Nhức nhối biến tướng tín dụng đen

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 26/08/2023 08:35 GMT+7

VTV.vn - Dù lãi suất cao, nhưng tín dụng đen vẫn diễn biến ngày càng tinh vi, len lỏi vào cuộc sống dưới nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau, đẩy nhiều người vào vòng xoáy nợ nần.

Tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động tín dụng đen

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện số 766 về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động tín dụng đen, gửi Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan.

Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng tại các Chỉ thị số 12, số 16 và Công văn số 1201 của Văn phòng Chính phủ.

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an tăng cường quản lý trong các lĩnh vực thuộc chuyên ngành; tập trung nghiên cứu, khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng, đặc biệt là các sản phẩm cho vay.

Các cơ quan chủ động phối hợp chặt chẽ với nhau để tăng cường thanh, kiểm tra các tổ chức, doanh nghiệp liên quan, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm vi phạm, chủ động ứng dụng và bảo vệ dữ liệu dân cư; bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ về hậu quả của tín dụng đen để tránh xa.

Các địa phương cũng cần có giải pháp tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người dân, đặc biệt là đối tượng công nhân, người lao động. Các vấn đề liên quan đến hoạt động tín dụng đen phải được định kỳ hàng tháng báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.

Tín dụng đen diễn biến ngày càng tinh vi

Thống kê 6 tháng đầu năm, lực lượng công an đã phát hiện, xử lý trên 700 vụ, 1.200 đối tượng liên quan đến hoạt động tín dụng đen, khởi tố trên 400 vụ và 800 bị can.

300%/năm là mức lãi suất tín dụng đen trong vụ việc ngày 24/8 Công an huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai khởi tố về hành vi cho vay nặng lãi.

Nhức nhối biến tướng tín dụng đen - Ảnh 1.

Từ thông tin số điện thoại quảng cáo về cho vay nặng lãi trên tờ rơi, Công an quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh đã bắt giữ được một nhóm đối tượng cho vay với lãi suất tới gần 600%/năm.

Cách đây 2 ngày, Công an tỉnh Hòa Bình cũng khởi tố, tạm giam bị can liên quan tới vụ cho vay nặng lãi với lãi suất gấp từ 9 - 18 lần lãi vay ngân hàng. Tổng số tiền cho vay 35 tỷ đồng và thu lợi bất chính 15 tỷ đồng.

Thực tế cho thấy, với những mức lãi suất như vậy, nhưng tín dụng đen vẫn đang diễn biến ngày càng tinh vi, len lỏi vào cuộc sống dưới nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau, đẩy không ít người dân, người lao động vào vòng xoáy nợ nần và chuỗi ngày lo lắng, bất an, thậm chí bị khủng bố tinh thần.

Vay tiền qua 1 ứng dụng trên mạng với lãi suất 10/% một ngày, tương đường 300% mỗi năm. Khi người vay chậm góp tiền, mất khả năng chi trả, băng nhóm tín dụng đen tổ chức gọi điện đe dọa cả người vay và người thân của người vay để khủng bố, thậm chí là tạt chất bẩn vào nhà.

"Đầu tiên vay 1,5 triệu, chỉ sau một thời gian thành mười mấy triệu", người vay tiền cho biết.

Giấy vay tiền viết tay không ghi tiền lãi. Vay tiền nhưng ghi là giấy bán xe. Biên lai chuyển khoản không ghi nội dung để khi bị bắt đối tượng sẽ nói cho vay bình thường.

Không chỉ cho vay lãi nặng, nhiều đối tượng cho vay còn các hành vi vi phạm pháp luật như: cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản...

Mới đây, từ thông tin số điện thoại quảng cáo về cho vay nặng lãi trên tờ rơi, Công an quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh đã bắt giữ được một nhóm đối tượng cho vay với lãi suất tới gần 600%/năm, khiến nhiều nạn nhân lâm vào cảnh vỡ nợ.

Trong quá trình điều tra, cơ quan công an còn phát hiện nhiều vụ việc do nhóm đối tượng người Trung Quốc chủ mưu cấu kết với các đối tượng người Việt Nam sử dụng nhiều pháp nhân thương mại "ma" để tổ chức hoạt động cho vay lãi nặng với lãi suất hàng nghìn %/năm.

Theo cơ quan công an, tội phạm liên quan tới tín dụng đen hiện có 3 phương thức phổ biến:

- Thứ nhất là tội phạm tín dụng đen truyền thống, dù đã được kiềm chế nhưng vẫn núp bóng cơ sở kinh doanh, hoặc lưu động;

- Thứ hai là truyền thống kết hợp với công nghệ. Đó là các thủ đoạn thành lập cơ sở cầm đồ hoặc biến tướng, sử dụng mạng xã hội, website, ứng dụng quản lý cầm đồ hoặc ứng dụng cho vay để tiếp cận người vay. Đặc biệt, gần đây còn có tình trạng thành lập doanh nghiệp để mua lại nợ xấu, rồi gọi điện, nhắn tin để đe dọa, cưỡng đoạt tài sản;

- Thứ ba là các loại tội phạm tín dụng đen sử dụng công nghệ mới hoàn toàn.

