Trương Mỹ Lan và những “con rối” đã lũng đoạn SCB như thế nào?

Theo Báo CAND-Chủ nhật, ngày 19/11/2023 07:41 GMT+7

Bị can Trương Mỹ Lan và Trương Huệ Vân.

VTV.vn - Đối tượng Trương Mỹ Lan đã biến ngân hàng SCB trở thành công cụ tài chính để Lan tổ chức huy động tiền gửi phục vụ cho những mục đích cá nhân và Vạn Thịnh Phát.

Dùng mọi thủ đoạn thâu tóm ngân hàng

Ngân hàng SCB vốn điều lệ ban đầu thành lập là 10.583.801.040.000 đồng, đến nay, có vốn điều lệ là: 15.231.688.100.000 đồng. Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, mặc dù không trực tiếp giữ chức vụ tại Ban quản trị, Ban điều hành Ngân hàng SCB, nhưng với việc nắm giữ số lượng rất lớn, chiếm gần tuyệt đối Cổ phần Ngân hàng SCB (trên 90% số Cổ phần Ngân hàng SCB) đã bố trí người thân tín của mình giữ các chức vụ chủ chốt.

Trương Mỹ Lan đã nắm quyền điều hành, chi phối, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của Ngân hàng này, biến Ngân hàng SCB trở thành công cụ tài chính để Lan tổ chức huy động tiền gửi, chỉ đạo các đối tượng là lãnh đạo chủ chốt tại Ngân hàng SCB và tại hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát do Lan đã dùng thủ đoạn lập hàng nghìn bộ hồ sơ "khống" đứng tên vay vốn Ngân hàng SCB để Trương Mỹ Lan sử dụng trái mục đích, chiếm đoạt tiền sử dụng cá nhân; đối phó, che giấu hành vi phạm tội của mình và đồng bọn. Hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan và đồng phạm là nguyên nhân căn bản, cốt yếu dẫn đến Ngân hàng SCB đã hoàn toàn mất thanh khoản, dư nợ tín dụng rất lớn không có khả năng thu hồi, vốn chủ sở hữu âm 443.769 tỷ đồng.

Ngoài hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan và đồng phạm trong việc thao túng, chi phối hoạt động để chiếm đoạt tiền của Ngân hàng SCB; hành vi mua chuộc, đối phó, che giấu các cơ quan quản lý nhà nước; hành vi nhận hối lộ, làm trái công vụ của các cán bộ cơ quan quản lý nhà nước tiếp tay cho Trương Mỹ Lan và đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội.

Trong quá trình điều tra vụ án còn xác định Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Capella Holding có hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản trong việc hợp tác kinh doanh với Trương Mỹ Lan.

Do vậy, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã Quyết định khởi tố vụ án hình sự về các tội "Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", ra Quyết định khởi tố bị can đối với Trương Mỹ Lan về 3 tội "Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, Đưa hối lộ" và các Quyết định khởi tố đối với 87 bị can khác về các tội "Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Nhận hối lộ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" để tiến hành điều tra quy định của pháp luật.

Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát được xây dựng và hoạt động theo mô hình Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giữ vai trò trung tâm, nắm giữ cổ phần, kiểm soát toàn bộ hoạt động của các Công ty trong hệ sinh thái và thường không tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh. Quá trình hoạt động, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã xây dựng hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát với hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, được chia thành nhiều tầng lớp, với hàng trăm cá nhân được thuê đứng tên đại diện pháp luật hoặc là người có quan hệ họ hàng, cán bộ, công nhân viên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, được chia làm 4 nhóm chính có quan hệ chặt chẽ với nhau.

