Thông tin ban đầu, qua kiểm tra đột xuất, các đơn vị nghiệp vụ của Tổng cục QLTT và Đội số 17, lực lượng quản lý thị trường TP Hà Nội đã phát hiện và thu giữ 80 đầu sách và hơn 16.000 cuốn sách giáo dục có dấu hiệu bị làm giả tại số 87 phố Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Chủ số sách này là công ty Công ty TNHH SX&TM Phú Hưng Phát. Lực lượng Quản lý thị trường cho biết số sách này đang được đóng gói, đưa ra thị trường tiêu thụ có mã vạch, tem chống hàng giả được làm rất tinh vi.
Theo ghi nhận, sách được các đối tượng dán tem chống giả của Nhà xuất bản Giáo dục. Bằng mắt thường, người tiêu dùng khó có thể phân biệt được. Chỉ khi lực lượng chức năng có thiết bị kỹ thuật soi chiếu mới biết là sách giả.
Hiện nay là thời điểm năm học mới sắp bắt đầu, do đó việc cung ứng sách giáo khoa đang bước vào giai đoạn cao điểm. Đồng thời, hoạt động sản xuất, kinh doanh sách giả, sách lậu, sách kém chất lượng cũng trở nên sôi động theo. Tuy nhiên, sách nhái, sách lậu hay sách không qua kiểm định, kiểm tra thường xảy có sai sót hoặc sai lệch hẳn về nội dung sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng nhận thức của lứa tuổi học sinh.
Số sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có dấu hiệu bị làm giả (Ảnh: Báo Nhân dân)
Không chỉ vi phạm về bản quyền và luật xuất bản, hàng nghìn cuốn sách giả bán ra thị trường còn gây thất thu cho ngân sách Nhà nước. Nhiều chuyên gia cho rằng cần tăng nặng hình phạt đối với việc vi phạm này. Nghị định 159 của Chính phủ quy định, việc buôn bán sách lậu sẽ bị phạt hành chính 30 triệu đồng, vì thế các đối tượng sẵn sàng nộp phạt và tiếp tục làm giả sách.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Quang, nguyên Phó Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho rằng: "Khung hình phạt vô hình chung tiếp tay cho đối tượng in. Chúng tôi đề nghị phải sửa đổi nghị định, nâng hình phạt lên đủ sức răn đe, chuyển sang tội sản xuất và buôn bán hàng giả".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!