Nhà báo Thu Hà: "Được làm Thời sự là một may mắn"

ĐL.Nhân Ái-Thứ sáu, ngày 01/11/2013 10:25 GMT+7

 “Có những nghề càng làm càng buồn, càng chán nhưng nghề này giống như quả bóng tuyết, càng lăn càng dày dặn, càng lớn hơn” – Nhà báo Thu Hà, người dẫn chương trình Sự kiện & Bình luận chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với VTV News.

Khi phóng viên VTV News hẹn một cuộc phỏng vấn với nhà báo Thu Hà – người dẫn quen thuộc trong nhiều chương trình Thời sự của VTV – chị nói chỉ có thể dành 15 phút cho cuộc trò chuyện. 15 phút cho cuộc trò chuyện tại chính chiếc bàn làm việc của chị. Và như thế, cuộc phỏng vấn được gói gọn để nói về sự trở lại của chị với Sự kiện & Bình luận sau 10 năm.

Điều đầu tiên nhà báo Thu Hà khẳng định khi nói về sự trở lại của mình với Sự kiện & Bình luận – một trong những chương trình chính luận quan trọng của Ban Thời sự - đó là bây giờ chị cảm thấy tự tin hơn, cảm thấy mình bình đẳng hơn với khách mời so với 10 năm trước.

‘ Nhà báo Thu Hà. (Ảnh: Quang Phát)

Chị đã làm chương trình này 10 năm trước, vậy sự quay trở lại này mang đến cho chị cảm giác gì? 10 năm thật sự không phải một thời gian ngắn?

- Khi tôi quay trở lại, Sự kiện & Bình luận không thay đổi nhiều. Trong khi những chương trình khác của Thời sự thay đổi không ngừng thì Sự kiện & Bình luận vẫn giữ form cũ – từ hình hiệu đến nhạc hiệu, format… Từ thời điểm 2002 - 2003 cho đến nay cách làm vẫn thế. Cái hay là tôi cũng chưa từng thấy nó cũ bởi vì đây là chương trình rất thời sự, vấn đề được đề cập đến trong các tọa đàm luôn là vấn đề được mọi người quan tâm nhất ở trong thời điểm hiện tại. Vì thế, với tôi, nó luôn mới mẻ. Chính xác là nó vừa cũ nhưng cũng vừa mới.

Khi nhắc đến Sự kiện & Bình luận, khán giả luôn ấn tượng với những người dẫn như nhà báo Thanh Lâm, Văn Thành - những người đã tạo được dấu ấn rất riêng. Điều này có khiến chị cảm thấy áp lực? Vì với những chương trình tọa đàm, dấu ấn cá nhân của người dẫn rất quan trọng.

- Những người bạn nhắc đến họ rất có dấu ấn cá nhân, rất sắc sảo. Ngoài năng lực, phẩm chất, họ là những người rất có cá tính và với dẫn tọa đàm khi người dẫn có cá tính bao giờ cũng để lại được dấu ấn trong lòng khán giả. Đó là sức ép với những người dẫn chương trình tiếp theo dù trước kia tôi đã dẫn rồi.

Mặc dù tôi đã dẫn Sự kiện & Bình luận từ 10 năm trước nhưng rõ ràng tôi chưa có dấu ấn nên nói đến chương trình mọi người luôn nghĩ đến anh Thanh Lâm, bạn Văn Thành. Vì họ dẫn lâu hơn nhưng quan trọng hơn cả là họ có được dấu ấn cá nhân. Dấu ấn ấy được thể hiện qua cách đặt câu hỏi, cách bình luận, cách đưa vấn đề… Chính điều đó khiến tôi phải học hỏi.

Tôi phải đặt câu hỏi cho mình là làm thế nào mình vừa đề cập được các vấn đề thời sự vừa đảm bảo tính chính thống vì Sự kiện & Bình luận là một trong những chương trình chính luận quan trọng của VTV1. Đồng thời, phải thể hiện được dấu ấn cá nhân, sự sắc sảo, hấp dẫn khán giả... Làm thế nào để đạt được tất cả những điều đó? Đây thật sự là một việc khó và cần sự nỗ lực rất lớn.