Qua điều tra xác định, thực trạng tài chính Ngân hàng SCB tại thời điểm ngày 30/6/2017 rất xấu. Bản chất tại thời điểm này Ngân hàng SCB đã âm vốn chủ sở hữu nhưng do Trương Mỹ Lan chỉ đạo các đối tượng tại Ngân hàng SCB bưng bít, báo cáo không trung thực và dùng thủ đoạn mua chuộc các cán bộ thanh tra, để họ che giấu, báo cáo không trung thực về thực trạng của Ngân hàng SCB. Cụ thể, không thực hiện phân loại nợ xấu đối với các khoản nợ đã được tái cơ cấu nhiều lần, không trích lập dự phòng rủi ro 25.025 tỷ đồng và bỏ qua 35.526 tỷ đồng không tính vào hệ số CAR. Nếu tính đúng, đủ thì vốn chủ sở hữu âm 22.289 tỷ đồng), lợi nhuận âm 35.038 tỷ đồng, số lỗ lũy kế/vốn điều lệ và các quỹ dự trữ âm 238%, hệ số CAR âm (-4,24%).

Với thực trạng tài chính của Ngân hàng SCB như kết quả thanh tra, điều tra như nêu trên, nhưng Ban lãnh đạo Ngân hàng SCB đã cố tình lập báo cáo tài chính và các báo cáo khác lên Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước với các số liệu không trung thực, che giấu tình trạng yếu kém không đúng với các tiêu chuẩn Ngân hàng Nhà nước quy định để đối phó với các cơ quan chức năng. Đặc biệt là để tiếp tục được huy động tiền gửi và hoạt động cho vay, từ đó thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật hình sự (Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng).

Với chủ trương lợi dụng hoạt động của ngân hàng trong việc huy động nguồn vốn đáp ứng nhu cầu kinh doanh của Tập đoàn và các Công ty kể trên, Trương Mỹ Lan đã thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân bằng việc mua, sở hữu phần lớn số lượng cổ phần của các ngân hàng này để thao túng hoạt động của các ngân hàng này phục vụ cho mục đích cá nhân.

Trong đó, từ tháng 12/2011, bằng hình thức nhờ người đứng tên sở hữu cổ phần, Trương Mỹ Lan đã nắm giữ 81,43% cổ phần của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ) dưới tên của 32 cổ đông; 98,74% cổ phần của Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa dưới tên của 36 cổ đông và 80,46% cổ phần của Ngân hàng TMCP Đệ Nhất dưới tên của 24 cổ đông. Sau khi 3 ngân hàng này được hợp nhất vào ngày1/1/2012 với tên gọi là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (Ngân hàng SCB), Trương Mỹ Lan tiếp tục nhờ 73 cổ đông đứng tên sở hữu 85,606% cổ phần của Ngân hàng SCB; đồng thời, tiếp tục mua và sử dụng cá nhân đứng tên Cổ phần Ngân hàng SCB để tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại ngân hàng này lên 91,545% vào ngày 1/1/2018.

Tính đến tháng 10/2022, Ngân hàng SCB có vốn điều lệ 15.231.688.100.000 đồng (tương ứng 1.523.168.810 cổ phần) với tổng số 4.129 cổ đông, được NHNN công nhận; trong đó, Trương Mỹ Lan đã sở hữu, chi phối 1.394.253.393 cổ phần Ngân hàng SCB, chiếm 91,536% vốn điều lệ, do 27 pháp nhân, cá nhân đứng tên giúp; trong đó Trương Mỹ Lan trực tiếp đứng tên sở hữu 75.888.800 cổ phần, chiếm 4,982% vốn điều lệ.

Tài liệu điều tra xác định: Các cá nhân và đại diện các tổ chức này (trừ các pháp nhân nước ngoài đã liên hệ nhưng không đến làm việc) đều khai đứng tên Cổ phần cho Trương Mỹ Lan.

