Một số cơ quan Trung ương, tập đoàn lớn thường xuyên bị tin tặc tấn công mạng

Tạ Hiển-Thứ tư, ngày 10/08/2022 11:57 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn

VTV.vn - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đánh giá, nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin ở Việt Nam vẫn ở mức rất cao, đặc biệt là đối với các cơ quan Trung ương, tập đoàn lớn.

"Chạy đua vũ trang" về an ninh mạng

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tại phiên họp thứ 14 của UBTVQH, đại biểu Cầm Thị Mẫn (tỉnh Thanh Hóa) cho biết, hiện nay với số lượng hơn 68,72 triệu người tương đương với 70,3% tổng dân số Việt Nam sử dụng Internet đặt ra vấn đề bảo mật thông tin cá nhân trên không gian mạng là rất lớn. Trong khi người sử dụng chưa đủ khả năng để bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình trong thực hiện các hoạt động giao dịch, mua bán.

"Giải pháp căn cơ gì để khắc phục tình trạng kẻ xấu lợi dụng sơ hở của người sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự, an toàn trên không gian mạng?" - ĐBQH tỉnh Thanh Hóa nêu câu hỏi.

Một số cơ quan Trung ương, tập đoàn lớn thường xuyên bị tin tặc tấn công mạng - Ảnh 1.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn (tỉnh Thanh Hóa) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

Về vấn đề này, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, hành lang pháp lý, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực an ninh mạng chưa hoàn thiện. Sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, các địa phương, tổ chức chính trị xã hội chưa đi vào thực chất, có tình trạng khoán trắng nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho các cơ quan chuyên trách. Công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm về an ninh mạng hiện nay còn chưa kịp thời.

Phần lớn nền tảng mạng xã hội, OTT không có doanh nghiệp đại diện tại Việt Nam để triển khai các biện pháp quản lý. Còn nhiều sơ hở trong quản lý các loại hình dịch vụ có thể nảy sinh tội phạm như quản lý sim rác, kinh doanh ngoại hối…

Bộ Công an cũng tập trung tham mưu hoàn thiện hành lang pháp lý trên lĩnh vực an ninh mạng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn quản lý nhà nước về an ninh mạng. Nâng cao trình độ, năng lực và sự quan tâm đầu tư, trang bị công cụ, phương tiện, nghiệp vụ hiện đại để theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ trên thế giới cho lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

"Công an các địa phương vừa qua đã thành lập Phòng an ninh mạng và công nghệ nhưng nguồn nhân lực rất thiếu, phương tiện máy móc khó khăn do đầu tư rất nhiều tiền. Chúng tôi coi như đây là cuộc chạy đua vũ trang. Các nước, các tổ chức tội phạm đầu tư rất lớn nên chúng ta có một khoảng cách nhất định về phương tiện, điều kiện phục vụ an ninh mạng" - Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

Nguy cơ tin tặc tấn công, chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước

Về câu hỏi chất vấn về bảo đảm an ninh mạng, Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá, nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin ở Việt Nam vẫn ở mức rất cao. Đặc biệt là tại một số trung tâm, cơ quan Trung ương, cơ quan đầu mối về chính sách, những tập đoàn tài chính kinh tế lớn, các nhóm tin tặc thường xuyên sử dụng các dòng mã độc, nguy hiểm để tấn công, xâm nhập, chiếm đoạt thông tin, tài liệu bí mật nhà nước. Hoạt động trao đổi, mua bán trái phép những thông tin, dữ liệu cá nhân trên cũng diễn ra một cái công khai. Trên một số diễn đàn, các đối tượng thường xuyên trao đổi, chia sẻ về phương thức tấn công, những công cụ tấn công để đánh cắp thông tin, dữ liệu của các cơ quan, tổ chức.

Bộ trưởng Bộ Công an cũng nhận thấy, mức độ xử lý các các vụ việc vẫn còn rất thấp so với diễn biến tình hình thực tế. Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên chủ yếu là do an ninh mạng là một thách thức mang tính toàn cầu; công tác đảm bảo an ninh hệ thống mạng tại một số cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm triển khai đúng mức. Việc đầu tư cho hạng mục này cũng hết sức hạn chế, ý thức bảo đảm an ninh mạng của các cơ quan, đơn vị, đoàn thể chưa cao. Thực tế có một số cơ quan không quan tâm đến vấn đề an ninh mạng. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách trên một số lĩnh vực liên quan đến an ninh mạng chưa hoàn thiện.

Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ khẩn trương tham mưu hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến bảo đảm an ninh mạng. Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương khắc phục những sơ hở, thiếu sót, những cái lỗ hổng bảo mật, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định để bảo đảm an ninh mạng.

Đồng thời củng cố lực lượng chuyên trách, thường trực giám sát đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Chủ động phát hiện, ngăn chặn các sự cố, nguy cơ gây mất an ninh, an toàn và tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đến an ninh mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Vì sao ban hành Nghị định "không đầu" về bảo vệ dữ liệu cá nhân?

Đại biểu Đồng Ngọc Ba (tỉnh Bình Định) đặt câu hỏi về Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo đó, bảo vệ dữ liệu cá nhân liên quan trực tiếp đến quyền thông tin bảo vệ bí mật cá nhân mà đã được Hiến pháp quy định. Đến nay, chúng ta đã thực hiện, thi hành quy định Hiến pháp gần 10 năm và một số các quy định liên quan đến bảo vệ bí mật cá nhân được rải rác trong các đạo luật.

Một số cơ quan Trung ương, tập đoàn lớn thường xuyên bị tin tặc tấn công mạng - Ảnh 2.

Đại biểu Đồng Ngọc Ba (tỉnh Bình Định) đặt câu hỏi chất vấn.

Đại biểu nêu rõ: "Trong điều kiện hiện nay, tại sao chúng ta chưa xem xét, trình ngay Luật Bảo vệ bí mật cá nhân, thay vào đó chỉ ban hành Nghị định "không đầu" - quy định thẩm quyền của Quốc hội còn Chính phủ chỉ được ban hành sau khi có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội".

Đại biểu đặt vấn đề theo dự kiến năm 2024 mới trình Luật Bảo vệ bí mật cá nhân, vậy việc ban hành Nghị định "không đầu" có đáp ứng nhu cầu thực tiễn hay không?

Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, bảo vệ dữ liệu cá nhân là vấn đề rất mới và rất lớn: "Luật phải có quá trình, cơ sở thực tiễn để trong quá trình thực hiện. Bây giờ thực hiện ngay rất khó. Nghị định này nói là nghị định ‘không đầu’ nhưng cũng trên cơ sở pháp lý của Luật An ninh mạng cũng đã cho phép chúng ta làm những vấn đề này. Vừa qua chúng tôi đã triển khai rất tích cực và sắp tới đây chúng ta sẽ có nghị định để thực hiện bước đầu".

Bộ trưởng Bộ Công an cho biết cần đánh giá việc thực hiện nghị định trong 2 năm. Trên cơ sở đó có đầy đủ thời gian và đủ các yếu tố thực tiễn cũng như yếu tố pháp lý để tổng kết, đề xuất ban hành luật này thì sẽ hợp lý hơn.

Gia tăng tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng Gia tăng tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng

VTV.vn - Tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng tại TP Hồ Chí Minh đã gia tăng trong 6 tháng đầu năm nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước