Những quảng cáo bán sâm Ngọc Linh tràn lan trên mạng xã hội, với đủ mọi nguồn gốc xuất xứ. Ngoài các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh, sâm củ không rõ nguồn gốc cũng đang được rao bán rất nhiều trên thị trường.
Không chỉ tại Kon Tum và Quảng Nam mà ngay tại các trung tâm đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng được rao bản tràn lan.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia nghiên cứu về sâm Ngọc Linh thì hiện tại sâm Ngọc Linh thật chỉ được trồng tại huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) và Nam Trà My (Quảng Nam).
Sâm Ngọc Linh rất khó trồng và thời gian để sâm đạt chất lượng có hoạt tính lại rất lâu. Chính vì lợi nhuận cao nên các đối tượng cũng thường trộn lẫn các loại sâm khác để đánh lừa người tiêu dùng.
Huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum là địa bàn nóng về tình trạng mua bán sâm Ngọc Linh giả. Nhiều số lượng giả mạo sâm Ngọc Linh đã bị tiêu hủy. Các đối tượng thường thu gom các loại củ như tam thất, điền trúc, rất giống sâm Ngọc Linh Kon Tum từ các tỉnh ngoài miền Bắc, mang vào Kon Tum để bán cho người tiêu dùng, khiến cho việc kiểm soát và ngăn chặn gặp không ít khó khăn.
Không phải ai cũng biết được chính xác sâm Ngọc Linh được trồng ở địa phương nào, nguồn gốc xuất xứ ra sao, đâu mới là sản phẩm chất lượng? Mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường đã tổ chức mở cửa đón khách tới với Phòng Trưng bày với chủ đề "Nhận diện đúng sâm Ngọc Linh trên thị trường".
Sự kiện diễn ra trong vòng một tuần, bắt đầu từ ngày 12/4/2023 đến hết ngày 18/4.
Nhận diện đúng sâm Ngọc Linh
Thị trường sâm đang đối diện với không ít áp lực từ nạn sâm giả hay việc trà trộn các giống sâm ngoại lai từ nơi khác vào gắn mác thương hiệu sâm Ngọc Linh. Nhiều người bỏ tiền ra với mong muốn mua được đúng sâm tốt để dùng nhưng lại mua phải hàng giả, hàng nhái. Chưa kể nhiều khi tiền mất tật mang đã khiến những người như chị Võ Quỳnh Mai (Đống Đa, Hà Nội) rất quan tâm đến những buổi trưng bày như thế này.
Đây là lần đầu tiên sâm Ngọc Linh được Tổng cục Quản lý thị trường giới thiệu tại Hà Nội, nhằm giúp người tiêu dùng, khách tham quan nhận diện, phân biệt sâm Ngọc Linh với một số loại sâm khác. Ngay tại "thủ phủ" trồng sâm Ngọc Linh, lực lượng chức năng vẫn thường xuyên kiểm tra, phát hiện nhiều vụ việc vi phạm sâm Ngọc Linh giả mạo xuất xứ.
Hiện, riêng trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum có khoảng 1.710ha sâm Ngọc Linh, trong đó có gần 1.700ha là của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình và gần 70ha là của người dân, tổng sản lượng ước khoảng 213,6 tấn sâm.
Thời gian tới lực lược QLTT sẽ thường xuyên theo dõi, nắm tình hình trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook... để xác định các tài khoản thường xuyên có các hoạt động giao dịch, buôn bán các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm có thể xẩy ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!