Phan Sào Nam tại một phiên tòa do TAND tỉnh Phú Thọ tổ chức năm 2018. Ảnh: Dân Trí
Đây là thông tin được ông Nguyễn Thắng Lợi, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) đưa ra trong buổi họp báo thường kỳ quý III/2021 của Bộ diễn ra chiều 22/10.
Ông Nguyễn Thắng Lợi cho biết, theo bản án có hiệu lực, Phan Sào Nam - một trong hai người cầm đầu đường dây đánh bạc nghìn tỷ Rikvip - phải thi hành án dân sự với số tiền 1.475 tỷ đồng. Đến tháng 9/2021, Phan Sào Nam đã nộp khắc phục 1.383 tỷ đồng, còn phải thi hành 11 tỷ đồng và 3,5 triệu USD.
"Ngày 10/9 vừa qua, lần đầu tiên Việt Nam thu tiền thi hành án từ nước ngoài. Khoản tiền thu được rất lớn là 2,6 triệu USD. Điều đặc biệt là đương sự Phan Sào Nam tự nguyện thi hành", Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thi hành án dân sự cho biết.
Theo ông Nguyễn Thắng Lợi, không ai ngay từ đầu tự nguyện thi hành án, việc thi hành án với Phan Sào Nam gặp nhiều khó khăn. "Bằng cái tâm, trách nhiệm của chấp hành viên, của cơ quan thi hành án và được sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan liên quan như công an, viện kiểm sát và cả sự ủng hộ từ báo chí nên Phan Sào Nam đã tự nguyện thi hành án", ông Lợi chỉ rõ.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thi hành án dân sự nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng, khó khăn rất lớn đến kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Mặc dù số vụ việc chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số vụ việc phải thi hành án nhưng số tiền lại chiếm rất lớn, tới 24,5% so với tổng số tiền phải thi hành. Có rất nhiều "đại án", điều kiện thi hành rất thấp.
Ông Lợi lấy ví dụ như vụ án liên quan đến Huỳnh Thị Huyền Như, tổng số tiền phải thi hành lên tới 15.000 tỷ đồng nhưng chỉ có tài sản không quá 500 tỷ đồng; 16 tài sản trong vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ có giá trị hơn 17.000 tỷ đồng nhưng các đương sự đang khởi kiện ra tòa để phân chia. Trong khi đó, một số tài sản kê biên, vốn góp, tài sản hình thành trong tương lai… ở các đại án hiện nay chưa có quy định, gây khó khăn trong thực hiện.
Ông Nguyễn Thắng Lợi trả lời tại cuộc họp báo. Ảnh: Dân Trí
Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thi hành án dân sự chỉ rõ: Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa phương cách ly phong tỏa, đặc biệt, nhiều địa phương số việc, tài sản lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai... do đó, nhiều việc đang trong quá trình xử lý phải dừng lại. Bên cạnh đó là các vướng mắc về thể chế, đặc biệt là cơ chế ủy thác, tài sản nằm nhiều địa phương khác nhau… khiến việc thi hành án kéo dài.
Ông Nguyễn Thắng Lợi cho biết, sắp tới sẽ rà soát đánh giá tổng thể quy định pháp luật, trong đó sửa đổi, bổ sung quy định tạo điều kiện cho cơ quan thi hành án trong xử lý tài sản; có giải pháp xử lý các vụ việc giá trị lớn, trong đó có tài sản tham nhũng; kiện toàn bộ máy, nâng cao hiệu quả phối hợp với các cơ quan, chính quyền địa phương…
Cũng tại buổi họp báo, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, tính đến hết ngày 30/9/2021, các cơ quan Thi hành án đã thi hành xong hơn 480.000 vụ việc với trên 34 nghìn tỷ. Các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong có quan nhà nước đã thi hành xong 455 bản án.
Các cơ quan thi hành án hành chính đã thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm chức năng theo dõi thi hành án hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính, đã tổ chức làm việc với người phải thi hành án trong 258 vụ việc; có văn bản kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với 67 vụ việc; đăng tải công khai và theo dõi đối với 322 quyết định buộc thi hành án hành chính của Tòa án.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!