Ý tưởng làm phim về người Việt ở Nga xuất phát từ đâu? Có phải ngay từ đầu lãnh đạo VFC đã lựa chọn sẽ làm phim dài tập không?
Sau dự án phim Hai phía chân trời quay tại CH Czech (Giải Vàng trong Liên hoan truyền hình năm 2013), VFC tiếp tục thực hiện dự án phim tại Nga. Đây là vùng đất rất đặc biệt bởi những yếu tố về mối quan hệ giữa con người của hai đất nước, những hoàn cảnh và dấu mốc lịch sử tác động nhiều đến những thế hệ người Việt từng sống, học tập và làm việc tại Nga, kéo dài từ quá khứ đến hiện tại.
Thực ra, dự án này được VFC ấp ủ từ rất lâu rồi nhưng phải đợi có đủ các điều kiện thì mới triển khai, đặc biệt là vấn đề xây dựng kịch bản. Việc tập hợp thông tin, lấy các ý kiến chia sẻ và thành lập nhóm viết kịch bản cũng được VFC làm rất cẩn trọng. Và một bộ phim dài tập mới có thể chuyển tải đủ các hoàn cảnh, số phận nhân vật như chúng tôi dự định. Hiện nay, kịch bản đang trong quá trình viết và sẽ còn tiếp tục được lấy ý kiến thẩm định, góp ý và viết bổ sung thêm để hy vọng có được câu chuyện xúc động, hấp dẫn với khán giả.
‘
Ê kíp sản xuất dự án phim họp bàn trao đổi
Làm phim dài tập về những người Việt ở nước Nga, một đất nước rất gần gũi với Việt Nam vì có rất nhiều thế hệ người Việt đã sinh sống và làm việc ở Nga, ê kíp sản xuất đã và đang làm gì để chuẩn bị tốt nhất cho dự án này?
Chúng tôi đã tổ chức đi khảo sát 3 lần, gặp gỡ và trao đổi với nhiều nhân vật để thu thập các chất liệu văn học, các câu chuyện thực tế. Đồng thời chúng tôi cũng đang trong quá trình đàm phán với một đối tác sản xuất phim tại Nga để mong muốn hợp tác làm phim, làm sao để bộ phim đạt chất lượng cao nhất, tái tạo được một số cảnh trong quá khứ. Nước Nga bây giờ thay đổi nhiều, việc tạo dựng lại những bối cảnh quá khứ, tìm kiếm những đạo cụ, phục trang… cũng là một thách thức lớn với chúng tôi khi sản xuất phim.
Được biết, khâu kịch bản được nung nấu và chuẩn bị trong nhiều năm qua, anh cho biết những thông tin đầu tiên về kịch bản phim?
Kịch bản do một nhóm tác giả gồm các biên kịch, đạo diễn, biên tập của VFC cùng bàn bạc để xây dựng đề cương câu chuyện, sau đó lấy ý kiến thêm của các nhân vật đã từng sống, học tập ở Nga để có thể bổ sung thêm các chi tiết, tình huống hấp dẫn. Hiện tại, có 2 người được lựa chọn để viết kịch bản đầu tiên là biên tập Phạm Kim Ngân, người đã từng sống và học ở Liên Xô cũ, biên kịch Đặng Diệu Hương. Đồng thời, đạo diễn Vũ Hồng Sơn, người đã từng học ở Kiev sẽ tham gia góp ý kiến bổ sung. Đạo diễn Vũ Hồng Sơn và Vũ Trường Khoa sẽ đồng đạo diễn bộ phim này.
Vậy nội dung bộ phim này sẽ khai thác theo hướng nào?
Bộ phim là những câu chuyện xảy ra trong quá khứ, đan xen hành trình tìm kiếm người thân ở thời điểm hiện tại, đồng thời lý giải phần nào tình cảm mà nhiều thế hệ người Việt đã trân trọng và dành sự yêu mến với những người Nga nhân hậu, với đất nước Liên Xô cũ đã luôn chia sẻ và giúp đỡ Việt Nam.
‘ Một địa điểm được khảo sát để làm bối cảnh phim
Về thành phần tham dự ê kíp sản xuất gồm những ai, phía Nga có ai tham gia không?
Thành phần đoàn phim sẽ tiếp tục được lựa chọn sau khi kịch bản hoàn thiện, phía Nga sẽ có một đối tác là đơn vị sản xuất phim ở Ukraine cùng tham gia. Phim cũng sẽ có cả các diễn viên nước ngoài đảm nhận một số vai diễn quan trọng như vai thầy cô giáo, bạn học, các bà quản lý học sinh…
Câu chuyện muôn thuở của nghề làm phim, khi nói đến kinh phí đều được đưa ra để đánh giá xem chất lượng ra sao, liệu rằng dự án năm nay có khấm khá hơn so với thời điểm làm phim Hai phía chân trời không?
Tất nhiên, dự án này cần sự đầu tư lớn về tài chính, nhất là chi phí đi lại, ăn ở của cả ê kíp làm phim, diễn viên. Nhưng so với kinh phí làm phim của các nước khác thì chúng ta còn rất hạn chế. Vì vậy, cách tổ chức sản xuất và tính toán các phương án đầu tư cũng phải rất kỹ lưỡng. Ngoài ra, không thể thiếu sự hỗ trợ giúp đỡ của cộng đồng người Việt tại Nga.
Dưới góc độ người quản lí, anh cho biết những suy nghĩ của cá nhân anh khi đơn vị VFC liên tục được giao phó những dự án làm phim lớn trong năm 2013 và năm nay?
Phim truyền hình Việt Nam đã từng bước tiến đến sự chuyên nghiệp, đào thải những cách làm phim nghiệp dư, những câu chuyện tầm phào. Khán giả ngày càng đòi hỏi chất lượng phim truyền hình Việt Nam cao hơn, so sánh với các bộ phim nước ngoài… nên chúng tôi phải rất nỗ lực để thay đổi, phát triển. Tất nhiên, công nghệ làm phim của chúng ta chưa thể nói là phát triển, vẫn còn lạc hậu và thiếu nhiều thiết bị chuyên dùng cho hoạt động sản xuất phim, đặc biệt là trường quay và hệ thống sản xuất khép kín…
Chúng tôi đã và đang cố gắng để có thêm nhiều bộ phim hay, những đề tài mới lạ làm tăng tính hấp dẫn cho phim truyền hình Việt Nam. Việc vươn ra với những bối cảnh phim ở nước ngoài, hợp tác với các đối tác sản xuất lớn trong khu vực và thế giới… là kế hoạch của VTV nói chung, VFC nói riêng trong việc đầu tư kinh phí, nỗ lực sản xuất thêm nhiều bộ phim hay phục vụ khán giả truyền hình, khẳng định cam kết của Lãnh đạo VTV và đội ngũ làm phim truyền hình VTV sẽ ngày càng có thêm nhiều chương trình chất lượng và đẳng cấp được phát sóng trên các kênh của VTV.
Xin cảm ơn anh!