Nhiều sản phẩm sâm Ngọc Linh được giới thiệu, chào bán trên thị trường hiện nay là hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Không chỉ được rao bán tràn lan trên các mạng xã hội với giá rẻ đến bất ngờ, liên tục trong vài năm trở lại đây, nhiều đơn vị, cửa hàng chuyên bán sâm và các sản phẩm gắn mác sâm Ngọc Linh mọc lên nhan nhản.
Để thuyết phục khách hàng, các cửa hàng này trưng bày hàng loạt hình ảnh vườn sâm được trồng bài bản từ các công ty được tỉnh Kon Tum cấp phép trồng sâm tại núi Ngọc Linh. Điều này đã gây bức xúc cho người trồng sâm.
Cuối năm 2022, dư luận trên địa bàn tỉnh Kon Tum xôn xao về thông tin một tập đoàn nghiên cứu y tế - dược liệu tuyên bố "sở hữu hơn 7.000 ha vùng trồng sâm tại đỉnh núi Ngọc Linh" và "đã có hơn 600 ha sâm Ngọc Linh trồng hoàn toàn tự nhiên" chỉ sau vài tháng thành lập.
Tinh vi hơn, để hợp thức hoá những sản phẩm gắn mác sâm Ngọc Linh, một số đơn vị còn đề nghị Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Kon Tum cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ với số lượng cực lớn.
Nhiều sản phẩm chế biến sâu gắn mác sâm Ngọc Linh như mặt nạ, kem dưỡng da, kem chống nắng, rượu sâm Ngọc Linh... nhưng lại không truy xuất được nguồn gốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!