Với việc sở hữu/nắm quyền chi phối số cổ phần Ngân hàng SCB nêu trên, Trương Mỹ Lan đã đưa người của mình hoặc sử dụng các cá nhân Lan tin tưởng, thân tín, đều là những người có trình độ, hoạt động lâu năm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nghe theo chỉ đạo của Lan vào các vị trí chủ chốt tại Ngân hàng SCB, trả mức lương cao cho họ từ 200-500 triệu/tháng, như: Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Giám đốc các Chi nhánh lớn, Trưởng Ban kiểm soát để sử dụng những người này điều hành toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB. Thực tế, các lãnh đạo chủ chốt của Ngân hàng SCB đều do Trương Mỹ Lan tuyển chọn và giao nhiệm vụ cho các đối tượng nắm chức vụ, vai trò chủ chốt.

Kết quả điều tra vụ án đã có đủ căn cứ kết luận Trương Mỹ Lan mặc dù không nắm giữ chức vụ nào tại Ngân hàng SCB, nhưng Lan là người có quyền hạn tại Ngân hàng SCB vì từ khi sáp nhập (năm 2012) đến nay, Trương Mỹ Lan luôn nắm giữ Cổ phần chi phối tại Ngân hàng SCB (từ 85% đến 91,5% tổng số Cổ phần Ngân hàng SCB do chính Trương Mỹ Lan, các cá nhân thân tín và pháp nhân của Lan sở hữu đứng tên sở hữu), số Cổ phần còn lại (<10%) do khoảng hơn 4.000 cổ đông nhỏ lẻ nắm giữ. Với việc nắm giữa số Cổ phần chi phối hoạt động, bố trí người thân tín giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt tại Ngân hàng SCB (Hội đồng quản tri, Ban điều hành) nên mọi hoạt động của Ngân hàng này đều cơ bản phục vụ hoạt động của Trương Mỹ Lan.

Theo đó, Ngân hàng SCB được phép "nhận tiền gửi" của các cá nhân, tổ chức, quản lý tiền huy động để hoạt động kinh doanh "cấp tín dụng" cho khách hàng vay vốn phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Trương Mỹ Lan đã sử dụng Ngân hàng SCB để huy động vốn, nhưng thay vì điều hành hoạt động đúng quy định của pháp luật, Trương Mỹ Lan đã sử dụng quyền hạn của mình để chỉ đạo các đồng phạm hợp thức hồ sơ để rút tiền phục vụ cho mục đích cá nhân của mình.

Mặc dù không giữ chức vụ trong Ngân hàng SCB nhưng bằng các thủ đoạn nêu trên, Trương Mỹ Lan đã sử dụng Ngân hàng SCB để huy động vốn, sau đó chỉ đạo các đối tượng tại Ngân hàng SCB và Vạn Thịnh Phát lập hồ sơ hợp thức hóa như một khoản vay để chiếm đoạt tiền của Ngân hàng SCB.

Kể từ khi Ngân hàng SCB sáp nhập ngày 1/1/2012 đến ngày 7/10/2022, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lập một số lượng lớn các hồ sơ vay vốn khống để rút ra số tiền đặc biệt lớn sử dụng vào các mục đích của Lan. Trong đó, kết quả điều tra xác định, trong thời gian từ ngày 1/1/2018 đến ngày 07/10/2022, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn rút tiền chiếm đoạt của Ngân hàng SCB, đến nay các khoản vay này còn nợ 545.039.379.476.224 đồng (= Dư nợ gốc 415.666.604.370.480 đồng + dư nợ lãi 129.372.775.105.744 đồng). Toàn bộ số tiền chiếm đoạt này đều phục vụ cho mục đích cá nhân của Trương Mỹ Lan.

Hành vi của Trương Mỹ Lan đã phạm vào tội "Tham ô tài sản", quy định tại Điều 353 Bộ luật hình sự năm 2015. Cơ quan điều tra xác định trách nhiệm của Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã chiếm đoạt số tiền 304.096.278.409.456 đồng. Ngoài ra, hành vi Tham ô tài sản của Lan còn gây thiệt hại số tiền 129.372.775.105.744 đồng là số tiền lãi phát sinh từ số tiền gốc chiếm đoạt nêu trên.

