Nhạc sĩ Lê Minh Sơn và Đạo diễn Lê Hoàng tại buổi họp báo chương trình Cặp đôi hoàn hảo 2013 (Ảnh: CĐHH)
Năm 2006, VTV.Vn thực hiện cuộc phỏng vấn đầu tiên với Lê Minh Sơn. Đấy là một năm sau khi anh giành giải cao nhất của chương trình Bài hát Việt - một chương trình cho các nhạc sĩ do VTV tổ chức. Ca khúc đoạt giải năm đó của Lê Minh Sơn có tên À í a. Cuộc phỏng vấn lúc ấy vì thế cũng chỉ xoay quanh Bài hát Việt. Tất nhiên, câu chuyện bên lề được nhắc đến còn nhiều chủ đề khác. Ví dụ như Lê Minh Sơn nói về cậu con trai nhỏ lúc đấy còn rất nhỏ (bây giờ đã học lớp 4) khiến anh say mê ra sao hay hiện tượng văn học đang được nhắc đến nhiều vào thời điểm đó - Nguyễn Ngọc Tư với Cánh đồng bất tận. Lê Minh Sơn nói anh thích Nguyễn Ngọc Tư và hâm mộ nhà văn nữ này. Lê Minh Sơn cũng nói về nhạc sĩ Nguyễn Cường, nói về ca sĩ Thanh Lam và nói về cả Đàm Vĩnh Hưng.
Năm 2013, VTV.Vn có cuộc phỏng vấn thứ 2 với Lê Minh Sơn. Những chủ đề nhắc đến vẫn có Bài hát Việt - một sân chơi đã từ lâu anh không còn tham gia nữa nhưng vẫn dành nhiều sự quan tâm, không nói về Thanh Lam nhưng đả động chút ít đến Hoàng Quyên, nữ ca sĩ đã từng thể hiện ca khúc của anh, cũng là người vừa giành giải á quân Vietnam Idol mùa thứ 4. Lê Minh Sơn nói: "Quyên cũng như bao người trẻ khác, cô ấy có thể khác nhưng là khác so với những người tham gia cuộc thi đó thôi. Quyên có một cái lõi nhưng một cái lõi tốt không ăn thua đâu. Bởi vì ca sĩ muốn có văn hóa hát thì phải có văn hóa sống mà văn hóa sống thì phải có sự trải nghiệm rất lớn".
Cuộc nói chuyện năm 2013 cũng không nói về Nguyễn Ngọc Tư nữa mà được nói về một chủ đề, dường như, đang nhận được nhiều sự quan tâm của Lê Minh Sơn, đó là truyền thông, báo mạng... Nhưng nó được mở đầu bằng một chương trình truyền hình thực tế mà anh đang tham gia với vai trò giám khảo - Cặp đôi hoàn hảo (CĐHH).
Lê Minh Sơn! Tại sao anh vẫn quyết định tham gia CĐHH sau mùa đầu tiên đã gây ra khá nhiều ì xèo?
- Thật ra tôi nghĩ không có gì ì xèo cả. Tôi tham gia vì nó là một chương trình giải trí rất vui và cái gì vui thì mình chơi, bởi vì mình biết mình là ai nên dù là cuộc chơi nào thì mình vẫn là chính mình. Nhiều người lẫn lộn chính họ.
Cái gì vui là hấp dẫn anh?
- Bạn thử nghĩ xem nhé, cứ cuối tuần là mình được vào Sài Gòn, được gặp một vài người bạn mình rất yêu quý. Bạn mình toàn bạn già thôi, như anh Phan Vũ, anh Bảo Chấn… Bọn mình ngồi với nhau, hỏi thăm nhau, cười hỉ hả, cười quần quật và tối thì lại được trải qua những cảm giác rất vui vẻ. Đấy là một cảm giác mà mình nghĩ mình rất hứng thú.
Anh không ngại khi xuất hiện lần nữa sẽ bị ném đá ào ào như lần đầu à?
- Nói về truyền thông thì buồn cười lắm, ít ra khi phỏng vấn người ta phải để cho mình nói. Đằng này họ nhét vào mồm mình toàn là cái gì ấy (cười). Chơi với nhau từ ngày xưa thì hiểu. Thứ nhất là mình không đọc báo, thứ 2 là mình không xem TV, 10 năm nay rồi mình không đọc báo, không xem TV. Và mình thấy tại sao văn hóa nghệ thuật của đất nước mình càng ngày nó càng chậm phát triển. Bởi vì rất nhiều người họ sử dụng internet sai mục đích. Bạn cứ lên internet xem, số đông bây giờ lên internet để soi mói, chửi bới, bày tỏ và để show những thứ mà theo mình không được văn minh cho lắm. Nếu biết sử dụng internet đúng thì mình nghĩ rất tuyệt vời. Ngày xưa bạn bè ở trong Sài Gòn làm nhạc xong phải ra bưu điện gửi CPN, lúc nhận được đĩa bị vỡ rất khổ. Nhưng bây giờ với internet, chỉ 3 giây thôi có thể gửi tới bất cứ đâu, rất thuận tiện. Ngoài ra, được cập nhật thông tin ở khắp nơi trên thế giới. Đấy là cái mình thấy tiện dụng. Nhưng phần đông bây giờ ở VN nhiều người sử dụng sai mục đích, tốn thời gian một cách vô ích.
‘ Đạo diễn Lê Hoàng, nhạc sĩ Lưu Thiên Hương và nhạc sĩ Lê Minh Sơn tại Cặp đôi hoàn hảo 2013
Anh không đọc báo, không xem TV, vậy anh cập nhật thông tin như thế nào?
- Mỗi người có một kênh để cập nhật thông tin và mình nói thật là mình không đọc thông tin về văn hóa nghệ thuật. Những người làm nhạc chuyên nghiệp như bọn mình là phải học từ bé, ít nhất là 15-17 năm và cho đến giờ vẫn phải tự nghiên cứu, mày mò. Có những người phần đông chẳng biết gì cả, tâm hồn họ thì như thế, viết một câu văn không xong nhưng đi làm nhà báo. Tôi nghĩ bạn làm nghề bạn biết rõ nhất, đặc biệt những người làm báo về văn hóa nghệ thuật bây giờ trên các báo mạng là do những ai làm. Vậy thì đọc làm gì? Tôi nghĩ truyền thông bây giờ thấp hơn mặt bằng dân trí bởi vì nhiều người làm truyền thông nhưng hiểu sai về truyền thông rất nhiều. Những người đọc báo, vào mạng, tôi nghĩ họ đều có tri thức nhất định, nếu không họ đã không vào internet. Nhưng cái họ đọc được toàn là những thứ như vậy thì tôi nghĩ rất xót xa.
Nhân anh nói về truyền thông, nhớ năm trước khi anh tham gia mùa đầu tiên của CĐHH đã có một bài phỏng vấn rất gây tranh cãi – từ nội dung cho tới tính thời điểm. Sau đấy cũng không thấy anh có một đính chính hay phản hồi. Vậy sự thật là như thế nào?
- Mình không bao giờ xác minh vì có đọc đâu mà biết, kệ họ thôi, họ muốn nói gì kệ họ, vì quan trọng nhất mình biết mình có một nền tảng văn hóa rất vững – từ gia đình, dòng họ, bản thân mình cũng thế. Với những gì mình phát ngôn, với những người có tâm người ta sẽ biết làm thế nào để vẫn bộc lộ được cái gì thuộc về Lê Minh Sơn, những người không có tâm thì họ biến Lê Minh Sơn thành một cái gì đó theo cách của họ. Mình cũng không trách đâu, bởi vì cuộc sống mà, họ cần kiếm tiền, câu views, đặc biệt là các tờ báo mạng.
Như anh từng nói có cung mới có cầu và ngược lại...
- Đôi khi tham gia những cuộc họp báo tôi nghĩ có lẽ không phải có cung thì mới có cầu đâu. Đó là sự dập khuôn và mọi người luôn luôn thích những gì thật là sốc. Họ nhét vào mồm người ta những thứ mà người ta có thể nói như thế, nhưng với người có văn hóa người ta phải biết đối tượng ngồi trước mặt mình là ai. Nhân cách và tài năng của một người nhạc sĩ nó không nằm ở lời nói. Với người làm nghệ thuật cái bộc lộ họ chính là tác phẩm. Điều này không sáo, nó rất đúng. Mình biết mình là ai, những tác phẩm mình để lại mình chắt chiu vì nó là cảm xúc của mình, mình nâng niu nó như thế nào mình biết. Mình là một người rất tự tin nhưng 10 năm nay khi mình bước chân vào cái thế giới gọi là showbiz, mình bước vào và mình phải nhảy ra ngay vì nó không thuộc về mình.
Mình ngừng nói về truyền thông và chuyển qua âm nhạc. Lâu nay ít thấy anh tham gia Bài hát Việt, từ 2006 đến giờ, tại sao thế?
- Nó có 3 lý do. Thứ nhất khi mình tham gia nhiều thì người ta nghĩ mình tham, thứ 2 cũng phải để cho lớp trẻ hơn tham gia và thứ 3, quan trọng nhất, mình thấy không còn hứng thú nữa. Vậy thôi.
Không còn hứng thú nữa xuất phát từ việc anh xem những tác phẩm gửi đến sau này hay tự bản thân thấy thế?
- Tự mình thấy cách làm không còn phù hợp với mình nữa. Những năm đầu tiên BHV rất hay, có những tác giả rất hay và những tác phẩm rất hay và một trong những thành công lớn nhất của BHV là đã tìm ra Nguyễn Vĩnh Tiến - một người viết nhạc tay ngang. BHV lúc đầu mục đích là định hướng cho công chúng, nó là mới. Mới là gì? Là kế thừa những cái cũ và phát triển lên thành cái mới. Nó là một ngôn ngữ mới, bởi vì nó có tính kế thừa rất cao. Như Giọt sương bay lên của Nguyễn Vĩnh Tiến, Giấc mơ trưa của Giáng Son, Con cò của Lưu Hà An… Đó là những năm đầu. Còn về những năm sau, theo quan điểm của mình thôi nhé, dưới góc độ của người đã từng tham gia và nhận được giải lớn nhất và nhiều giải khác nhé, thì về sau chương trình này nó bị biến thành… Nó cũng là mới nhưng là cũ người và mới ta. Hoàn toàn là những gì càng giống Tây thì... bạn để ý không, nó rất nhạt. Những tác phẩm gần đây bài nào cũng nhạt nhạt, một màu.
Tôi nhớ nhất là từ sau Con cò của Lưu Hà An, BHV chỉ được đúng 3 năm đầu thôi, từ 2005 - 2007. Tôi không hiểu từ sau đó nó có cái gì để đọng lại, để người ta nhớ đến. Tôi nghĩ cái thất bại lớn nhất là khi anh làm mà không có gì để người ta nhớ đến, anh làm chương trình và không có ai xem. Anh lẽo đẽo chạy theo cái công chúng thích là chết. Đối với người nghệ sĩ tài năng, một chương trình tử tế là phải định hướng được thẩm mỹ, văn hóa và gu nhạc.
Tôi nghĩ đã là một chương trình tử tế thì mình phải đứng riêng một góc, cho dù những chương trình sau của những nhà buôn nghệ thuật họ có làm như thế nào, chiêu trò như thế nào đi nữa mình vẫn phải cực đoan, mình không được chạy theo thị hiếu của đám đông. Mà đám đông như thế nào bạn biết không? Mình đã từng biết những hiện tượng âm nhạc ghê gớm lắm, làm một cái đĩa bán được 70 cái. Làm được một cái liveshow bán được vài ba chục triệu tiền vé. Ô hay, đó chính là cái đám đông tung hô hàng triệu, hàng triệu người đấy. Toàn ảo hết và những cái ảo đó thì thử hỏi xem chính những người trẻ họ sẽ được thấm đòn, họ sẽ biết được họ là ai.
Ca sĩ với tôi là phải có được ngôn ngữ âm nhạc riêng và phải tạo nên cơn sóng bằng chính ngôn ngữ mới ấy chứ không phải tạo nên từ những rùm beng của những thứ như truyền thông bây giờ. Truyền thông bây giờ, nói thật, nhớp nhúa. Bây giờ vào những trang văn hóa thấy đầy rẫy cô này cởi cái này, cô kia cởi cái kia, cô này đang ăn sáng với ai, cô kia bỏ anh kia… Không lẽ văn hóa VN là như thế ư? Tôi thấy rất nguy hiểm. Những ông tổng biên tập cho đăng những thông tin như thế họ có thể câu views, bán được báo nhưng cái họ tạo ra là con cháu họ sau đó bị suy đồi về văn hóa, về thẩm mỹ, không biết thế nào là văn hóa nghệ thuật cả.