Tố chất của người dẫn Sự kiện & Bình luận là phải rất chắc về đường lối chính sách, rất chuẩn xác về cách đặt vấn đề, cách sử dụng từ ngữ nhưng cũng không được tròn trịa. Nếu tròn trịa thì chương trình sẽ mất sức hấp dẫn.

Có những chương trình thiên về yếu tố tập thể nhưng Sự kiện & Bình luận thì dấu ấn cá nhân của người dẫn chương trình rất quan trọng. Kiểu gì anh cũng phải để lại dấu ấn cá nhân và muốn làm như thế bắt buộc mình phải tự hoàn thiện mình – về trí tuệ, về phong cách, cách đặt câu hỏi, nghệ thuật tọa đàm… - vô cùng nhiều nấc thang mà mình phải vươn lên. Nhất là tọa đàm là cả một nghệ thuật, phong phú và nhiều cái đỉnh cao mình cần phải chinh phục, không bao giờ có thể ngừng hoàn thiện và tìm tòi học hỏi.

Chị nghĩ mình đã đi đến đâu trong cuộc chinh phục đỉnh cao đó?

- Tôi là người có nhiều kinh nghiệm, đã làm qua rất nhiều chương trình khác nhau - cả trong và ngoài VTV - nhưng nói về đỉnh cao nghề nghiệp thì chưa. Tôi nghĩ mình còn phải cố gắng nhiều lắm. Tôi cần phải học hỏi vì luôn luôn có những những nhiệm vụ tiếp theo đang chờ mình.

Chị nghĩ điểm mạnh của chị bây giờ là gì?

- Đó là kinh nghiệm. Tôi có sự từng trải trong cuộc sống và bây giờ, so với 10 năm trước, tôi phần nào tự tin hơn khi ngồi trước khách mời của mình. Bạn biết, những người được mời đến Sự kiện & Bình luận đều là những chuyên gia giỏi, những nhà quản lý trong lĩnh vực của họ. Ở tuổi bây giờ mình không còn bị ngợp trước khách mời của mình nữa, mình cảm thấy mình bình đẳng hơn với khách mời của mình so với 10 năm trước đây. Bây giờ tôi thấy tự tin hơn và có thể ứng phó được với nhiều loại tâm lý tại trường quay.

Làm việc lâu năm và có được nhiều kinh nghiệm luôn rất quan trọng nhưng có một vấn đề không tích cực đi kèm với điều này chính là sức ì. Vậy làm thế nào để mình luôn tạo được cho mình cảm giác mới mẻ, sự hứng khởi đối với công việc?

- Tôi thấy có một tấm gương đó là cố nhà báo Trường Phước. Là nhà báo lớn tuổi rồi nhưng chú Trường Phước vẫn không ngừng thay đổi và không ngừng học hỏi và chú vẫn thể hiện những chương trình rất hấp dẫn. Cái hấp dẫn đó đến từ bản lĩnh con người, kiến thức và chất nhân văn. Bản lĩnh nghề nghiệp còn đến từ sự không ngừng đổi mới. Đã là nhà báo phải luôn luôn làm mới mình, nhất là dân thời sự. Phải giữ để mình không bao giờ được nguội nhiệt huyết.

Tôi nghĩ sự nhiệt huyết này đến từ đầu vào của công việc. Đầu vào công việc của mình luôn luôn là những vấn đề nóng, mới và những thách thức mới thì làm sao con người mình cũ được?

Chị nghĩ khó khăn của một phụ nữ khi làm Thời sự là gì?