Vạch trần những thủ đoạn tinh vi của tổ chức tội phạm

Giúp sức cho Trương Mỹ Lan "Tham ô tài sản" còn có các đối tượng tại Ngân hàng SCB gồm: Đinh Văn Thành, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB; Bùi Anh Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB; Võ Tấn Hoàng Văn, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB; Trương Khánh Hoàng, nguyên Quyền Tổng giám đốc Ngân hàng SCB; Trần Thị Mỹ Dung, nguyên Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB; Tạ Chiêu Trung, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB, là những người có chức vụ, quyền hạn tại Ngân hàng SCB.

Đây là những người quản lý, có quyền định đoạt tài sản của Ngân hàng SCB trong việc xét duyệt, cấp tín dụng cho khách hàng vay vốn quy định của Luật các tổ chức tín dụng và các quy định của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong hoạt động cho vay và bảo đảm tiền vay. Với chức vụ, quyền hạn này, các đối tượng trên phải nhận thức được việc cho tạo lập, phê duyệt, rút các khoản tiền của Ngân hàng SCB theo phương thức nêu trên không phải là hoạt động cho vay quy định của pháp luật mà đó chỉ là các hồ sơ, chứng từ khống, nhằm hợp thức việc rút các khoản tiền này ra khỏi Ngân hàng SCB để phục vụ cho mục đích cá nhân của Trương Mỹ Lan.

Cơ quan CSĐT đánh giá, tuy không phải là người trực tiếp sử dụng số tiền đã rút, nhưng hành vi của những người này là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả thiệt hại cho SCB, nên phải chịu trách nhiệm đối với hậu quả này. Hành vi phạm tội và hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội của những người có chức vụ, quyền hạn, được giao quản lý, có quyền định đoạt tài sản tại Ngân hàng SCB nêu trên đã có đủ các yếu tố cấu thành tội "Tham ô tài sản" được quy định tại Điều 353 Bộ luật hình sự năm 2015.

Trương Mỹ Lan và những “con rối” đã lũng đoạn SCB như thế nào? - Ảnh 1.

Một số bị can trong Ngân hàng SCB bị truy nã.

Ngoài các đối tượng chủ chốt tại SCB, giúp sức cho Lan thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền của Ngân hàng SCB còn có các đối tượng trực tiếp nhận sự chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, đóng vai trò quan trọng để tạo lập ra các bộ hồ sơ vay vốn khống để Lan chiếm đoạt số tiền đặc biết lớn, gồm: Hồ Bửu Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có hành vi tham mưu, chỉ đạo, các đối tượng tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát lập phương án mua bán, chuyển nhượng cổ phần/góp vốn khống để giúp Trương Mỹ Lan rút tiền chiếm đoạt của SCB.

Bị can Nguyễn Phương Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula có hành vi chỉ đạo điều hành nhóm nhân viên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát lập ra các pháp nhân "ma", sử dụng các cá nhân, phối hợp chặt chẽ với các đối tượng tại Ngân hàng SCB để lập hồ sơ vay vốn khống hợp thức cho việc rút tiền sử dụng cho các mục đích của Trương Mỹ Lan. Phương Anh còn là người điều hành việc sử dụng dòng tiền sau khi giải ngân theo chỉ đạo của Lan.

Bị can Đặng Phương Hoài Tâm, Trưởng Văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có hành vi chỉ đạo nhóm đối tượng tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thành lập/sử dụng các công ty "ma", tìm các cá nhân đứng tên khoản vay, đứng tên tài sản cho Trương Mỹ Lan để sử dụng các công ty, cá nhân và tài sản này hợp thức cho các khoản vay khống tại Ngân hàng SCB giúp Lan chiếm đoạt tiền của SCB.

