ASEAN – Đông Á kết nối và hợp tác vì tăng trưởng

Nguyệt Hà-Thứ sáu, ngày 07/06/2013 15:15 GMT+7

Ngày 6/6 là ngày họp chính của Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á đang diễn ra tại Thủ đô Nay Pyi Taw, Myanmar.

Các đại biểu đã cùng chia sẻ quan điểm về chiến lược của ASEAN phát triển một mạng lưới mậu dịch kết nối chặt chẽ tại Đông Á. Các nước ASEAN tận dụng vị thế địa chính trị và sức mạnh kinh tế đang lên - nhằm đảm bảo ổn định khu vực và tăng trưởng bền vững.

Đặc biệt, thông điệp mà các nhà lãnh đạo ASEAN đưa ra tại ngày họp này đã thể hiện những ưu tiên hàng đầu đối với khu vực hiện nay. Đó chính là “Kết nối và hợp tác vì tăng trưởng”.

‘ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị WEF Đông Á 2013. (Ảnh VGP)

Ngay trong bài diễn văn mở đầu Hội nghị, Tổng thống Myanmar Theinsein đã nhấn mạnh cam kết cải tổ nền kinh tế từ mô hình tập trung sang nền kinh tế dựa trên thị trường tự do. Ông nhấn mạnh mục tiêu lớn đó đòi hỏi sự hợp tác của các nước ASEAN, đặc biệt khi Myanmar sẽ là chủ tịch Hiệp hội này vào năm sau.

Bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh cam kết về sự hợp tác khu vực, đồng thời kêu gọi các bên đầu tư vào các dự án dọc hành lang kinh tế Đông - Tây, giúp kết nối không chỉ bốn nước khu vực Mekong gồm Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam mà còn là cầu nối gắn kết khu vực Nam Á với Đông Nam Á, Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, đồng thời giao kết với các tuyến giao thông huyết mạch quan trọng khác của khu vực. Thỏa thuận giữa các quốc gia về tạo thuận lợi cho vận chuyển người và hàng hóa dọc tuyến hành lang sẽ giúp tăng cường đáng kể giao lưu thương mại, đầu tư và du lịch trong tiểu vùng Mekong nói riêng và ASEAN nói chung.

Ông John Pang, Học giả Trường Kinh doanh Stern - Đại học New York, Mỹ nói: “Ấn tượng của tôi về thông điệp mà các nhà lãnh đạo Chính phủ Việt Nam và Myanmar đưa ra tại Hội nghị Diễn đàn năm nay rất tích cực. Nó cho thấy Việt Nam, Myanmar đang thể hiện vai trò trách nhiệm tại khu vực, quan tâm đến sự phát triển chung của khu vực chứ không chỉ của riêng mình. Với tầm nhìn này, tôi tin rằng trong tương lai Việt Nam và Myanmar sẽ là những động lực tăng trưởng trong ASEAN”.

Ông Htay Aung, Bộ trưởng Du lịch và Khách sạn Myanmar cho biết: “Việc phái đoàn Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam tham gia đông đảo tại hội nghị diễn đàn kinh tế thế giới năm nay không chỉ giúp đem lại cơ hội cho Việt Nam mà cho cả các nước khác. Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của Việt Nam vừa khởi công xây dựng Khu phức hợp khách sạn và du lịch lớn nhất Myanmar tại trung tâm thành phố Yangon, sẽ giúp đem lại nhiều cơ hội phát triển cho Myanmar”.

Đối với giới lãnh đạo doanh nghiệp, điều họ quan tâm nhất tại Hội nghị năm nay là rất nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm phát triển một mạng lưới mậu dịch tại Đông Á. Đó là việc thúc đẩy thương mại vùng và hội nhập thị trường tài chính, đầu tư cho công nghệ và lưu chuyển nhân lực, cải thiện đầu vào cho các ngành công nghiệp.

Đối với các nhà lãnh đạo khu vực và học giả, vai trò chiến lược của ASEAN lại được quan tâm đặc biệt. Có quan điểm cho rằng việc Myanmar chuyển giao chính trị một cách hòa bình là nhờ môi trường hợp tác và đồng thuận trong ASEAN. Bất chấp cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng của các nước lớn, ASEAN sẽ vẫn duy trì con đường hợp tác và hưởng lợi từ mối quan hệ kinh tế với các cường quốc và sẽ cố gắng giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ.

Thông điệp mà các nhà lãnh đạo ASEAN đưa ra tại Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á được đánh giá là mang tầm nhìn lớn về sự phát triển chung của khu vực, cũng như thể hiện trách nhiệm đối với việc xây dựng một cộng đồng kinh tế năng động và kết nối hài hòa vào năm 2015.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước