Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, cứ 2 người thì có một người trong độ tuổi lao động. Và với hơn 50 triệu người trong độ tuổi đang được coi là một lợi thế trong việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế. Nhưng nhìn nhận ở một góc độ khác đây là một thách thức lớn với các cơ quan quản lý và điều hành xã hội - thách thức về vấn đề giải quyết công ăn việc làm.
Bên cạnh đó, có nhiều câu hỏi được đặt ra là mỗi năm thị trường lao động của chúng ta có thêm bao nhiêu chỗ làm mới và bao nhiêu lao động mất việc làm? Những điều này sẽ dần sáng tỏ khi luật việc làm được đưa vào đời sống. Tuy nhiên, nếu dự án luật việc làm được bấm nút thông qua thì điều này sẽ tác động như thế nào tới hàng chục triệu lao động và quá trình chuyển đổi triển kinh tế? Đây là chủ đề chính được nhắc tới trong chương trình Sự kiện & Bình luận ngày hôm nay (19/10) với khách mời là Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.
‘ Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, khách mời của Sự kiện & Bình luận ngày 19/10. (Ảnh: Phaply)
SK&BL: Câu hỏi đầu tiên, chúng ta đã có một bộ luật lao động rồi và nó cũng đang vận hành tốt. Vậy tại sao cần phải có thêm một luật mới – luật việc làm?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Trong hệ thống pháp luật của chúng ta có 4 bộ luật: luật dân sự, luật hình sự, luật hàng hải và luật lao động nhưng chúng ta phải thấy rằng phạm vi điều chỉnh của bộ luật lao động là điều chỉnh các tiêu chuẩn lao động, điều chỉnh quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động, tập thể đại diện cho chủ sử dụng lao động, tập thể đại diện cho người lao động trong quan hệ lao động và những quan hệ khác có liên quan đến quan hệ lao động. Nói như vậy nghĩa là chúng ta đã hình thành một tư duy là bộ luật lao động tuy đồ sộ như vậy nhưng nó không phải bộ luật gốc, bộ luật việc làm. Ở đây chúng ta thấy là luật lao động chỉ điều chỉnh khoảng 15 triệu lao động chiếm khoảng 33% trong tổng số lực lượng lao động xã hội. Như vậy chúng ta còn 67% chiếm khoảng 33 triệu lao động chưa có luật nào điều chỉnh. Chúng ta xây dựng luật việc làm với một phạm vi điều chỉnh là điều chỉnh các quan hệ xã hội có liên quan đến vấn đề việc làm và tập trung vào 5 nội dung: Các chính sách hỗ trợ để tạo việc làm, thông tin về thị trường lao động, đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, hệ thống tổ chức trung tâm dịch vụ việc làm và chính sách bảo hộ công việc.
Như vậy bộ luật lao động của chúng ta không chỉ là điều chỉnh lực lượng lao động khu vực phi chính thức hay nói đúng hơn là khu vực chưa có lao động ở mức 33 triệu mà luật việc làm còn điều chỉnh cả 15 triệu lao động đã có quan hệ lao động trong bộ luật lao động. Nghĩa là nó điều chỉnh về đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, điều chỉnh về vấn đề bảo vệ thất nghiệp và điều chỉnh về thông tin thị trường lao động. Chúng ta phải hiểu một điều rất rõ là luật việc làm của chúng ta quy định lao động từ 15 tuổi trở lên nhưng nó sẽ không có khống chế trần như bộ luật lao động là nam 60 và nữ 55 tuổi. Luật việc làm còn điều chỉnh cả trên độ tuổi lao động và với nam trên 60, nữ 55 tuổi họ vẫn có thể có quyền được làm việc và họ được tham gia những chính sách đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia thông tin thị trường lao động và được thực hiện cả chính sách bảo vệ thất nghiệp đúng như người lao động mong muốn.
