Đạo diễn 8X Đặng Thái Huyền: “Làm phim phải hướng vào cuộc sống…”

Nguyễn Văn Quân-Thứ tư, ngày 21/05/2014 10:30 GMT+7

Trong giới điện ảnh, về tuổi nghề, cái tên Đặng Thái Huyền xuất hiện chưa nhiều, chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhưng những giải thưởng, những huy chương trong các cuộc liên hoan mà nữ đạo diễn thế hệ 8x này có được đã như một dự cảm tốt lành về tương lai nhiều tươi mới của thế hệ những đạo diễn trẻ.

‘ Đặng Thái Huyền đang xây dựng bối cảnh

Một sự bất ngờ khá thú vị: Một nữ đạo diễn thuộc thế hệ 8X như Huyền lại mê làm phim về đề tài chiến tranh và quan trọng hơn, hầu hết những bộ phim của bạn lại được thế hệ đi trước, những người bước ra từ chiến tranh ghi nhận và đánh giá cao?

Vì là người của Điện ảnh Quân đội nên trước hết, tôi phải đáp ứng cộng việc của một đạo diễn mặc áo lính, đó là tìm tòi và khai thác sâu về đề tài chiến tranh, về người lính. Và với bản thân tôi thì đó luôn là đề tài mới mẻ, mỗi bộ phim đều là mỗi “trận đánh” thực sự. Tôi chưa trải qua chiến tranh, chưa có một chút kinh nghiệp gì nên mỗi khi làm một bộ phim nào đó, tôi đều cố gắng đọc kỹ tác phẩm, gặp tác giả để chia sẻ những nỗi niềm mà các nhà văn, người viết kịch bản muốn gửi gắm.

Tôi luôn luôn chia sẻ và nhờ họ bổ khuyết những điều mà mình đang thắc mắc hoặc muốn diễn đạt. Làm được điều ấy, tôi nghĩ mình đã thành công 50% bộ phim rồi. Ví như bộ phim tôi từng làm để kỷ niệm ngày 30/4 cách đây chưa lâu là bộ phim “Chung sức cho ngày toàn thắng”. Câu chuyện kể về một ngôi làng anh hùng đã tình nguyện tháo dỡ hết nhà cửa để lát đường cho xe bộ đội vào chiến trường ở Can Lộc, Hà Tĩnh.

Để hiểu đến tận cùng tâm tư và không khí của mảnh đất và con người nơi ấy, tôi đã bỏ ra một tuần để về Hà Tĩnh sống, chuyện trò và lắng nghe những câu chuyện của các bà các mẹ, các cựu binh đã sống trong thời khắc lịch sử năm xưa. Tôi coi đó như một phần quan trọng trong công đoạn làm phim của mình. Làm việc với cái tâm và tinh thần cầu thị ấy mà phải chăng, các bộ phim của tôi đã làm được các thế hệ đi trước ủng hộ.

Và trong các bộ phim ấy không thể không nói tới “Mười ba bến nước” bạn chuyển thể từ truyện ngắn của Sương Nguyệt Minh đã được 6 giải Bông sen vàng trong LHP Quốc gia lần thứ 16. Tôi cũng đã được xem, có thể nói đó là một bộ phim về thân phận người phụ nữ thời hậu chiến được bạn dựng nên dung dị nhưng đầy ám ảnh, thuyết phục?

Thực ra trước đó, “Mười ba bến nước” là một truyện ngắn mà đạo diễn Vũ Chính (Giám đốc Điện ảnh Quân đội) rất thích và bản thân ông cũng muốn trực tiếp dựng thành phim. Nhưng sau đó, vì công việc quản lí quá bận rộn, ông chưa có cơ hội sắp xếp thời gian để thực hiện. Một hôm gặp tôi, ông có ý muốn tôi thử sức, thay ông dựng truyện ngắn đó lên màn ảnh. Nhận nhiệm vụ tôi vừa mừng vừa lo còn nhà văn Sương Nguyệt Minh thì có lẽ chỉ có… lo. Bản thân ông cũng ngần ngại, một người trẻ như tôi khó có thể dựng lên được đầy đủ hồn vía và tinh thần câu chuyện.

