị thì sẽ được chi trả các nội dung theo đúng luật định.
Tuy nhiên, vẫn còn vướng mắc trong việc thanh toán tiền thuốc ARV, ở đây có liên quan đến cơ chế đầu thầu, chi trả có sự thay đổi hoàn toàn so với trước đây, khi các nguồn viện trợ chi trả.
PV: Ông Cảnh có thể làm rõ thêm về vấn đề này?
TS Hoàng Đình Cảnh: Vấn đề mua sắm, cung ứng và thanh toán thuốc ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS là vấn đề khá phức tạp và mới, cho nên có nhiều vướng mắc khi thực hiện. Trên quan điểm của Bộ Y tế cũng như của BHXH sẽ tiến hành, vưỡng đến đâu sẽ quyết liệt tháo gỡ đến đó.
Thứ nhất, về vấn đề đấu thầu mua thuốc ARV. Từ trước đến nay chúng ta chỉ nhận thuốc viện trợ từ các nguồn quốc tế, hoặc mua một một nguồn ít từ chương trình quốc gia. Tuy nhiên, bây giờ phải mua một lượng lớn, hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Để thuận tiện cho việc cung ứng thuốc, hiện nay trên toàn quốc chúng ta có 349 điểm đang điều trị ARV, gần 550 điểm cấp phát tại xã phường. Để cung ứng thuốc phải có cơ chế đấu thầu và trên quan điểm đấu thầu tập trung để hạ giá thuốc xuống mức thấp nhất, thuận lợi nhất.
Thứ hai, vấn đề cung ứng. Hiện chúng ta có các đơn vị cung ứng cấp thuốc cho các điểm điều trị cũng như điều phối khi các điểm này thừa hoặc thiếu thuốc.
Thứ ba là thanh toán. Hiện đối với các bệnh khác đang thanh toán bình thường theo như bảo hiểm với bệnh viện, theo tuyến. Tuy nhiên việc thanh toán như thế này với thuốc ARV gặp những khó khăn, bởi vì gây khó khăn trong công tác điều phối. Bên cạnh đó, chúng ta đang có những cơ chế hỗ trợ cho người nhiễm về đồng chi trả. Bộ Y tế đang xin trình Chính phủ cho thanh toán tập trung.
Về vấn đề có thẻ bảo hiểm cho người nhiễm: Như chúng ta đã biết, có rất nhiều người nhiễm trong nhóm yếu thế, cần có sự hỗ trợ của xã hội. Khác với những bệnh khác, người nhiễm HIV còn bị cạnh sự kỳ thị, phân biệt đối xử người nhiễm vì nhiều người có liên quan đến sử dụng ma túy, mại dâm…
Chính vì vậy, chúng ta đã trình Thủ tướng Chính phủ và đã đồng ý cho cơ chế tìm kiếm các nguồn hỗ trợ để mua thẻ cho những đối tượng khó khăn. Như vậy, ngoài việc được hưởng chế độ giảm hoàn toàn hoặc miễn giảm 1 phần đối với các đối tượng chính sách chung của ngành bảo hiểm xã hội, ngoài ra người nhiễm HIV được hưởng thêm một phần từ quỹ hỗ trợ mà hiện nay đã có 20 tỉnh thành phố đang triển khai.
Thưa BS Hoàng Đình Cảnh, ông có thể cho biết, khi tham gia BHYT, người nhiễm HIV sẽ được hưởng những quyền lợi gì?
TS Hoàng Đình Cảnh: Người nhiễm HIV bên cạnh việc được khám, điều trị, xét nghiệm và được thanh toán theo chế độ của bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, họ được cấp thuốc kháng virus, được hưởng các chế độ liên quan đến những bệnh nhiễm trùng cơ hội và được thanh toán liên quan đến chế độ thai sản nếu bị nhiễm HIV.
Người nhiễm HIV tham gia BHYT có thể đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn cấp huyện, cấp tỉnh. Người nhiễm HIV đang điều trị ARV ở đâu, nếu có nhu cầu, thì được tiếp tục điều trị tại cơ sở đó khi tham gia BHYT.