"Nổi lên thủ đoạn sử dụng công nghệ cao, mạng xã hội hoặc tạo lập các app giả, nhái của ngân hàng, tổ chức tín dụng để dụ dỗ, mời chào vay. Yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân sau đó nhắn tin đe dọa, đòi nợ. Đã xuất hiện một số trường hợp đối tượng nước ngoài đến Việt Nam thành lập doanh nghiệp, thuê nhân viên, lập các app, website để quảng cáo cho vay; móc nối với các công ty trung gian thanh toán, ví điện tử, dịch vụ thu hộ, chi hộ để giải ngân các khoản vay", Thượng tá Lê Vinh Tùng, Phó Trưởng phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, thông tin.

TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh ngăn ngừa tín dụng đen

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hàng Công điện về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động tín dụng đen, ngành công an xác định trong thời gian tới sẽ tập trung vào các giải pháp như: tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo công an địa phương thực hiện kế hoạch phòng chống tội phạm về tín dụng đen; triển khai điều tra, nắm tình hình, khoanh vùng các khu vực, nhất là khu vực có đông người lao động để thu thập tài liệu, đấu tranh triệt phá các đối tượng.

Trong đó, một điểm nóng của tín dụng đen là khu vực phía Nam, nơi tập trung nhiều khu vực công nghiệp, với đông đảo người lao động và công nhân. Mới đây nhất, thống kê của Phòng tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho thấy, từ đầu năm đến nay, cơ quan công an đã phát hiện xử lý 133 vụ và triệt xóa 27 ứng dụng cho vay tín dụng đen. Đặc biệt, thành phố cũng tăng cường các giải pháp tài chính, hỗ trợ tín dụng… để người lao động dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn sạch.

Những tờ quảng cáo cho vay trả góp xuất hiện dày đặc trên các cột điện, tường nhà dân..., đặc biệt là khu vùng ven, khu đông công nhân. Cũng từ những tờ quảng cáo như thế này, lực lượng Công an TP Hồ Chí Minh đã thu thập được hàng trăm số điện thoại liên quan đến hoạt động cho vay và nắm thông tin của hơn 50 đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động cho vay tín dụng đen.

Nhức nhối biến tướng tín dụng đen - Ảnh 3.

Những tờ quảng cáo cho vay trả góp xuất hiện dày đặc trên các cột điện, tường nhà dân...

Từ thông tin thu thập, lực lượng công an thành phố đã truy quét nhiều ổ nhóm núp bóng dịch vụ cầm đồ, tư vấn tài chính để hoạt động cho vay lãi nặng; xử phạt hành chính nhiều trường hợp dán, vẽ quảng cáo sai quy định.

"Công an quận Tân Bình đã bắt nhiều nhóm đối tượng thực hiện thuê mướn, cho vay. Thuê mướn dán giấy cho vay. Việc tiếp tay cho các đối tượng dán giấy đều là hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời cũng tiếp tay cho các đối tượng thực hiện cho vay nặng lãi và sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", Trung tá Nguyễn Tiền Giang, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, cho biết.

Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh cho biết đã xây dựng chương trình cho vay khẩn cấp, hỗ trợ khách hàng khoản vay nhỏ ngắn hạn với lãi suất 0,5%/tháng. Chương trình cũng lan ra 9 tỉnh, thành phía Nam khi phát triển thành gói tín dụng hơn 50.000 tỷ đồng, dự kiến giải ngân trong 5 năm, hỗ trợ cho khoảng 1,4 triệu lượt công nhân, hộ gia đình.

"Trong năm nay chúng tôi tăng thêm 1.000 tỷ đồng để hỗ trợ vốn, mở rộng phạm vi phục vụ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất cho công nhân để họ ổn định đời sống. Trao vốn tận tay, tận ngõ, tận nơi làm việc để công nhân, lao động dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn, các dịch vụ tài chính, qua đó cũng góp phần đẩy lùi tín dụng đen", ông Hoàng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổ chức Tài chính vi mô CEP, cho hay.

Lực lượng Công an TP Hồ Chí Minh đã đến từng khu phố, gặp mặt từng hộ dân để tuyên truyền, vận động người dân cảnh giác, tiến hành bóc gỡ, xóa quảng cáo trái phép, tăng cường triệt phá các ổ nhóm tội phạm liên quan đến cho vay nặng lãi.

Gần 320.000 công nhân lao động đã tiếp cận được gói vay ưu đãi, nhiều giải pháp của TP Hồ Chí Minh đang dần phát huy hiệu quả.

Ngành ngân hàng cũng đã phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai gói tài chính tiêu dùng lên tới 20.000 tỷ đồn. Ttính tới tháng 6 năm nay, khoảng 6.170 tỷ đồng đã được giải ngân.

Đối với các đối tượng chính sách, người nghèo, người không có tài sản bảo đảm, người lao động có thu nhập thấp, hiện Ngân hàng Chính sách Xã hội đã và đang triển khai 26 chương trình tín dụng chính sách.

Với Công điện 766 của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành, sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương và nhận thức, sự chủ động của chính những người lao động sẽ là cơ sở để xã hội và cả nền kinh tế cùng tuyên chiến, ngăn chặn vấn nạn tín dụng đen trong thời gian tới.

TP Hồ Chí Minh bóc gỡ quảng cáo, “chặt đứt” đầu mối tín dụng đen TP Hồ Chí Minh bóc gỡ quảng cáo, “chặt đứt” đầu mối tín dụng đen

VTV.vn - Qua gần 1 tháng ra quân tẩy, xóa "quảng cáo bẩn", tín dụng đen, Công an TP Hồ Chí Minh đã phát hiện hàng trăm số điện thoại liên quan hoạt động cho vay tài chính.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước