Công ty Việt Á đã "thổi giá" kit xét nghiệm như thế nào?

Anh Tuấn-Thứ năm, ngày 30/12/2021 12:05 GMT+7

VTV.vn - Ngoài khả năng xét nghiệm virus SARS-CoV-2, bộ trang thiết bị y tế của Công ty Việt Á còn có khả năng phát hiện sự minh bạch trong hoạt động mua sắm sinh phẩm.

Ngày 17/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra C03 Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Việt Á, CDC Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan.

Bắt giám đốc CDC Hải Dương và Tổng giám đốc Công ty Việt Á

Các đối tượng là lãnh đạo chủ chốt Công ty Việt Á khai nhận, lợi dụng nhu cầu cấp bách test COVID của các địa phương trên cả nước nên doanh nghiệp này đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 cho các bệnh viện, CDC các địa phương. Sau đó, thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu, xác nhận khống các báo giá để ký hợp đồng và thanh quyết toán.

Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Tổng giám đốc và các đối tượng thuộc Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá, xác định giá bán là 470.000 đồng/kít; thỏa thuận và chi tiền % hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố.

Công ty Việt Á đã thổi giá kit xét nghiệm như thế nào? - Ảnh 1.

Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm COVID cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng. Trong đó, Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương được chi số tiền % ngoài hợp đồng gần 30 tỷ đồng.

Thủ đoạn chi tiền ngoài hợp đồng của Công ty Việt Á

Đối tượng Hồ Thị Thanh Thảo, Thủ quỹ Công ty Việt Á khai: "Căn cứ giá trị tiền hàng, căn cứ giá trị chiết khấu đã được thỏa thuận giữa lãnh đạo công ty. Từ tiền của công ty Việt Á được hợp thức thông qua mua hàng của các công ty trung gian như An Việt 99, Khoa học Việt Á, Công ty Phạm Tuấn Minh… và cuối cùng mua hàng từ cửa hàng Âu Lạc do tôi làm cửa hàng trưởng do tài khoản cửa hàng đứng tên cá nhân tôi.

Qua đó tiền được chuyển từ pháp nhân sang cá nhân để chi chiết khấu tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Với vai trò cửa hàng trưởng cửa hàng Âu Lạc và thủ quỹ công ty Việt Á, tôi đã thực hiện ký hợp thức hồ sơ giấy tờ chi tiền hoa hồng trái quy định của pháp luật, tuy nhiên tôi chỉ thực hiện theo chỉ đạo của Phan Quốc Việt".

Đối tượng Phan Tôn Noel Thảo - Trợ lý tài chính công ty cổ phần Việt Á: "Một số đơn vị họ nhận tiền mặt, một số đơn vị họ sẽ cung cấp số tài khoản trực tiếp của họ hoặc của người thân, cá nhân. 100 tỷ thì chuyển từ 15 tỷ đến 25 tỷ".

Công ty Việt Á đã thổi giá kit xét nghiệm như thế nào? - Ảnh 2.

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, từ tháng 4/2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19. Đến nay, Công ty này đã cung ứng kit xét nghiệm COVID-19 cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước với nhiều mức giá rất khác nhau.

Từ 367.500 - 470.000 đồng và cao nhất có một số địa phương còn phải mua với giá 509.250 đồng một bộ xét nghiệm. Vậy tại sao lại có sự khác biệt về giá như vậy dù cùng một doanh nghiệp cung cấp sinh phẩm?

Theo lý giải từ lãnh đạo một số đơn vị, có thể là do số lượng mua nhiều hay ít hoặc thời điểm mua hàng khác nhau. Tuy nhiên, đáng chú ý, để giúp các địa phương có căn cứ tham khảo khi đấu thầu mua sắm sinh phẩm xét nghiệm SARS-COV-2 thì từ tháng 7/2020, bộ kit của Công ty Việt Á nhiều lần nằm trong danh sách sinh phẩm được cấp số đăng ký lưu hành theo thông báo của Bộ Y tế gửi về các địa phương, có kèm theo giá bán công bố của doanh nghiệp là 470.000 đồng một bộ xét nghiệm.

Căn cứ thẩm định giá khi địa phương mua kit xét nghiệm của công ty Việt Á

Trong văn bản gửi các địa phương của Bộ Y tế, bộ kit xét nghiệm của Công ty Việt Á thuộc trong nhóm "sản xuất trong nước" và nằm ở vị trí đầu tiên trong danh sách. Giá bán do đơn vị cung ứng công bố cũng được dẫn lại trong danh sách này.

Theo đó, đơn hàng có số lượng càng lớn thì mức giá càng được giảm. Trong đó, mức giá 470.000 đồng/test, áp dụng cho đơn hàng dưới 500.000 test. Thông tin này sau đó cũng được niêm yết công khai trên Cổng công khai giá của Bộ Y tế.

Công ty Việt Á đã thổi giá kit xét nghiệm như thế nào? - Ảnh 3.

Từng có 4 hợp đồng mua kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á với trị giá hơn 53 tỉ đồng trong năm nay, theo giám đốc CDC tỉnh Nam Định, đây là căn cứ thẩm định giá khi quyết định mua hàng qua hình thức chỉ định thầu.

Ông Đỗ Đức Lưu, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nam Định: "Chúng tôi tham khảo thông tin Bộ Y tế. Thông tin trên cổng thông tin Bộ kế hoạch đấu thầu báo đấu thầu và tham khảo các hợp đồng tương tự của các đơn vị y tế khác trên toàn quốc kèm theo báo giá của doanh nghiệp, nhà cung cấp. Tôi thấy hợp lý thì đề xuất".

Cũng theo Giám đốc CDC tỉnh Nam Định, toàn bộ quá trình thương thảo 4 hợp đồng mua hàng của Công ty Việt Á đều được thực hiện theo đúng quy trình, được Sở Tài chính và các cơ quan chức năng thẩm định giá mới ký hợp đồng mua. Vị lãnh đạo này cũng khẳng định, không có chuyện nhận tiền hoa hồng, hay tiền % ngoài hợp đồng ở các gói thầu kể trên.

"Tôi có thể khẳng định một điều hết sức chắc chắn là trong quá trình thực hiện tất cả gói thầu mua bán vật tư phòng chống dịch thì CDC Nam Định chưa bao giờ có ý thức lạm dụng việc mua bán đòi tiền hoa hồng của nhà cung cấp và không nhận một nguồn tiền nào của nhà cung cấp", ông Đỗ Đức Lưu cho hay.

Công ty Việt Á đã thổi giá kit xét nghiệm như thế nào? - Ảnh 4.

Liên quan đến vụ việc này, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo thanh tra toàn bộ hoạt động đấu thầu, mua sắm vật tư y tế phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Trước hiện tượng tiêu cực và tình trạng chênh lệch về giá khi đấu thầu vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm giữa các địa phương hiện nay, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Nam Định cũng có kiến nghị đề xuất.

Để minh bạch khâu thẩm định giá tại một số địa phương khác trong quá trình thực hiện các gói thầu mua sắm kit xét nghiệm của Công ty Việt Á, phóng viên đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật. Tuy nhiên, đến nay, nhiều địa phương vẫn từ chối làm việc vì nhiều lý do khác nhau.

Trong văn bản trả lời mới đây, Bộ Y tế nêu rõ, theo quy định của Luật giá, trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm không thuộc trong danh mục mặt hàng phải quản lý giá. Vì thế giá của sinh phẩm xét nghiệm được xác định thông qua đấu thầu. Còn về giá bán 470.000 đồng/test của Công ty Việt Á được công khai trên Cổng công khai giá theo Bộ Y tế là nhằm mục đích để các địa phương, cơ sở y tế nắm bắt, tham khảo khi xây dựng kế hoạch và thực hiện mua sắm, đấu thầu… mà không phải là giá bắt buộc áp dụng. Các địa phương phải chịu trách nhiệm về kết quả đấu thầu.

Vào ngày 22/12, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh kit xét nghiệm COVID-19 xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, các địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh, mở rộng vụ án, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt và thất thoát, sớm đưa các đối tượng ra xét xử.

Trong buổi họp báo của Bộ Công an diễn ra cách đây 2 ngày, lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu C03 Bộ Công an cũng thông tin thêm, hiện cơ quan điều tra đang mở rộng điều tra vụ án xảy ra tại công ty Việt Á.

Công ty Việt Á trục lợi từ dịch bệnh: Trách nhiệm các cơ quan quản lý ở đâu? Công ty Việt Á trục lợi từ dịch bệnh: Trách nhiệm các cơ quan quản lý ở đâu?

VTV.vn - Việc doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng cơ chế, chính sách chống dịch, móc nối với một số cá nhân có thẩm quyền để kiếm tiền trên lưng người lao động là hành vi đáng lên án.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước