Dù không được cơ quan nào cấp phép, song trong giới cát tặc có một thứ luật ngầm đó là ai chiếm được khúc sông nào thì tàu khác không được đến khai thác cát, xâm lấn. Vì thế, một số người có tàu đành chấp nhận đi hút trộm thuê cho chủ bãi cát trái phép. Mua vào 15.000 đồng/m3 thế nhưng giá cát xây dựng bán ra trên thị trường lại cao gấp đôi, thậm chí gấp ba, vì thế, mỗi chủ bãi cát đã đút túi hàng tỷ đồng mỗi tháng từ việc hút cát trộm.
Mở rộng điều tra, công an TP Hà Nội phát hiện công ty Gia Hưng ở Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm khai thác trộm cát ngay dưới chân cầu Thăng Long, tuy nhiên do nhu cầu cát xây dựng tăng cao, doanh nghiệp này đã trộn cát san nền với cát xây dựng để bán ra thị trường. Từ đầu năm 2020 đến thời điểm bị bắt, chủ doanh nghiệp đã hút trộm hơn 66.000 m3, chiếm đoạt số tiền hơn 3,7 tỷ đồng.
Trên thực tế, việc khởi tố hình sự các đối tượng cát tặc hiện còn gặp khó khăn do vướng quy định, người khai thác khoáng sản trái phép có giá trị 500 triệu đồng trở lên mới bị xử lý hình sự. Trong vụ án này, cơ quan điều tra phải thuê các đơn vị đo khối lượng cát hút trộm, đồng thời, phong tỏa 5 bãi tập kết cát hút trộm chưa kịp tiêu thụ.
Theo công an TP Hà Nội, khai thác cát trái phép là hành vi trộm cắp. Việc thu mua, kinh doanh vật liệu cát sỏi không rõ nguồn gốc là hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có với khung hình phạt tới 7 năm tù giam. Công an TP Hà Nội sẽ kiểm tra tất cả các bãi cát sỏi để phát hiện sai phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!