- Sự kiện & Bình luận không phải là chương trình thách thức về mặt thời gian, giờ đi làm rất thoải mái. 9h30 lên hình, đó là khoảng thời gian mà đầu óc mình tỉnh táo, kịp ăn sáng thoải mái, trang điểm đàng hoàng. Không phải như chương trình Chào buổi sáng, các bạn gần như không được ngủ ban đêm.

Cái thách thức của Sự kiện & Bình luận nằm ở chiều sâu, bạn có đủ chiều sâu hay không? Khán giả cũng trông đợi những phần bình luận xác đáng và sắc sảo từ người dẫn chương trình này.

Tôi nghĩ những điều chị vừa nêu chỉ là những hình thức khác nhau của thách thức và khó khăn...

- Ý tôi là những thách thức từ chương trình tôi làm không ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi nhiều. Quan trọng anh học hỏi như thế nào, anh có chiều sâu lắng đọng như thế nào để anh đạt được chiều sâu đó.

Có thể nói, được chọn làm Sự kiện & Bình luận là vinh dự với mọi người vì để được đảm đương người đó phải có chiều sâu, phải được tin cậy. 10 năm trước tôi đã được tin cậy và 10 năm sau khi được chọn lại tôi vẫn cảm thấy vinh dự.

Với sự bùng nổ về mặt thông tin, mạng xã hội phổ biến… cách người ta làm Thời sự bây giờ cũng khác với 10 năm trước. Ngoại trừ TV, con người được tiếp cận với rất nhiều nguồn thông tin khác nhau, có thể chưa được kiểm chứng nhưng nói chung là rất đa dạng. Đó có phải là một khó khăn đối với những người làm Thời sự?

- Đúng! Sự bùng nổ thông tin bây giờ chính là thách thức lớn đối với truyền hình vì truyền hình bị hạn chế về tương tác. Mặc dù mình có thể làm trực tiếp nhưng rõ ràng là mình bị hạn chế về tương tác. Mạng xã hội với những thông tin đa chiều và người ta đã phân tích vấn đề quá nhiều rồi trước khi mình kịp đưa lên thời sự. Thách thức đó khiến mình phải suy nghĩ mình nên làm như thế nào để tương tác tốt hơn và cập nhật hơn, nhưng mình vẫn phải giữ được tiêu chí là tiếng nói tin cậy, mực thước và sâu sắc? Tóm lại là phải có được uy tín.

Hỏi thật, đã bao giờ chị gặp sự cố chưa?

- Có chứ mà cũng nhiều chứ. Đấy là chuyện bình thường. Với những người làm Thời sự thì không thể nhớ được sự cố nào nặng nhất, chỉ biết luôn luôn phải dặn mình phải tỉnh táo và thận trọng và mọi thứ xung quanh dù xảy ra như thế nào cũng không hề hấn gì, phải tỉnh táo để làm việc, vì chúng ta đang lên sóng trực tiếp.

Quay ngược thời gian một chút, ngay từ đầu khi bắt đầu làm nghề chị đã lựa chọn Thời sự?

- Tôi làm Thời sự ngay từ đầu, làm về Thời sự quốc tế và đấy là một may mắn. Nghề này rất đặc biệt, càng làm mình càng thấy hay, giống như quả bóng tuyết - càng lăn càng dày dặn, càng lớn hơn.

Chưa bao giờ chị cảm thấy mệt mỏi?

- Chưa bao giờ! Tôi luôn cảm thấy mình quá may mắn vì mỗi ngày đều có những điều mới mẻ. Có những nghề cứ suốt ngày đào một chỗ, chán cực kỳ, chán lắm, nó mệt mỏi và tới ngày mình không làm được nữa. Có những nghề rất rất khổ nhưng nghề này càng làm càng hay, mỗi ngày mình đều được tiếp cận với những thông tin mới, được gặp những chuyên gia giỏi, được tìm hiểu, được học hỏi… thích lắm. Càng làm càng thấy hay và đấy là một may mắn lớn.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Nhà báo Thu Hà trong một số của chương trình Sự kiện & Bình luận

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước