Từ người lớn tới con nít cứ đi ra đi vào quanh mấy đoạn đường ray đúng vào thời khắc những đoàn xe lửa chuẩn bị chạy qua với tiếng còi lanh lảnh trên sông Đồng Nai.
Vậy mà mấy tháng trời xóm này buồn thỉu, buồn thiu bởi đâu còn nghe tiếng còi thân thuộc mỗi ngày. Họ thường kéo nhau ra mé sông để ngó lom lom về hướng mấy nhịp cầu Ghềnh đã mất dạng sau sự cố bị sà lan tông sập rồi cái xác được kéo đi đâu mất tiêu.
Cũng may, không có ai thiệt mạng vì lúc sập cầu là buổi trưa vắng xe cộ qua lại. Nhưng cũng từ đó, các chuyến xe lửa qua đây không còn nữa. Buồn. Cả xóm rảnh rỗi lại kéo nhau tới nhìn từ xa mấy chiếc sà lan to tướng cùng hàng loạt xe cẩu, xe nâng thi công ngày đêm để cây cầu mới sớm hoàn thành.
Mỗi đêm, trong ánh đèn sáng choang, không khí lao động ở cầu Ghềnh đông vui thật lạ. Có lẽ những kỹ sư, công nhân tại đây đều hiểu rằng họ phải thi công thật nhanh, thật chất lượng bất kể ngày đêm để cây cầu mới hoàn thành đúng như dự kiến, để những chuyến xe lửa lại nối nhau qua cầu.
Mấy chai rượu đế chánh gốc Bàu Đá được ông Tám “xà beng” rót ra để ngay ngắn trên chiếc bàn nhậu ven sông. Ông Sáu “cà rem” chậm rãi xé vụn những con khô cá sặc rằn của thằng rể miệt Cà Mau mới về quê đem lên tặng “tía vợ” ăn lấy thảo. Gió từ mé sông thổi lên mát rượi. Tiếng đờn bầu của ông Hai “mù” nhà đối diện khe khẽ ngân nga với cái giọng rè rè nhưng nghe thiệt mùi: “... Nhớ lắm cầu Ghềnh mỗi khi hoàng hôn buông xuống, tiếng còi vang lên mang theo bao nỗi nhớ, kẻ Bắc, người Nam đoàn tụ buổi tao...phùng...”.
- Vô đi cha nội. Bữa nay mắc cái chứng cốt gì mà cha lơ thơ, lững thững như người ở nhà thương điên Biên Hòa mới ra vậy.
Ông Tám “xà beng” thắc mắc.
- Tại tui nhớ cây cầu, nhớ tiếng còi xe lửa đi qua mỗi ngày. Từ hồi cầu sập, tui có ngủ nghê gì ngon trớn đâu, thấy thiếu thiếu cái gì khó chịu lắm cha ơi. Cứ trông từng ngày cho cây cầu mới sớm “mần” rồi.
Ông Sáu “cà rem” trả lời từ tốn, giọng thiệt buồn.
- Nhớ cầu, nhớ tiếng còi tàu, ai mà hổng nhớ. Tui với cha ở đây từ nhỏ tới lớn. Mới đây mà mình đã trên sáu mươi tuổi rồi chớ có ít ỏi gì đâu. Nè, vô một ly trăm phần trăm nghe. Buồn hoài cũng vậy thôi.
- Ờ. Ngồi đây lai rai để nhìn công trình đang xây dựng cho đỡ buồn.
Tiếng cụng ly rôm rốp kèm theo những hít hà. Ánh trăng đêm nay sáng rực lạ thường, Hai bóng người cứ say sưa kể chuyện ngày xưa mà ánh mắt cứ đăm đăm nhìn về phía cầu Ghềnh như đang mường tượng lại cái chuyện sập cầu như mới hôm qua. Mà quên làm sao được bao kỷ niệm gắn bó với chiếc cầu này đã mấy mươi năm. Nội cái chuyện gốc tích, lai lịch cái xóm định cư “tổng hợp” này cũng là câu chuyện kể hoài không hết. Tuy “ô hợp” về nghề nghiệp, quê quán, đạo giáo nhưng xóm này thương nhau ghê lắm. Nhà nào có chuyện thì cả xóm xúm vô giúp đỡ tận tình. Mấy chục năm rồi, xóm này không hề xảy ra chuyện mất cắp, gây gổ, lớn tiếng. Đã vậy, con nít xóm này học giỏi lắm, nhiều đứa đậu tới hai ba trường đại học là chuyện thường. Có đứa còn học xong thạc sĩ, tiến sĩ nữa mới là ngon chớ.