SK&BL: Có rất nhiều lao động phổ thông với công việc như lái xe ôm, bán nước chè ở đầu phố… thì những đối tượng như thế này được dự kiến sẽ điều chỉnh như thế nào trong luật việc làm nếu như nó được thông qua?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Từ "thất nghiệp" của chúng ta là dùng theo từ Hán Nôm, thất nghiệp là không có nghề nghiệp. Chúng ta phải quay trở lại với khái niệm thế nào là thất nghiệp? Thất nghiệp tức là anh đang có việc làm và bị mất việc làm hoặc anh được đào tạo nghề rất bài bản và không tìm được việc làm. Còn những đối tượng đang làm việc như hiện nay của chúng ta thì chúng ta lại phải quay về với khái niệm thế nào là việc làm. Hiện nay khái niệm việc làm của chúng ta được quy định rằng những hoạt động có thu nhập không bị pháp luật ngăn cấm thì đều gọi là việc làm, nghĩa là những người làm việc và không vi phạm pháp luật, có thu nhập và thậm chí thu nhập tốt hơn cả công chức. Ví dụ như người bán nước, xe ôm thì đó là những thu nhập hợp lý và chúng ta cũng sẽ điều chỉnh trong quan hệ việc làm về luật lao động. Khi đã có chủ lao động và người sử dụng lao động thì họ lập tức hình thành lên một mối quan hệ, nếu như trong bộ luật lao động thì đó là quan hệ lao động theo hợp đồng được trả lương, được trả các chính sách bảo hiểm lao động, y tế… Còn đối với các lao động làm việc theo các thỏa thuận bằng miệng từ 3 tháng trở lên thì họ cũng có quan hệ lao động, ví dụ lao động giúp việc gia đình.
SK&BL: Tại hầu hết các nền kinh tế phát triển thì chỉ số về thất nghiệp là một chỉ số rất quan trọng, nó tác động đến hoạt động điều hành của các cơ quan hoạch định chính sách. Nó cũng có những tác động đến lĩnh vực kinh tế nhạy cảm như thị trường chứng khoán, tỷ lệ thất nghiệp tăng hay giảm thì rất có thể thị trường chứng khoán sẽ rớt điểm hoặc tăng điểm. Tuy nhiên ở Việt Nam tỷ lệ về thất nghiệp có vẻ như chưa thật sự được chú trọng và có tác động nhiều đến các lĩnh vực kinh tế cũng như hoạt động điều hành kinh tế?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Cái đánh giá tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam là có vấn đề. Chúng tôi vẫn thường xuyên báo cáo với Quốc hội và đề nghị các cơ quan như Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Lao động Thương binh Xã hội xem xét lại chỉ tiêu này. Thất nghiệp là sự tồn tại khách quan của tất cả các nền kinh tế và thất nghiệp cũng là một chỉ tiêu có tác động thúc đẩy nền kinh tế nhưng thất nghiệp nó chỉ nằm ở một tỷ lệ hợp lý thì làm cho nền kinh tế tăng kích cầu lao động và làm cho quan hệ cung-cầu lành mạnh hơn. Nhưng thất nghiệp của chúng ta đánh giá chưa được đầy đủ. Các nước khác đánh giá thất nghiệp theo tháng, theo quý, theo năm và người ta theo dõi chỉ số này cao hơn là chỉ tiêu giải quyết số lượng lao động làm việc mới. Chúng tôi rất muốn các cơ quan nghiên cứu tính đến một phép tính làm sao đó chúng ta thay chỉ tiêu tạo việc làm mới hàng năm mà Quốc hội quyết định bằng một chỉ tiêu giảm tỷ lệ thất nghiệp lao động và giảm tỷ lệ lao động thiếu việc làm ở khu vực nông thôn. Đây là một chỉ tiêu mà chúng tôi gọi là chỉ tiêu chất lượng về nguồn nhân lực và đó chính là quá trình kết cấu cung và cầu lao động và chính cái tác động này sẽ làm cho điều chỉnh nền kinh tế của chúng ta tốt hơn.
SK&BL: Như vậy quan trọng nhất và việc đầu tiên cần phải làm là định dạng được nhóm người thất nghiệp, đối tượng thất nghiệp và nếu định dạng được thì nó sẽ tạo ra áp lực như thế nào với việc hoạt động điều hành kinh tế ở cấp quốc gia cũng như từng địa phương?
Ông Bùi Sỹ Lượng: Nếu chúng ta xác định đúng tỷ lệ thất nghiệp và các cơ cấu của lao động thất nghiệp thì chúng ta sẽ có những giải pháp, chúng ta điều chỉnh việc làm cho người lao động thất nghiệp. Trong năm 2010 – 2011 chúng ta thấy các doanh nghiệp bị giải thể, phá sản, đóng cửa, ngừng hoạt động rất nhiều nhưng tỷ lệ thất nghiệp của chúng ta không cao. Tại sao như vậy? Vì khu vực nông thôn của chúng ta chính là "bà đỡ" cho lao động thất nghiệp ở khu vực đô thị. Nhưng chúng ta phải đánh giá một cách bài bản như thế này, người lao động ở khu vực công nghiệp mất việc làm hoặc đô thị mất việc làm trở về nông thôn thì vẫn giải quyết được vấn đề việc làm nhưng chất lượng việc làm thấp. Ở đây chúng ta đã chia thu nhập lao động ở nông thôn cho những người lao động thất nghiệp ở đô thị, như vậy, việc làm có thể không mất, thất nghiệp có thể không tăng lên nhưng chất lượng và thu nhập việc làm giảm đi. Đây là vấn đề rất đáng lưu ý trong quá trình chúng ta xem xét, điều chỉnh về luật thất nghiệp.
SK&BL: Bảo hiểm thất nghiệp luôn là bảo hiểm quan trọng và đặc biệt được quan tâm. Ở Việt Nam loại bảo hiểm này mới được triển khai khoảng 2 năm nay và chưa thể nói là được vận hành một cách trơn tru, hiệu quả. Một trong những nguyên nhân chính là do hành lang pháp lý chưa thật sự hoàn thiện. Vậy nếu như luật việc làm được thông qua thì việc chi trả bảo hiểm thất nghiệp có thay đổi gì không so với quy trình dài dằng dặc như hiện nay?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Nếu chúng ta làm theo cách này thì một là chúng ta chưa có công nghệ thông tin, hiện đại hóa để chi trả cho người lao động và những thủ tục hành chính của chúng ta quá phiền hà cho người lao động. Cho nên chúng ta phải suy nghĩ và thiết kế lại mô hình này và chắc chắn sẽ tập trung vào một cơ quan để chi trả cho đảm bảo sự thống nhất, tập trung và đảm bảo tốt nhất cho người lao động nhận trợ cấp thất nghiệp.
SK&BL: Dự thảo luật việc làm có quy định chi trả thất nghiệp cho cả khu vực chính thức – có quan hệ lao động – và khu vực không chính thức, không có quan hệ lao động và ở khi vực không có quan hệ lao động cũng rất khó kiểm soát và nắm bắt. Vậy theo ông có nên chi trả bảo hiểm thất nghiệp cho khu vực này hay không? Ví dụ người đang làm công việc xe ôm nhưng hôm sau anh ta không có việc nữa thì cũng rất khó để chi trả bảo hiểm thất nghiệp cho những trường hợp này?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Chúng ta phải đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động mà đã là chính sách an sinh xã hội thì người lao động hay ngoài quan hệ lao động cần phải hướng tới trách nhiệm cho mọi người. Đây là một ý tưởng và một mục đích tốt và khi trình thì Chính phủ cũng muốn trình cho tất cả những lao động phi chính thức cũng đều được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Nhưng chúng tôi thấy chúng ta chưa đủ năng lực quản lý, chưa đủ khả năng để chi trả và nó cũng rất phức tạp nên chúng ta phải thí điểm từng bước và trong luật lần này chúng ta chỉ quy định người lao động có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên sẽ cho thực hiện bảo hiểm thất nghiệp.