Thực sự là tôi cũng rất thích truyện ngắn này, một truyện ngắn đầy thân phận và nỗi niềm của những người phụ nữ. Tôi bắt tay làm bắt đầu bằng sự sẻ chia sâu sắc của người đồng giới với các nhân vật nữ trong câu chuyện. Khi nhà văn Sương Nguyệt Minh ngồi xem lại những khâu cuồi cùng, tôi lo lắm, không ngờ nhà văn bảo: “cảm ơn em”. Không trực tiếp nhưng tôi hiểu đó là một sự ghi nhận và đồng ý.

Nhưng người ta vẫn bảo, một nữ họa sỹ khó có thể vẽ đẹp một bức tranh khỏa thân vì không có được sự khác biệt giới tính đủ để thẩm thấu và thăng hoa. Và điều ấy đâu phải không có lý?

Cũng có thể nhưng tôi nghĩ rằng, sự so sánh nào cũng sẽ là khập khiễng. Trong “Mười ba bến nước” những khát khao, tâm tư và thân phận người đàn bà hiện ra rất đậm, tôi chia sẻ được rất nhiều với họ bằng chính tấm lòng của một người cùng giới. Vậy nên có một kịch bản hay và trúng với mình như vậy, tôi làm trước tiên là cho chính bản thân mình, là tiếng nói của chính lòng mình.

Chính vì vậy mà có giai thoại, khi đọc xong truyện ngắn này, Huyền đã gặp nhà văn Sương Nguyệt Minh và “năn nỉ” ông “để dành” tác phẩm ấy lại cho mình, mình sẽ dựng khi nào đủ… tiền?

Trước khi đạo diễn Vũ Chính đưa ra ý định làm “Mười ba bến nước” tôi đã đọc truyện ngắn này trên một tờ báo và quả thực rất thích. Khi đạo diễn Vũ Chính hỏi có biết truyện ngắn này không và có làm được thành phim không thì tôi đã mạnh dạn nhận lời. Nhà văn Sương Nguyệt Minh là nhà văn Quân đội nên trước tiên, ông rất thoái mái ưu tiên cho Điện ảnh Quân đội.

‘ Trong một chuyến công tác tại Hội An

Các hội diễn hay những liên hoan điện ảnh bạn thường nhận về không ít huy chương. Xem ra Đặng Thái Huyền khá có duyên với giải thưởng?

Đấy chưa phải là điều tốt. Đôi khi mình lại ảo tưởng và huyễn hoặc chính bản thân mình. Tôi luôn dặn mình như vậy và đôi khi phải biết dừng lại, lắng nghe để nhận ra mình. Giải thưởng là sự động viên chứ chưa bao giờ là đích đến của tôi. Tôi nghĩ khi đã khoác trên mình tấm áo lính, làm những bộ phim về người lính mình phải luôn làm với một cái tâm và tình cảm chân thành nhất.

Tôi hướng vào cuộc sống. Và những bộ phim của mình chia sẻ được với khán giả, nói hộ khán giả một điều gì, có khi trực tiếp có khi gián tiếp là tôi thấy hạnh phúc nhất. Tôi từng làm một bộ phim nói về vua phá bom mìn, liệt sỹ Hoàng Kim Giao với nhan đề “Để lại mùa xuân”, may mắn bộ phim đã được Bộ trưởng Phùng Quang Thanh xem và ông rất xúc động. Xem xong ông bảo, với những con người như liệt sỹ, xứng đáng được phong anh hùng và một thời gian sau, người thân của gia đình đã gọi điện cho tôi nói rằng Hoàng Kim Giao vừa được phong tặng danh hiệu anh hùng. Tôi đã mừng đến phát khóc với những cuộc điện thoại như vậy

Đó cũng là một hạnh phúc mà không phải ai cũng dễ có được. Bản thân tôi vẫn luôn kính trọng và kính phục những người làm đạo diễn bởi những nhọc nhằn đặc thù của công việc này đem đến. Và bản thân Huyền cũng vậy, bạn là một trong không nhiều nữ đạo diễn đang bước vào con đường quá đỗi nhọc nhằn ấy…

Có lẽ với tôi thì “nghề chọn người”. Tôi vào học Đạo diễn khi đang học ngành Du lịch bên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tình cờ biết trường Sân Khấu có thi Đạo diễn và tôi nộp đơn vào luôn. Lúc đó đầy cảm tính nhưng đến năm thứ hai thì hoàn toàn bị công việc này chinh phục. Nghề làm phim cuốn hút tôi bởi tôi may mắn gặp được một người thầy như Đạo diễn Khắc Lợi.

Năm thứ hai tôi đã được thầy cho đi theo phụ giúp để làm những bộ phim thầy đạo diễn. Tái hiện cuộc sống bằng ngôn ngữ hình ảnh, công việc ấy dần dần hấp dẫn tôi. Một may mắn nữa là tôi được về Điện ảnh Quân đội. Ra trường, nhiều người muốn vào những hãng phim lớn nhưng tôi lại cho rằng ở đó cơ hội cho những người trẻ như mình lại không nhiều. Vào Điện ảnh Quân đội tôi có cơ hội để làm việc để trải nghiệm trong một môi trường chuyên nghiệp và quan trọng, luôn luôn “có đất dụng võ”. (cười)

Luôn luôn được làm việc cũng đồng nghĩa với việc bạn phải luôn luôn phải đi công tác. Nhưng còn công việc gia đình với tư cách một người phụ nữ thì sao?

Tôi lại có thêm một may mắn nữa đó là ông xã cùng làm trong ngành. Anh ấy hiện là quay phim của VTV nên rất hiểu đặc thù công việc và cũng chính vì vậy mà dễ có sự đồng cảm chia sẻ với nhau. Đấy là “lợi thế” nhưng ngược lại, bản thân mình vẫn phải luôn có sự sắp xếp, biết lựa chọn và đôi khi, phải biết cả cách từ chối. Tiền rất quan trọng nhưng với tôi, gia đình vẫn phải là sự ưu tiên số một. Cái quan trọng là mình phải hiểu điều đó để có sự cân đối. Cho đến bây giờ thì sự sắp xếp giữa gia đình và công việc của mình tôi thấy vẫn ổn.

Tôi thấy rằng làm phim nhựa luôn là đích đến của mọi đạo diễn. Xin được hỏi với lãnh địa này, có hấp dẫn một nữ đạo diễn như bạn?

Có chứ. Tôi cũng ao ước làm một bộ phim nhựa chính thống với một sự đầu tư tâm lực đầy đủ nhất. Đó là một bộ phim chuyển tải được những tình yêu và thận phận con người. Nhưng bạn biết đấy, vấn đề đầu tiên và cốt lõi để làm phim nhựa vẫn là kinh phí. Còn về tâm thế để làm, tôi đã rất sẵn sàng.

Cảm ơn và chúc bạn thành công!

Đặng Thái Huyền sinh năm 1980 công tác tại Hãng phim Quân đội.

Giải thưởng:

Cõi vui - Giải 3 phim ngắn LHP sinh viên điện ảnh – 2005

Để lại mùa xuân (phim tài liệu) - Bằng khen giải Cánh diều – Hội Điện ảnh Việt Nam – 2007, Đêm vùng biên (phim truyện) – giải B (không có A) Bộ Quốc phòng (xét giải 5 năm các tác phẩm Văn học Nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang)

Mười ba

Text Here

bến nước – Bông Sen Vàng (6 giải cho các hạng mục: Phim, Đạo diễn, Quay phim, Nam & nữ diễn viên chính, nữ diễn viên phụ) LHP 16– 2009

Tấm bản đồ số phận - Huy chương vàng LH truyền hình 29

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước