Không còn không gian cộng đồng, thành phố biển nhưng ở ngay sát biển vẫn không nhìn thấy biển. Để phát triển, nhiều nơi đã thu hút đầu tư vào hạ tầng du lịch. Hàng loạt resort dọc bờ biển và luồng khách du lịch đã mang lại những giá trị nhất định cho kinh tế địa phương, nhưng quyền và lợi ích của người dân ở đâu trong những bản quy hoạch xây dựng áp sát biển như vậy?
Ở nhiều nơi, bờ biển, một thứ tài sản chung của xã hội hiện đã biến thành tài sản riêng với tình trạng quy hoạch lộn xộn.
Tại Quảng Ninh, hiện nay với tốc độ xây dựng nhanh chóng các tòa nhà, những dự án sát bờ biển đã khiến vịnh Hạ Long giống như một con rồng bị "nhốt" giữa một vành các công trình xây dựng. Các địa phương khác được nhắc tên như Đà Nẵng, Nha Trang cũng trong tình trạng tương tự. Trong khi các chủ dự án tranh thủ giữ đất, bãi biển công cộng ngày càng bị thu hẹp, người dân và du khách không có đường xuống biển.
Còn tại Quảng Ngãi, cứ 8km mới có một lối ra biển. Gần biển mà hóa xa là tình trạng lâu nay xảy ra ở Phan Thiết, Bình Thuận. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Ninh Chữ (Ninh Thuận) hay Phú Quốc.
Việt Nam có hàng nghìn km bờ biển với nhiều bãi biển được lọt vào top bãi biển đẹp nhất hành tinh. Việc phát triển xung quanh bờ biển là chiến lược đã được nhiều địa phương xác định nhưng phát triển như thế nào để có thể đảm bảo tính bền vững là điều không phải địa phương nào cũng làm được.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!