Ai Cập: Một năm sau chính biến

Phương Thảo-Thứ hai, ngày 30/06/2014 18:26 GMT+7

Hôm nay (30/6) đánh dấu tròn một năm kể từ sau cuộc chính biến do quân đội tiến hành nhằm lật đổ Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi vào ngày 30/6 năm ngoái.

Một năm đã trôi qua, nhưng đất nước Ai Cập vẫn đang loay hoay trong những nhiệm vụ khó khăn nhằm khôi phục ổn định và hồi sinh nền kinh tế đang bị tàn phá.

Một năm đã trôi qua kể từ sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi, người dân đất nước Kim Tự Tháp đã lựa chọn cho mình một vị Tổng thống mới với cam kết sẽ khôi phục trật tự và an ninh tại quốc gia Bắc Phi này. Tuy nhiên, những cuộc biểu tình ủng hộ Tổng thống bị phế truất Morsi vẫn diễn ra gần như hàng ngày, trong khi nguy cơ bất ổn vẫn đang rình rập tại các đường biên giới của Ai Cập.

Cựu Tổng thống Morsi và các cộng sự của ông thuộc Tổ chức Anh em Hồi giáo hiện đang phải đối mặt với các cáo buộc kích động bạo lực và gián điệp. Chính phủ đương nhiệm đã tiến hành nhiều bước đi cứng rắn để dần loại bỏ sự tồn tại pháp lý của Anh em Hồi giáo.

Nhưng liệu việc loại bỏ tổ chức này có mang đến sự yên ổn cho quốc gia Bắc Phi này? Hay đây lại là mầm mống của những bất ổn mới là điều nhiều người quan ngại.

Giáo sư Mostafa al-Sayed, Đại học Cairo cho biết: “Rất khó để loại bỏ hoàn toàn tổ chức anh em Hồi giáo bởi nó đã hoạt động 86 năm nay và có cơ sở sâu rộng trong xã hội Ai Cập. Những cuộc biểu tình dù ở quy mô nhỏ vẫn diễn ra cho thấy tổ chức này vẫn hiện diện ở Ai Cập. Điều đáng quan ngại là nếu tổ chức này không có cơ hội để tham gia một cách hòa bình vào đời sống chính trị, họ có thể sẽ chuyển sang bạo lực”.

Những người dân lao động Ai Cập tin rằng điều cốt yếu lúc này là mọi người cùng nhau đoàn kết để giải quyết các vấn đề trong nước, trong đó có nhiệm vụ hồi sinh nền kinh tế đang bị tàn phá của Ai Cập.

Ông Ahmed Mostafa, người dân Cairo nói: “Chưa có mục tiêu nào của cuộc chính biến 30/6 được hoàn thành. Không có gì thay đổi cả. Chính phủ mới cần thời gian và để tạo ra thay đổi tất cả mọi người dân phải chung sức. Chúng ta cần đoàn kết để giải quyết các vấn đề trong nước”.

Những bất ổn an ninh đã tác động nghiêm trọng tới đời sống kinh tế xã hội của Ai Cập. Theo ước tính, gần 40% dân số Ai Cập hiện đang sống ở mức cận nghèo đói. Việc vực dậy nền kinh tế èo uột của quốc gia Bắc Phi này đang là nhiệm vụ cấp thiết của chính quyền đương nhiệm trong quá trình thực hiện lời cam kết về một xã hội ổn định.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước