Căn cứ kết quả điều tra mở rộng vụ án "Cưỡng đoạt tài sản" liên quan đến dịch vụ hỏa táng trên địa bàn tỉnh, ngày 16/9/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình khởi tố bị can, ra Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Quách Việt Cường (sinh năm 1974, trú tại số nhà 35, tổ 10, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình) để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội "Cưỡng đoạt tài sản" quy định tại khoản 3, điều 170, Bộ luật Hình sự.
Quách Việt Cường với biệt danh Cường "Sơn La", được biết đến là thành viên của Hiệp hội Hỏa táng Thái Bình. Cường làm các dịch vụ liên quan đến lĩnh vực tang lễ ở thành phố Thái Bình đã từ lâu, trước khi có sự xuất hiện của Đường "Nhuệ".
Khi công việc của Cường đang làm ăn yên ổn, thì Đường "Nhuệ" nhảy vào cuộc; vì thế Cường "Sơn La" đã buộc phải nhường thị phần cho Nguyễn Xuân Đường. Để thâu tóm trọn gói dịch vụ hỏa táng ở Thái Bình, Đường "Nhuệ" đã thành lập ra Hiệp hội Hỏa táng Thái Bình, ép các cơ sở dịch vụ tang lễ vào làm hội viên, phân chia địa bàn cho các hội viên hoạt động và bắt mỗi hội viên phải nộp cho Đường "Nhuệ" 500.000 đồng/ca hỏa táng.
Khi bất đắc dĩ phải trở thành hội viên của Hiệp hội Hỏa táng do Đường "Nhuệ" sáng lập, địa bàn hoạt động của Cường "Sơn La" bị thu nhỏ, vì thế Cường đã phải núp bóng Đường "Nhuệ" để hoạt động và trở thành một mắt xích quan trọng thu phí bảo kê dịch vụ Hỏa táng cho Đường "Nhuệ".
Khi Đường "Nhuệ" bị bắt, chính Cường "Sơn La" đã thừa nhận với phóng viên, bản thân từng đứng ra cầm máy báo ca hoả táng và thu tiền bảo kê từ các dịch vụ tang lễ trên địa bàn, rồi nộp lại cho Đường "Nhuệ".
"Trong 1 tháng mình cầm máy báo ca, lần 1 là 82 triệu, lần 2 là 83 triệu, như vậy mỗi tháng, Đường thu được hơn 150 triệu đồng ở Thái Bình, nhân với 2 năm sẽ ra tiền Đường có được, đây là mình tính thấp"- Cường "Sơn La" kể.
Trước đó, liên quan đến đường dây tội phạm do Đường "Nhuệ" cầm đầu, nhiều cá nhân khác cũng đã bị khởi tố với tội danh "Cưỡng đoạt tài sản" do thu phí bảo kê hỏa táng. Để bắt ép các cơ sở dịch vụ tang lễ nộp tiền bảo kê 500.000 đồng với mỗi một trường hợp người chết, Đường "Nhuệ" và băng nhóm của mình dùng nhiều chiêu trò như đe dọa hoặc thẳng tay cản trở, đập phá xe chở quan tài của các dịch vụ tang lễ, nếu không thực hiện theo yêu cầu.
Dù là khoản tiền bảo kê, ép buộc các dịch vụ tang lễ nộp, nhưng để lách luật, Đường "Nhuệ" gọi khoản tiền đó là tiền tự nguyện từ thiện.
Theo chia sẻ của một số cơ sở làm dịch vụ tang lễ trên địa bàn, dù không muốn nhưng để bù lại số tiền phải nộp thì mỗi ca hỏa táng họ phải nâng giá thêm 500.000 đồng nữa.
Khoản tiền mà ổ nhóm bảo kê vẫn gọi là "tiền tự nguyện từ thiện" thực chất là số tiền được tận thu trên lưng các gia đình có người mất phải chịu. Cơ quan điều tra xác định, toàn bộ số tiền thu phí bảo kê này được Đường Nhuệ và băng nhóm của mình chiếm đoạt rồi ăn chia hưởng lợi, chứ không phải là khoản tiền đem đi từ thiện như ổ nhóm này đặt ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!