Như vậy, người nhiễm HIV sẽ được thanh toán từ bảo hiểm y tế nếu họ có thẻ.
Thưa BS Hà, khi đi KCB có xuất trình thẻ BHYT, có chỉ định của y, bác sỹ điều trị nhưng vẫn phải tự túc mua một số thuốc có trong danh mục BHYT do bệnh viện hết thuốc thì có được thanh toán chi phí của các thuốc đã mua đó không?
BS Thanh Hà: Theo Thông tư 40 của Bộ Y tế, danh mục thuốc thuộc BHYT chi trả. Cơ sở khám chữa bệnh phải có trách nhiệm cung ứng đầy đủ các loại thuốc cần phải điều trị cho người bệnh. Trong trường hợp cơ sở khám chữa bệnh phải để người bệnh tự đi mua thuốc thì rõ ràng là chưa đúng với quy định hiện hành. Do vậy, đối với các trường hợp như trên, người bệnh sẽ thanh toán trực tiếp với bệnh viện để bệnh viện tổng hợp các chi phí đó cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam thanh toán, chứ không được thanh toán trực tiếp với người bệnh.
Trong trường hợp người bệnh có xuất trình thẻ BHYT, có chỉ định của y, bác sỹ điều trị nhưng vẫn phải tự túc mua một số thuốc có trong danh mục BHYT do bệnh viện hết thuốc thì có nghĩa là cơ sở khám chữa bệnh không đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, làm phiền người bệnh phải đi lại nhiều lần. Ngoài ra, sự mua thuốc đó cũng không thuộc phạm vi thanh toán trực tiếp.
Thưa BS Thanh Hà, người tham gia BHYT bị nhiễm các bệnh lây truyền theo đường tình dục thì có được cơ quan BHXH chi trả chi phí KCB không? Mức chi trả là bao nhiêu?
BS Thanh Hà: Khi mắc bệnh thì người bệnh nhiễm HIV nếu có thẻ BHYT thì sẽ được cơ quan bảo hiểm y tế chi trả, thanh toán những chi phí khám chữa bệnh. Tuy nhiên, cũng có một vài bệnh không thuộc phạm vi chi trả của quỹ bảo hiểm y tế được quy định tại Điều 24 của Luật Bảo hiểm y tế như: nghiện ma túy, nghiện rượu hay những chất gây nhiện khác. Còn những bệnh lây truyền theo đường tình dục vẫn được thanh toán.
PV: Thưa TS Cảnh, ông có thể cho biết, theo Thông tư 15, mức hỗ trợ cụ thể của BHYT đối với người nhiễm HIV như thế nào? (gồm cả những người nhiễm H đang điều trị bằng thuốc ARV. Mức chi trả cho họ)?
BS Hoàng Đình Cảnh: Người nhiễm HIV vẫn được hưởng chế độ BHYT như các bệnh nhân khác. Theo Thông tư 15, mức hỗ trợ trong các dịch vụ liên quan đến HIV như sau:
Người tham gia BHYT nhiễm HIV và người tham gia BHYT khi sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS được hưởng quyền lợi theo phạm vi quyền lợi, mức hưởng theo quy định của pháp luật về BHYT.
Người tham gia BHYT nhiễm HIV và người tham gia BHYT khi sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS được quỹ BHYT chi trả:
a) Thuốc (bao gồm cả thuốc ARV), hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT;
b) Xét nghiệm HIV đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai và khi sinh con theo yêu cầu chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh nếu không được các nguồn kinh phí khác chi trả;
c) Kỹ thuật đình chỉ thai nghén ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV;
d) Khám bệnh, xét nghiệm HIV, thuốc ARV và các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS khác đối với trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV;
đ) Xét nghiệm HIV theo yêu cầu chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh (trừ chi phí xét nghiệm HIV đối với người hiến bộ phận cơ thể người, người cho tinh trùng, noãn);
e) Xét nghiệm HIV, điều trị bằng thuốc kháng HIV đối với người phơi nhiễm với HIV, người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro (trừ các trường hợp tai nạn rủi ro nghề nghiệp đã được ngân sách nhà nước chi trả);
g) Điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội.
Ngoài ra theo Thông tư 15: Trường hợp có nhu cầu, người tham gia BHYT nhiễm HIV được đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu tại một trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu có khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS trong địa bàn cấp huyện, cấp tỉnh.
- Nhiều người nhiễm H là người nghèo hoặc người vô gia cư, không có điều kiện tiếp cận thông tin và không có điều kiện kinh tế. BHXH đã phổ biến thông tin đến những đối tượng này như thế nào và có chế độ chính sách hỗ trợ họ ra sao?
BS Thanh Hà: Theo Quy định mới của Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung, thủ tục mua BHYT rất đơn giản. Người dân có nhu cầu mua BHYT thì có thể đến những đại lý thu mua như ở UBND phường, xã. Người dân sẽ được cung cấp một mẫu tờ khai để khai vào đó. Người dân nào đang làm việc ở các tổ chức thì sẽ được tổ chức đó lập danh sách chuyển sang cơ quan BHXH. Trong vòng khoảng 10 ngày, cơ quan BHXH sẽ phải có trách nhiệm trả lời và cung cấp thẻ cho những người đóng tiền mua thẻ. Còn những người dân không thuộc tổ chức nào mà muốn mua thẻ thì phải đăng ký theo hộ gia đình.
PV: Thưa TS Hoàng Đình Cảnh, thực tế hiện nay, các phòng khám ngoại trú HIV/AIDS vẫn là cơ sở độc lập chưa thực hiện việc khám chữa bệnh BHYT ngoại trú cho người bệnh HIV/AIDS; đồng thời các bệnh viện quận huyện và đa khoa chưa có bộ phận khám ngoại trú HIV/AIDS và nguồn lực phù hợp như đội ngũ y bác sĩ được tập huấn chuyên khoa AIDS, vật tư, thuốc OI, ARV... Vậy để giải quyết vướng mắc này cho các bệnh viện và tạo thuận lợi cho người bệnh, ngành Y tế và BHXH đã có giải pháp gì để tháo gỡ?
BS Hoàng Đình Cảnh: Hiện nay, chúng ta có 349 điểm điều trị cho người nhiễm HIV băng thuốc ARV. Trong đó có 234 điểm đang nằm ở các bệnh viện tỉnh, huyện nên đủ điều kiện ký hợp đồng với cơ quan bảo hiểm y tế.
- Về tổ chức khám chữa bệnh: Do trước đây chúng ta sử dụng nguồn viện trợ quốc tế để thành lập, vận hành và cung cấp dịch vụ điều trị cho hầu hết các cơ sở điều trị HIV, cho nên các cơ sở này đã được thành lập riêng và chỉ nằm trong khuôn viên bệnh viện hoặc trung tâm y tế. Để chuyển đổi nguồn lực và phương thức thanh toán, việc điều trị HIV/AIDS phải gắn hoàn toàn vào tổ chức của BV hoặc TTYT đang và sẽ cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT. Khám, chữa bệnh ngoại trú HIV/AIDS sẽ được triển khai tại khoa khám bệnh của các bệnh viện tương tự như khám, chữa bệnh ngoại trú các bệnh khác như tiểu đường, cao huyết áp…
- Về nhân lực: Đến nay, 63 tỉnh, TP đã triển khai điều trị HIV/AIDS với nguồn cán bộ đã được tập huấn, đào tạo và có kinh nghiệm thực hiện. Sở Y tế các tỉnh có thể điều động CBYT để tiếp tục tham gia công tác này hoặc tổ chức tập huấn, cầm tay chỉ việc cho những CBYT mới tham gia trong điều kiện của tỉnh. Đối với các tỉnh không có đủ khả năng đào tạo, tập huấn Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ tổng hợp nhu cầu và tổ chức các lớp đào tạo một cách phù hợp với điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, phải nói rằng điều trị HIV/AIDS không phải là một bệnh quá đặc biệt. Các quy trình quản lý, chăm sóc và điều trị đã được Bộ Y tế ban hành và chỉnh sửa cập nhật thường xuyên nên việc tiếp cận thông tin, kiến thức mới về điều trị không quá khó khăn đối với CBYT.
- Đối với vật tư, thuốc OI đã có đầy đủ trong danh mục thuốc BHYT nên việc mua sắm, cung ứng tương tự như các thuốc, vật tư, sinh phẩm khác, không khó khăn đối với các đơn vị.
- Duy nhất có thuốc ARV là thực hiện theo phương thức mới với việc mua sắm và thanh toán tập trung tại Trung ương. Về danh mục thuốc ARV cũng đã có trong danh mục được thanh toán BHYT. BYT đang phối hợp với các ngành liên quan xin cơ chế đặc thù đối với loại thuốc này.
Còn lại 115 điểm ở các trung tâm phòng chống HIV của tỉnh và trung tâm dự phòng của huyệnchưa đủ điều kiện để ký hợp đồng với cơ quan bảo hiểm y tế. Cho nên, Bộ Y tế đang có công văn hướng dẫn và đôn đốc các tỉnh, thành phố để kiện toàn các cơ sở, hoàn thiện các điều kiện cần thiết để có thể ký hợp đồng với cơ quan . Sẽ xảy ra hai tình huống. Nếu phòng khám ngoại trú đang triển khai ở đơn vị y tế đang khám, chữa bệnh BHYT thì chỉ cần bổ sung nhiệm vụ khám, chữa bệnh ngoại trú HIV/AIDS. Nếu phòng khám ngoại trú HIV/AIDS nằm ở đơn vị không tham gia khám, chữa bệnh BHYT thì cần di chuyển, kiện toàn tại BV cùng tuyến.
Trong điều kiện các trung tâm không thể hoàn thiện được thì chúng ta sẽ chuyển gửi bệnh nhân sang bệnh viện để bệnh nhân được hưởng các chế độ.
Thưa bác sĩ, em có người nhà do lây nghiễm HIV từ chồng. Tuy nhiên, 2 đứa con sinh ra không bị nhiễm. Giờ chồng cô ấy ngoài bị HIV còn bị bệnh nặng liệu muốn khám các chuyên khoa sâu ở Hà Nội có được ưu tiên không ạ? Em cảm ơn. (Thành Trung).
TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS: Người nhiễm HIV và các bệnh nhân khác khi khám và điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội hoặc các bệnh khác sẽ có quyền lợi giống như những người khác có quyền tiếp cận và khám và điều trị tại cơ sở y tế ban đầu và chuyên sâu.
Thách thức của chúng ta khi nguồn tài trợ của quốc tế giảm? (Một độc giả giấu tên)
TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS: Như tôi đã nói ở trên, Chính phủ đã có đề án để đảm bảo nguồn tài chính cho công tác phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020. Trong đó, chúng ta sẽ tăng nguồn đầu tư cho các tỉnh và thành phố có sử dụng nguồn BHYT để thanh toán cho công tác khám và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS trong đó có cả thuốc ARV. Ngoài ra, chúng ta cũng đang xã hội hóa để huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân và kể cả những người nhiễm HIV.
Nếu tăng giá dịch vụ y tế thì những người bị nhiễm HIV/AIDS sẽ phải gặp khó khăn như thế nào thưa chuyên gia? (Một độc giả giấu tên)
TS Hoàng Đình Cảnh:Tăng giá dịch vụ y tế là chủ trương để chúng ta có nguồn kinh phí để đảm bảo tốt về hoạt động về y tế. Đối với những người có thẻ BHYT thì việc tăng giá BHYT sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.
Các chuyên gia ơi, phần lớn những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS chưa nhận thức được tầm quan trọng của thẻ BHYT? Theo bác sĩ có phải đó là do chuyên ta tuyên truyền kém hoặc tuyên truyền chưa đúng đối tượng không ạ? (Lan Lan)
TS Hoàng Đình Cảnh: Đây là nhiệm vụ không chỉ có tuyến Trung ương mà cả của các huyện, thành phố, các xã, phường phải có trách nhiệm trong việc tuyên truyền để thực hiện chính sách BHYT toàn dân của Chính phủ. Đối với chương trình phòng chống HIV/AIDS, chúng ta đã tiến hành rất nhiều nội dung tuyên truyền, vận động và hướng dẫn các tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là các phòng khám ngoại trú – nơi tiếp cận trực tiếp với người nhiễm HIV hướng dẫn họ hiểu được lợi ích của BHYT cũng như quy trình, thủ tục mua. Chúng tôi kêu gọi người dân, cộng đồng đặc biệt là cộng đồng người nhiễm HIV phải khẩn trương tìm hiểu và mua thẻ BHYT để khám và điều trị kịp thời.
Gia đình, bạn bè và cán bộ y tế tiếp xúc với người nhiễm HIV cần khuyến khích họ tiếp cận với BHYT sớm để an tâm điều trị ARV suốt đời mà không bị áp lực gánh nặng tài chính đè lên vai.
Gia đình tôi là hộ nghèo, có chứng nhận của địa phương. Tôi không may bị nhiễm HIV từ chồng. Chồng tôi nay đã chết. Do lo sợ các con không chịu nổi áp lực từ xã hội nên gia đình tôi giấu nguyên nhân cái chết của cha các cháu. Khi tôi phát hiện mình cũng bị nhiễm HIV cũng không dám nói với ai. Giờ tôi chỉ được hưởng BHYT cho người nghèo, khám chữa các bệnh thông thường. Tôi phải làm sao để được hưởng ưu đãi của chính sách bảo hiểm y tế với người nghèo nhiễm HIV đây ạ. Rất mong các chuyên gia giúp tôi cách giải quyết. Hiện tôi đang dùng thuốc ARV với một chị bạn nên không thể đủ liều dùng được. Tôi phải làm sao đây thưa bác sĩ? (Nguyễn Quế)
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà: Tôi thấy có rất nhiều người vẫn chưa hiểu đúng về quy định của BHYT. Tôi xin nhắc lại một lần nữa là nếu bạn đã có thẻ BHYT của hộ nghèo, bạn sẽ được qũy BHYT chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh thuộc phạm vi quỹ BHYT chi trả. Riêng đối với những bệnh nhân sử dụng thuốc ARV trước đó đã được nguồn kinh phí khác chi trả (hoặc tài trợ chi trả hay được cấp miễn phí) thì nay khi tham gia BHYT bạn sẽ được quỹ BHYT chi trả 100%. Hiện nay, nó đang vướng ở chỗ cung ứng thuốc sẽ được Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể sau.
Tôi có ông chú mới phát hiện nhiễm HIV. Ông ấy muốn làm Bảo hiểm y tế nhưng bị cán bộ bảo hiểm từ chối vì lý do: Tất cả các thành viên đứng tên trong hộ khẩu phải tham gia bảo hiểm. Vì gia cảnh khó khăn nên trong gia đình anh ấy là lao động tự do không tham gia bảo hiểm y tế, vậy tôi phải giải quyết thế nào ạ? (Đỗ Minh Hưng)
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà: Theo luật BHYT, các thành viên tham gia BHYT theo hộ gia đình. Do đó, các thành viên trong gia đình cùng tham gia BHYT sẽ được hưởng chính sách ưu đãi như: người thứ nhất đóng 100% (621.000 đồng), người thứ 2 chỉ phải đóng 70% và người thứ 3 được giảm tiếp theo và đến người thứ 5 chỉ việc đóng 40% so với mức đóng của người ban đầu. Như thế là giảm rất nhiều. Cho nên, đây là chính sách ưu việt khi tham gia BHYT theo hộ của Chính phủ. Việc tham gia BHYT là chính sách chia sẻ và có trách nhiệm với cộng đồng.
Thiết nghĩ các thành viên trong gia đình cũng nên chung tay đóng góp một phần cho người than của mình thụ hưởng chính sách chi trả của BHYT.