Thật ra giải trí là một nhu cầu cực kỳ cần thiết, bất cứ nước nào cũng thế, nhưng thử bước qua biên giới VN xem. Chúng ta đi ra khỏi biên giới hình chữ S chúng ta sẽ biết chúng ta là ai ngay. Truyền thông hiện đại mắc một cái lỗi lớn. Âm nhạc bây giờ nó vỡ bong bóng, ngân hàng vỡ bong bóng, bóng đá vỡ bong bóng hết là do truyền thông.
Nói đi nói lại lại trở về với vấn đề truyền thông, dường như anh có quá nhiều bức xúc với truyền thông và nói như anh là lỗi của truyền thông rất lớn?
- Lỗi của truyền thông rất lớn, bởi vì tự họ bày cỗ, tự họ tung hô, tự họ ăn và tự họ làm loạn hết tất cả mọi thứ lên, làm cho những người trẻ mất bình tĩnh và những người trẻ bị ảo giác rất ghê gớm. Làm việc thì không làm suốt ngày chỉ đi đọc báo thôi, chỉ lên báo thôi.
Thật ra hôm nay tôi cũng không định lên báo đâu nhé vì lâu lắm rồi, hình như một năm tôi chỉ lên báo 1-2 lần để nói về những công việc của mình đã có rồi thôi.
Nhưng quá cách biệt với truyền thông như thế có tốt không?
- Tôi nghĩ mỗi người có quan điểm về tốt xấu khác nhau. 20 năm trước tôi viết Bên bờ ao nhà mình. Tôi viết 10 năm mới có người hát và hát xong thì có những bài 10 năm sau mới có người thích. Tôi nghĩ khoảng thời gian đó rất hay. Không phải tự khen mình nhưng những gì mình làm ra phải một thời gian rất lâu mới có người nghe được vì mình luôn luôn là người đi trước. Cả cuộc đời tôi luôn bị ám ảnh một điều là làm sao để thoát cũ và thoát nghèo và chỉ có một con đường duy nhất là làm việc. Không có gì từ trên trời rơi xuống cả.
Một bài hát viết 10 năm mới có người hát, 10 năm sau mới có người thích. Như thế cũng hơi buồn nhỉ!?
- Đấy là một cảm giác rất sung sướng vì nhân cách của kẻ sáng tạo là luôn làm được những cái mới và áp đặt được công chúng. Còn nhân cách của người làm giải trí là luôn luôn xem đám đông cần gì để làm những thứ phù hợp, để được đám đông tung hô. Và đám đông, bạn đọc Xuân tóc đỏ rồi bạn biết, trong giới showbiz của chúng ta bây giờ thiếu gì Xuân tóc đỏ, thiếu gì lưu manh.
Mình đọc một cuốn sách Phật nói hay lắm, mình tu bao nhiêu kiếp mới lên được một kiếp gọi là kiếp tinh thần, vậy mà bản thân người nghệ sĩ, mình có một cõi tinh thần để sống cho đẹp và làm ra những gì đẹp đẽ, mình lại đi chiều theo những thứ không đẹp thì đó là một bi kịch. Tôi thấy chúng ta đang bị mất cân bằng kinh khủng, lớp trẻ không biết thế nào là hay là dở và họ chạy theo những thứ ăn chơi nhảy múa. Chúng ta không có người đủ tâm lẫn tầm làm, gu thẩm mỹ thì lỗi mốt kinh khủng, không cập nhật được với thời đại, bị giải trí lấn át.
Vậy làm sao lấy lại cân bằng?
- Tôi nhớ một câu nói của một triết gia mà tôi yêu quý, ông ta nói: Hãy thắp lên một ngọn nến nhỏ còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối. Vậy trách nhiệm của người nghệ sĩ, một người sáng tạo như mình thì mình vẫn phải làm thôi.