Sau phần tranh luận của đại diện VKS, sáng 19/9, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM và 4 đồng phạm vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí hơn 1.927 tỷ đồng.
Tự bào chữa cho mình, bị cáo Lê Thị Thanh Thúy, Chủ tịch HĐQT công ty Hoa Tháng Năm và công ty Lavenue, phản bác lại quan điểm của cơ quan công tố. Theo nữ doanh nhân, việc đại diện VKS khẳng định mối quan hệ giữa bà và ông Tài không phải bất chính đã giúp bà thoát khỏi thị phi, bà rất cảm ơn. Tuy nhiên, việc VKS khẳng định có cơ sở chứng cứ nói giữa bị cáo Tài và bị cáo Thúy từng giao dịch chuyển tiền đang dấy lên dư luận không tốt về mối quan hệ này.
Liên quan đến việc giao dịch tiền mà đại diện VKS đã đề cập trước đó, bị cáo Lê Thị Thanh Thúy lý giải, vào năm 2011, ông Nguyễn Thành Tài có ra Singapore để chữa trị bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Biết được thông tin ông Tài bị bệnh, với tình cảm và sự kính trọng với ông Tài, bà Thúy đã làm thẻ tín dụng giúp ông Tài sử dụng chi trả tiền viện phí.
Bị cáo Lê Thị Thanh Thúy khai, cho ông Tài vay tiền đi chữa bệnh.
Khoảng 10 ngày, sau khi ra viện trở về Việt Nam, ông Tài có gặp riêng bị cáo Thúy để gửi phong bì, nói rằng trả lại tiền viện phí kèm thẻ tín dụng ngân hàng. Bị cáo Thúy khẳng định thẻ này ông Tài chỉ sử dụng duy nhất 1 lần thanh toán viện phí.
Ngoài ra, bị cáo Thúy cũng yêu cầu cơ quan công tố chứng minh hành vi lợi dụng tình cảm tác động xúi giục ông Tài để hưởng lợi từ sai phạm này. "Tôi cần bằng chứng xúi giục như thế nào, tác động ra làm sao?", bị cáo Thúy nói.
Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, năm 2007, khu đất số 8-12 Lê Duẩn (Quận 1) do công ty quản lý kinh doanh nhà quản lý, cho 4 công ty thuộc Bộ Công thương thuê làm trụ sở. Khu đất "vàng" này được Ban chỉ đạo 09 - do Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân làm Trưởng ban, đề xuất giao công ty quản lý kinh doanh nhà lập thủ tục bán đấu giá và chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án. Yêu cầu đưa ra là "nhà đầu tư thực hiện dự án phải có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực khách sạn".
Công ty quản lý kinh doanh nhà được UBND TP.HCM chấp thuận cho làm chủ đầu tư, góp 50% vốn dự án còn lại do 4 công ty thuộc Bộ Công Thương góp (chia đều mỗi công ty là 12,5%). Tuy nhiên, ngay sau khi được UBND thành phố cho tham gia cổ phần, các công ty của Bộ Công Thương sang nhượng quyền đầu tư phát triển dự án cho một công ty tư nhân để kiếm lời.
Lê Thị Thanh Thúy được xác định là lợi dụng mối quan hệ tình cảm với ông Tài, gửi văn bản cho công ty quản lý kinh doanh nhà, tự nhận Hoa Tháng Năm là công ty "có kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, nhà hàng, khách sạn, có năng lực tài chính" để tác động xin tham gia dự án không phải cạnh tranh, không đấu giá quyền sử dụng đất hay đấu thầu dự án. Thực tế, công ty Hoa Tháng Năm không có năng lực tài chính và kinh nghiệm, chưa tham gia bất cứ dự án nào.
Ông Tài gọi điện cho bà Nguyễn Thị Thu Thủy, yêu cầu tạo điều kiện cho công ty của Thúy. Ngày 23/7/2010, bà Thủy đề xuất thành lập pháp nhân mới là Công ty cổ phần đầu tư Lavenue, đồng thời kiến nghị cho công ty TNHH Một thành viên Hoa Tháng Năm hợp tác đầu tư 30% vốn (trong tỷ lệ góp vốn 50% của công ty quản lý kinh doanh nhà) cùng thực hiện dự án.
Từ đề xuất của công ty quản lý kinh doanh nhà, tháng 8/2010, ông Tài tổ chức họp, chấp thuận cho công ty của Thúy được thực hiện dự án khách sạn tiêu chuẩn 5 sao và một phần trung tâm thương mại. Đồng thời, Phó Chủ tịch thành phố cũng có nhiều văn bản chỉ đạo các sở ngành hoàn tất thủ tục cho công ty này được giao và thuê đất.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thành Tài trình bày tại tòa.
Tháng 6/2011, ông Tài ký quyết định cho công ty Lavenue sử dụng toàn bộ khu đất xây khách sạn cao cấp, thương mại dịch vụ, căn hộ cho thuê với thời hạn sử dụng đất là 50 năm. Hình thức sử dụng là Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng tại số 8 Lê Duẩn và cho thuê hàng năm với khu đất số 12 Lê Duẩn. Tổng nghĩa vụ tài chính công ty này phải nộp ngân sách là hơn 647 tỷ đồng bao gồm cả thuế giá trị gia tăng và tiền thuê theo đơn giá thị trường.
Cơ quan công tố xác định, việc ông Tài chấp thuận áp dụng hai hình thức giao đất và cho thuê đất đối với cùng một dự án, cũng như chấp thuận cho Công ty Lavenue thanh lý nhà số 12 Lê Duẩn mà không giao cơ quan chức năng thẩm định giá trị còn lại là trái quy định.
Từ sự chỉ đạo của ông Tài, các bị can Kiệt, Nam, Út dù biết hồ sơ dự án chưa đầy đủ, chưa được phê duyệt, chưa thẩm định... nhưng vẫn đề xuất ký các quyết định vi phạm pháp luật dẫn đến khu đất "vàng" bị chuyển nhượng sang công ty của Thúy.
Nhà chức trách xác định hành vi sai phạm của ông Tài là "có tính hệ thống, xảy ra trong một thời gian dài, là nguyên nhân chính dẫn đến các vi phạm pháp luật tại dự án số 8-12 Lê Duẩn".
Thiệt hại mà ông Tài và các đồng phạm gây là 2.554 tỷ đồng - tương đương giá trị quyền sử dụng đất. Do công ty Lavender đã nộp ngân sách 647 tỷ đồng, nên thiệt hại còn 1.927 tỷ đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!