Hồi đó, lũ trẻ xóm cầu Ghềnh này quậy phá rất “khét tiếng”, trong đó có ông Tám, ông Sáu, bà Hai và mấy mươi đứa con nít chuyên trốn học “canh me” giờ xe lửa chạy qua cầu Ghềnh để hò reo theo tiếng còi rú lên ầm ĩ. Có nhiều bữa cả lũ trốn học đem cặp da, giày dép ra bờ sông rồi rủ nhau lội xuống mấy cây trụ dưới cầu Ghềnh để thử cho biết cái cảm giác cây cầu rung lên bần bật dưới sức nặng của những toa xe lửa ngang qua; nghe tiếng bánh xe lửa kêu rin rít, ken két, xập xình, xập xình, rầm rập, rầm rập kèm tiếng còi muốn điếc lỗ tai. Vậy mà vui thiệt lạ! Nhiều lúc bị gia đình phát hiện lôi về đánh bầm dập đi không nổi, vậy mà chứng nào tật nấy. Hôm nào không trốn ra cầu được thì mỗi khi nghe tiếng còi tàu vang lên là cả lớp học nhốn nháo, lũ học trò đứng chồm lên dòm qua các khung cửa sổ để thấy bằng được hình bóng con tàu cho đã thèm. Khi con tàu đã dần xa thì cả lớp mới trật tự. Thầy cô giáo ban đầu còn bực mình nên rầy rà, phạt vạ ghê lắm. Riết rồi thôi. Tụi nhỏ nhớ thương con tàu mà, làm sao cản được!
Đêm nay, cả xóm cầu Ghềnh không ngủ, y chang như cái đêm cầu Ghềnh bị sập mấy tháng trước đây. Nhà nào cũng sáng trưng đèn đuốc như có đám cưới, đám hỏi. Nhà bà Hai “bánh đa” chơi sộp mướn luôn một dàn nhạc sống về ca hát inh ỏi để mừng cái ngày cầu Ghềnh thông xe vào sáng mai. Ông Tám “xà beng” không chịu thua khi mở hết công suất dàn karaoke thình thình, thịch thịch. Không nhà nào đóng cửa. Người lớn, con nít chạy ra, chạy vô như xóm có hội hè. Mấy cái bàn nhậu được dọn ra trước sân như chào mừng một sự kiện trọng đại nhất ở cái xóm lao động này trước giờ.
- Tối nay chắc tui khỏi ngủ luôn quá anh Tám, anh Sáu ơi. Ngày mai khánh thành cầu mới, tui nôn quá.
Bà Hai “bánh đa” nói nhỏ.
- Trời đất quỷ thần ơi. Chị làm như ngày mai là đám cưới chị hổng bằng. Cầu sập thì làm cầu mới. Sớm muộn gì cũng xong thôi.
Ông Tám “xà beng trêu chọc. Rồi cười:
- Tại vui quá nên chọc chị chơi vậy thôi. Chớ cầu được thông xe, tui cũng mừng muốn chết. Cả đời mình sống ở đây, hổng chừng mai mốt cũng chết ở đây, hổng thương cây cầu sao được. Mà tui còn nhớ nhứt là... là...
- Gì nữa đây cha. Cha nhớ ông bà ông vải hay nhớ bà nào mé bên kia cầu.
Tiếng ông Sáu “cà rem” nói vui.
- Tui nói nhớ ở đây là nhớ tiếng còi xe lửa kia kìa. Ngày mai, cả xóm này sẽ lại được nghe tiếng xình xịch của con tàu đi qua, lại được nghe tiếng “bo bo” của những chiếc còi vang xa trên phố, lan xa trên sông Đồng Nai rộng mênh mông... - ông Tám giãi bày.
- Chúa ơi. Bữa nay anh nói chuyện giống mấy ông thi sĩ, văn sĩ quá vậy? Bà Hai thắc mắc.
- Có gì đâu chị. Tại “chả” vui quá nên tưng tưng đó thôi.
Ông Sáu “cà rem” cười khà khà giải thích giùm ông Tám.
Những ly rượu đế lại được rót ra. Tiếng đờn của ông Hai “mù” đêm nay sao không còn buồn thê thiết như hồi mới sập cầu. Tiếng hát của ông đêm nay cũng ngọt ngào hơn, yêu đời hơn rất lạ “... Nay nhịp cầu xưa đã nối lại đôi bờ cách trở, chuyện tình đôi ta thôi không còn dang dở, mộng ước yêu thương nay thôi khỏi mong chờ. Tiếng còi xa lanh lảnh phía xa mờ...”.
Trong cơn chếnh choáng men say, ông Tám “xà beng” nhìn đăm đăm về phía cây cầu mới làm xong đang rực rỡ ánh đèn. Trong hơi lạnh từ ngọn gió sông Đồng Nai thổi lên lồng lộng, ông đang mơ màng nghe như có tiếng còi xe lửa kêu liên tục “bo... bo... bo...” bất chợt vang lên trong đêm vắng.
Truyện ngắn của TÔ PHỤC HƯNG