Đối với trường hợp người nhiễm HIV là trường hợp đặc biệt, hiện Bộ Y tế đã trình Chính phủ đề án là sẽ có hỗ trợ như mua thẻ cho người nhiễm HIV. Khi đề án này được duyệt, người bị nhiễm HIV tham gia theo đối tượng mà không cần tham gia theo đối tượng hộ gia đình.
Xin bác sĩ cho tôi hỏi là đối với bệnh nhân ngoại tỉnh đang cư trú trên địa bàn TP cần những thủ tục gì để đăng ký BHYT và những người bệnh HIV như chúng tôi khi mua BHYT có những ưu tiên gì không? Xin cảm ơn. Tô Thị Thắm, Hà Nội (Tô Thị Thắm)
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà: Câu hỏi này giống nội dung mà tôi đã trả lời ở trên. Bạn có thể xem lại nhé. Tuy nhiên đối với những người ngoại tỉnh, bạn phải đăng ký hộ khẩu tạm trú để tham gia BHYT cho phù hợp.
Bác sĩ ơi, HIV/AIDS hiện là vấn đề sức khỏe công cộng quan trọng, là một trọng những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Vậy khi nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu dựa vào viện trợ của quốc tế, đang bị cắt giảm nhanh, trong khi các nguồn tài chính trong nước (NSNN, BHYT) chưa kịp bù đắp thì những bệnh nhân như chúng em phải làm thế nào ạ? Ở quê em mọi người vẫn đang kỳ thị bệnh nhân HIV. Vậy chúng em ko có cơ hội mua BHYT. Xin bác sĩ cứu giúp.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà: Bạn thân mến, khi bạn mua thẻ BHYT thì bạn chỉ việc khai những thông tin cần thiết chứ bạn không cần khai bạn bị bệnh gì và bị nhiễm HIV. Bạn có quyền được giấu kín thông tin bạn bị nhiễm HIV mà không phải cung cấp thông tin bạn đang mắc bệnh gì khi mua thẻ BHYT. Bạn không việc gì phải tự ti và lo sợ bạn nhé.
TS Hoàng Đình Cảnh: Mặc dù đã có nhiều cải thiện, tuy nhiên vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS hiện nay vẫn là rào cản chính hạn chế việc tiếp cận với các dịch vụ dự phòng, điều trị và chăm sóc cho người nhiễm HIV ở trên thế giới và Việt Nam. Chính sự kỳ thị phân biệt đối xử không làm giảm dịch mà còn là nguyên nhân dịch HIV tăng nhanh bởi vì, người nhiễm HIV hoặc có nguy cơ nhiễm HIV lẩn tránh, không đến xét nghiệm sớm để biết tình trạng nhiễm, họ không đến tiếp cận với cơ sở chăm sóc, điều trị cho họ và dự phòng cho người khác.
Tuy nhiên, việc thanh toán qua BHYT không làm “khó hơn” cho người nhiễm HIV tiếp cận dịch vụ bởi vì: Người nhiễm HIV sẽ nhận thẻ BHYT trong đó có mã số mà chỉ BS điều trị mới biết họ là người nhiễm HIV, tương tự như đối tượng người nghèo, người có công…đi khám, chữa bệnh. Cá nhân tôi cho rằng có thể lại giảm được kỳ thị hơn khi chúng ta đặt các phòng OPC riêng như hiện nay và miễn phí vì anh có thẻ đến phòng khám bệnh của các bệnh viện khám thì không ai biết ai là bệnh gì, loại thẻ BHYT gì, thuộc thành phần nào vv….
Tuy vậy, Bộ Y tế tăng cường truyền thông về chống kỳ thị và PBĐX với liên quan đến HIV/AIDS cho người dân nói chung. Riêng đối với CBYT Bộ Y tế đang xây dựng chương trình hành động bao gồm tài liệu truyền thông và tập huấn nâng cao nhận thức của CBYT về HIV/AIDS, để giảm dẫn tới xóa bỏ KT-PBĐX trong môi trường y tế.
Xin trân trọng cảm ơn các vị khách mời./.