Theo quy định của pháp luật, không phải cứ có gây có hành vi gây thiệt hại cho người khác hoặc gây nguy hiểm cho xã hội thì mới bị xử lý. Trong một số tình huống nguy hiểm, nếu không được cứu giúp kịp thời, người gặp nạn có thể nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí chết người, thì việc cứu người khi được yêu cầu và có điều kiện giúp đỡ không chỉ là vấn đề tình nghĩa mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân.
Chiều 17/5, lãnh đạo Công an Hà Nội cho biết đã chỉ đạo Công an huyện Thanh Oai thực thi việc kỷ luật Đại úy Nguyễn Thanh Lâm, 36 tuổi, công an xã Cự Khê, huyện Thanh Oai do "thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong việc truy bắt tội phạm, cứu giúp người dân".
Cụ thể sự việc trước đó, khoảng 16h30 ngày 16/5, trên chiếc taxi hãng G7 đang di chuyển tại khu đô thị Thanh Hà, tài xế Nguyễn Trần Minh, 45 tuổi, người đầy máu cố nhoài khỏi xe kêu thất thanh. Tên cướp Đặng Phạm Sáu, 51 tuổi, lăm lăm con dao đang cố kéo nạn nhân lại.
Theo video quay lại sự việc, Đại úy Lâm mặc áo thường phục nhưng quần và giày trang phục công an, đội mũ bảo hiểm đứng ở vỉa hè cách chiếc taxi 3 mét. Lúc nam tài xế ghì cổ tên cướp xuống đường ngay trước mặt, Lâm cầm điện thoại, không có hành động can ngăn hay trợ giúp. Chừng 2 phút sau, khi nhiều người dân xúm lại hỗ trợ nạn nhân, Đại úy công an tiến lại gần song chỉ đứng bấm điện thoại.
Đại úy Lâm bị kỷ luật cảnh cáo và điều chuyển về Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an huyện.
Đại úy Lâm đứng tại hiện trường khi tài xế taxi giằng co với tên cướp (Ảnh cắt từ video do người dân quay lại)
Năm 2019, một video clip ghi lại vụ tai nạn giao thông xảy ra vào rạng sáng ngày 25/6 tại giao lộ Tân Hương - Võ Công Tồn, P.Tân Quý, Q.Tân Phú (TP Hồ Chí Minh), cho thấy người gặp nạn nằm bất động trên vỉa hè nhưng hàng chục người đi qua, thậm chí dừng lại mà không ai giúp đỡ. Cô gái trẻ là nạn nhân vụ tai nạn đã tử vong sau đó. Dư luận đã rất bức xúc về sự vô cảm của những người có mặt, càng phẫn nộ hơn về sự lạnh lùng đáng sợ của anh tài xế đã bỏ mặc nạn nhân trong khi anh ta lại là người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn thương tâm này.
Hình ảnh cắt từ video ghi lại vụ tai nạn (Nguồn: thanhnien.vn)
Tình người sao lại có thể lạnh đến thế? Những biểu hiện về sự vô cảm trong xã hội ngày nay rất đáng phải suy nghĩ. Chúng ta chứng kiến không ít cảnh mọi người xúm lại mỗi khi xảy ra các vụ tai nạn giao thông trên đường. Hàng chục người vây quanh vụ tai nạn mà chỉ đứng chỉ trỏ, bàn tán, thậm chí là quay video lại mà không hề gọi xe cứu thương, cơ quan chức năng hay sơ cứu nạn nhân.
Phải chăng, từ vô can dẫn đến vô cảm mà người ta mặc kệ người gặp nạn, thậm chí sợ trách nhiệm, ngại bị liên lụy, bị vạ lây nên mọi người đã bỏ mặc sự cầu cứu giúp đỡ, bỏ qua sinh mạng của con người?
Tình và Lý song hành - Không cứu giúp người nguy hiểm đến tính mạng có thể phạt tù lên đến 7 năm
Không phải cứ có hành vi gây thiệt hại cho người khác hoặc gây nguy hiểm cho xã hội mới là hành vi phạm tội. Pháp luật Việt Nam có quy định rất cụ thể về trường hợp gặp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, người có điều kiện mà không cứu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng", cụ thể tại Điều 132 Bộ luật hình sự 2015 như sau:
"1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;
b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.
3. Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.".
Như vậy, nếu thỏa mãn các dấu hiệu trên, hành vi "thờ ơ, vô cảm" cũng chính là phạm tội, có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù đến 07 năm.
Đồng thời, cũng theo Điều 132, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.
Mặt khác, khi số vụ tai nạn giao thông xảy ra hàng ngày tương đối lớn thì việc giúp đỡ, hỗ trợ từ phía cộng đồng đối với sức khỏe và tính mạng của người bị nạn là rất quan trọng và cấp thiết. Do đó, theo quy định tại khoản 7 Điều 11 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, việc không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu (kể cả không nguy hiểm đến tính mạng) cũng có thể bị phạt hành chính. Cụ thể: cá nhân không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu bị phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng.
Dù mỗi người có một lý do riêng, có thể là rất hợp lý cho những thời điểm "không thể giúp người" kể trên, tuy nhiên, trên thế gian không có gì quý giá hơn sinh mạng con người, đúng với câu nói "cứu một mạng người phúc đẳng hà sa". Cứu giúp người gặp nạn không chỉ là tình người mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi công dân. Một xã hội văn minh không hẳn là cơ sở hạ tầng hiện đại, người dân giàu có mà điều quan trọng nhất là ở đó phải có những con người đạo đức và rất nhiều những tấm lòng nhân ái.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!