SK&BL: Không giống như ở Mỹ, ở Việt Nam chúng ta những người lao động làm trong những khu vực công gần như ít có khả năng rơi vào tình trạng thất nghiệp. Ở Mỹ thì nhân viên cấp cao của Chính phủ cũng có nguy cơ rơi vào tình trạng thất nghiệp vào một ngày đẹp trời nào đó. Vậy có nhất thiết phải quy định bảo hiểm thất nghiệp đối với đối tượng làm việc ở khu vực công hay không? Vì họ hiếm có khả năng rơi vào tình trạng thất nghiệp?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Khu vực hành chính thì chúng ta không bàn nhưng những lao động ở khu vực sự nghiệp, đối tượng lao động viên chức đang thực hiện theo luật viên chức thì cũng là hợp đồng làm việc giống như hợp đồng lao động. Mục tiêu của chúng ta là phải đảm bảo an sinh xã hội và bảo hiểm thất nghiệp là một loại hình bảo hiểm ngắn hạn để bù đắp chi phí cho người lao động khi mất việc làm hoặc đào tạo nghề khi người ta quay trở lại làm việc, tìm việc làm mới. Cho nên đối với viên chức cũng rất cần thiết để thực hiện bảo hiểm lao động thất nghiệp và trong thực tiễn hiện nay thì chúng ta có khoảng 1 triệu 8 viên chức đang làm việc ở các đơn vị sự nghiệp công và số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp chiếm hơn 90% và nó bằng khoảng 21,38% tổng số lượng số người đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Trong thực tế 4 năm vừa qua, 2010-2013, đã có 17.328 viên chức của chúng ta cũng đã hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Do đó, viên chức cũng cần phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp để đảm bảo sự chia sẻ đối với vấn đề an sinh xã hội.
SK&BL: Bộ luật lao động quy định phải đa dạng hóa các đơn vị, các loại hình giới thiệu việc làm như Nhà nước cũng có thể tham gia, đoàn thể cũng có thể tham gia và doanh nghiệp cũng có thể tham gia. Tuy nhiên, trong dự thảo luật việc làm thì lại quy định chỉ đầu tư trọng điểm vào các trung tâm giới thiệu việc làm do ngành lao động thương binh xã hội quản lý. Ông có bình luận gì không và liệu quy định này có mâu thuẫn và làm cho hai luật này mâu thuẫn với nhau hay không?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Tôi khẳng định giữa bộ luật lao động và luật việc làm không có mâu thuẫn. Tại điều 14 của bộ luật lao động quy định hệ thống dịch vụ việc làm bao gồm các trung tâm dịch vụ việc làm và doanh nghiệp dịch vụ việc làm. Trong luật việc làm chúng ta quy định rất cụ thể trung tâm dịch vụ việc làm gồm trung tâm dịch vụ việc làm do các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và loại thứ 2 là trung tâm dịch vụ việc làm do các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp thành lập.
Nó có 2 loại, các doanh nghiệp thuộc ngành lao động thương binh xã hội của chúng ta hiện nay quản lý là có 64 doanh nghiệp, vì Hà Nội, TP.HCM có 2 trung tâm. Còn lại Quân đội, các hệ thống tổ chức chính trị xã hội là 68 đơn vị và quan điểm trong bộ luật của chúng tôi là phải thực hiện chính sách bình đẳng và xã hội hóa giữa các trung tâm việc làm này. Nhưng trước mắt, để thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp đi vào nề nếp thì trước mắt giao cho các trung tâm việc làm của các sở lao động thương binh xã hội tại các địa phương thực hiện để tiếp nối các quá trình thực hiện và rút kinh nghiệm. Còn các trung tâm khác nếu có điều kiện vẫn được thực hiện. Chúng tôi rất muốn trong bộ luật này chúng ta phải đảm bảo quy hoạch hệ thống trung tâm việc làm làm sao đảm bảo hiệu quả nhất, chất lượng nhất, năng động nhất và giảm được thủ tục hành chính.
SK&BL: Cảm ơn ông!