Bị can Trương Huệ Vân là cháu gái ruột của Trương Mỹ Lan, được Lan tin tưởng giao đứng tên Cổ phần, vốn góp, tham gia quản lý nhiều Công ty khác nhau có hoạt động kinh doanh thuộc Tập đoàn VTP như Tổng Giám đốc, đại diện theo pháp luật Công ty Cổ phần Đầu tư Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty Cổ phần Tập đoàn Quản lý bất động sản Windsor, Công ty Việt Vĩnh Phú.

Vân cũng là người trực tiếp sử dụng số tiền mà nhóm Vạn Thịnh Phát rút ra khỏi Ngân hàng SCB. Trong đó, Trương Huệ Vân với vai trò là người điều hành Công ty Laivifood trực tiếp chỉ đạo thành lập, sử dụng nhóm 52 Công ty "ma" tạo lập 586 khoản vay khống để giúp Trương Mỹ Lan rút số tiền đặc biệt lớn từ SCB. Bị can Dương Tấn Trước, Tổng Giám đốc Công ty Tường Việt, Dương Tấn Trước sử dụng nhóm Công ty Tường Việt do Trước quản lý và điều hành (gồm 4 Công ty) lập 15 hồ sơ vay vốn khống, tài sản bảo đảm do Trương Mỹ Lan đưa vào, tiền rút từ SCB để cả Lan và Trước cùng sử dụng.

Như vậy, Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tuy không giữ chức vụ tại Ngân hàng SCB, nhưng Lan chính là người chi phối, lũng đoạn và chỉ đạo điều hành toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB, thông qua các đối tượng có chức vụ, quyền hạn tại Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để thực hiện chuỗi hành vi phạm tội với vai trò là "Người tổ chức", là chủ mưu, cầm đầu, biến các lãnh đạo Ngân hàng SCB và một số đối tượng có vai trò vị trí quan trọng tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, thành "Người thực hành" để thực hiện hành vi "Tham ô tài sản" với số tiền đặc biệt lớn.

Hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan và đồng phạm được chuẩn bị, tổ chức thực hiện hết sức công phu, tỉ mỉ và có "kịch bản"; đã thao túng, lũng đoạn, bất chấp các quy định pháp luật để thực hiện tội phạm; đồng thời, sử dụng các nghiệp vụ ngân hàng, hạch toán để che giấu hành vi phạm tội; đối phó hoạt động thanh tra, kiểm tra, phát hiện của các cơ quan quản lý. Đây là tổ chức tội phạm có quy mô rất lớn, hoạt động hết sức manh động nhưng cũng rất tinh vi, xảo quyệt, hậu quả mà tổ chức tội phạm này gây ra là đặc biệt lớn về kinh tế, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ngành ngân hàng, uy tín của Nhà nước trong quản lý kinh tế.

Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT đã rà soát, xác minh, truy thu dòng tiền phạm tội và các tài khoản, tài sản đứng tên các bị can để thu hồi, kê phiên, phong tỏa, đảm bảo khắc phục hậu quả vụ án. Cơ quan CSĐT đã thu giữ tổng số tiền 589 tỉ đồng và gần 15 triệu USD và hàng ngàn bất động sản, siêu xe, du thuyền… Phong tỏa hơn 1.800 tỉ đồng của các bị can tại các ngân hàng.

Đối với bị can Trưng Mỹ Lan, Cơ quan CSĐT đã tạm giữ 1.266 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; kê biên 1.237 bất động sản tại Đồng Nai, TP.HCM, Long An…; kê biên 857 triệu cổ phần SCB của bà Lan và các cá nhân đứng tên hộ. Cơ quan CSĐT cũng kê biên 22 tài sản là phương tiện, gồm 1 du thuyền, 2 tàu, 19 ô tô của bà Lan và em gái. Số phương tiện này, bà Lan nhờ nhiều người đứng tên. Cơ quan CSĐT cũng kê biên 61 bất động sản và ngăn chặn giao dịch 8 bất động sản của các bị can trong vụ án...


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước