Theo dòng lịch sử: FIFA WORLD CUP 1978 – ARGENTINA

-Thứ năm, ngày 05/06/2014 11:26 GMT+7

Bóng đá ngày nay được xem là một môn thể thao theo đúng nghĩa của nó, một loại hình giải trí đích thực mang đến niềm vui và tiếng cười cho NHM. Nhưng để có được sự “độc tôn” như thời điểm hiện tại, môn thể thao số một hành tinh đã phải trải qua hàng loạt những rắc rối chính trị trong quá khứ, sớm nhất là bàn tay của nhà tài phiệt người Italia Mussolini những năm World Cup 34, 38 và thật đáng tiếc khi đã gần nửa thế kỉ sau đó trôi qua, điều đáng buồn nói trên lại tiếp tục được lặp lại, với kì đại hội bóng đá 1978 trên đất Argentina.

TỔNG QUAN

Nước chủ nhà: Argentina

Thời gian: từ 1/6 đến 25/6 năm 1978

Thể thức: vòng bảng và bảng tuyển chọn

CÁC ĐỘI TUYỂN THAM DỰ

Kì World Cup thứ 11 trong lịch sử nhân loại tiếp tục sử dụng thể thức thi đấu vòng bảng và “bảng tuyển chọn” như những gì đã diễn ra tại Tây Đức bốn năm trước, tức là hai đội đứng đầu mỗi bảng sẽ hợp thành hai bảng đấu nữa và tiếp tục thi đấu vòng tròn, đầu bảng vào CK còn hai đội đứng kế tiếp mỗi bảng sẽ bước vào trận tranh HCĐ.

Hai đội tuyển mạnh từng vắng mặt tại kì World Cup bốn năm về trước là Anh và Liên Xô vẫn chưa thể có được sự trở lại trong khi khu vực châu Á giới thiệu đại diện ưu tú nhất của mình sau Triều Tiên năm 66 là Iran. Khu vực châu Phi cũng có được một tấm vé duy nhất dành cho Tunisia.

Danh sách 16 đội tuyển tham dự: Argentina – Italia – Pháp – Hungary – Ba Lan – Tây Đức – Tunisia – Mexico – Áo – Brazil – Tây Ban Nha – Thụy Điển – Peru – Hà Lan – Scotland – Iran.

KẾT QUẢ CHUNG CUỘC

Vô địch: Argentina

Á quân: Hà Lan

Hạng ba: Brazil

Hạng tư: Italia

Vua phá lưới: Mario Kempes (Argentina – 6 bàn)

Tổng số trận đấu: 38

Tổng số bàn thắng: 102 (trung bình 2.68 bàn/trận)

Tổng số khán giả: 1.610.215 (trung bình 42.374 người/trận)

ARGENTINA VÀ CHỨC VÔ ĐỊCH GÂY TRANH CÃI

Argentina của những năm 1978 sở hữu một dàn cầu thủ đồng đều, chất lượng song việc đội bóng này lên ngôi trực tiếp trên sân nhà trong một bối cảnh chính trị nhạy cảm cũng để lại không ít những nghi vấn. Ở đây, chúng tôi xin trích ra ví dụ tiêu biểu nhất.

Loạt đấu cuối cùng vòng bảng tuyển chọn giữa bốn đội Argentina, Brazil, Ba Lan, Peru diễn ra khi cả Brazil và Argentina đang có cùng điểm số và đều là hai ứng viên số một cho tấm vé đầu bảng cũng đồng nghĩa với việc giành quyền chơi trận chung kết. Tất cả chúng ta đều biết, luật đấu bảng vòng tròn luôn yêu cầu lượt đấu cuối tất cả các trận đấu phải diễn ra cùng giờ. FIFA biết, Brazil biết, tất cả các đội đều biết trừ chủ nhà Argentina “cố tình” không biết. FIFA cũng sẵn lòng “chiều chuộng” nước chủ nhà khi cho phép họ thay đổi thời gian thi đấu mà chẳng hề có bất cứ can thiệp nào. Brazil đá trước, họ thắng Ba Lan 3-1 và khi ấy nếu muốn chơi chung kết, Argentina phải hạ Peru với cách biệt trên 4 quả. Kết quả, Argentina chỉ thắng có… 6-0 và giành quyền chơi trận chung kết trong sự “nể phục” của người láng giềng. Báo chí Brazil viết: có thắng 50-0 cũng thế vì khi đó Argentina sẽ thắng khoảng 52 bàn! Chẳng biết có chuyện dàn xếp ở đây hay không song việc Peru được nhận 35.000 tấn ngũ cốc viện trợ cùng một số lợi ích kinh tế của Argentina sau World Cup rõ ràng đã khiến những nghi án càng lúc càng trở nên có cơ sở.

Trận chung kết sau đó, Argentina tiếp tục để lại những ấn tượng xấu khi liên tiếp đẩy đối thủ Hà Lan vào thế khó bằng nhiều thứ tiểu xảo. Chi tiết đặc sắc nhất của trận CK không phải ở những pha lập công, mà lại nằm ở chỗ khi trận đấu chỉ còn vài phút bù giờ, Rensenbrink của Hà Lan dứt điểm dội cột đội bóng xứ tango! CĐV Hà Lan tiếc nuối nhưng Rensenbrink thì tỏ ra “tỉnh” hơn. Trong một cuộc phỏng vấn sau này, ông cho biết: “Giả sử tôi có ghi bàn đi chăng nữa thì sau đó sẽ có bao nhiêu phút bù giờ, bao nhiêu quả penalty, bao nhiêu tình huống ngã trong vòng cầm? Các anh (phóng viên) đúng là ngây thơ quá!”.

 



TIẾC CHO HÀ LAN VÀ BRAZIL

Năm thứ hai liên tiếp, Hà Lan lọt vào một trận CK World Cup và cũng lần thứ hai liên tiếp, họ thất bại theo những cách không thể đáng tiếc hơn. World Cup năm 74 ít nhiều là sự chủ quan khi vươn lên dẫn trước Tây Đức từ sớm hay cũng bởi chủ nhà quá xuất sắc với Franz Beckenbauer còn ở kì bóng đá lần này, người ta sẽ mãi nhắc tới cú dứt điểm dội cột của Rensenbrink như một biểu tượng, rằng cơn lốc màu da cam vẫn chưa thể thắng được số mệnh của chính mình.

 

Brazil cũng là một trường hợp để lại nhiều sự tiếc nuối khi mà rất có thể là họ, chứ không phải Argentina mới là chủ nhân của tấm vé chơi trận chung kết với Hà Lan. Đội bóng xứ Samba thắng 1, hòa 2 ở vòng bảng thứ nhất. Sang bảng tuyển chọn, họ đảo ngược lại thành tích khi hòa 1 và thắng 2 nhưng chẳng thế chơi trận đấu cuối cùng vì kém hiệu số so với Argentina. Trong trận tranh hạng ba, Brazil hạ Italia 3-1. Với thành tích này, Brazil trở thành đội duy nhất bất bại tại World Cup năm 78 nhưng rốt cục chỉ giành HCĐ.

NHỮNG ẤN TƯỢNG KHÁC

Cái thời của World Cup nghiệp dư tưởng chừng đã qua đi từ lâu, song tại Buenos Aires năm 78, những khán giả hâm mộ vẫn không ít lần được chứng kiến những khoảnh khắc mà nếu sau này nghĩ lại, đó hẳn là những dòng kí ức vô cùng thú vị và hài hước.

“Zico chưa ghi bàn”: Trong những phút bù giờ trận Brazil tiếp Thụy Điển tại lượt cuối vòng bảng thứ nhất, Brazil được hưởng quả phạt góc theo hướng tấn công bên phải. Zico bật cao hơn tất cả, đánh đầu tung lưới đôi bóng Bắc Âu. Nhưng điều trớ trêu lại xảy ra khi trọng tài chính đã vô cùng máy móc khi nổi tiếng còi kết thúc trận đấu đúng lúc Zico vừa chạm bóng. Lúc đấy bóng chưa vào! Sau này, FIFA đã phải quy định lại khi các trọng tài chỉ nên nổi còi kết thúc trận đấu sau khi một tình huống cố định nào đó kết thúc.

ĐT Pháp: Trận Pháp gặp Hungary tai lượt cuối vòng bảng thứ nhất cũng chứng kiến một tình huống hết sức hi hữu khi hai đội đều ra sân với trang phục màu trắng. ĐT Pháp sau đó đã phải mượn áo đấu của một CLB địa phương để thi đấu. Kết quả chung cuộc, Pháp giành chiến thắng với tỉ số 3-1.

 


Chiến thắng của châu Phi: Hai lần tham dự trước đó, cả hai đại diện của bóng đá lục địa đen là Ai Cập và Zaire đều ra về với những bàn tay trắng, thậm chí là chẳng có được điểm nào. Ở lần dự giải này, Tunisia với tư cách là đại diện duy nhất của châu Phi, dù không thể lọt vào vòng hai trong một bảng đấu có sự góp mặt của Ba Lan và Tây Đức nhưng cũng kịp để lại những ấn tượng bằng trận thắng đầu tay trước Mexico. Đáng tiếc là Tunisia chỉ có được một trận hòa khi tiếp Tây Đức lượt trận cuối và vẫn chưa thể trở thành đại diện châu Phi đầu tiên vượt qua vòng đấu thứ nhất.

 


Tuấn Hiệp
(Thethao.vtv.vn)



Cùng chuyên mục

TIN MỚI