Hiện trường thảm họa sập nhà ở Bangladesh năm 2013. (Ảnh: AFP)
Đây được gọi là thảm họa tồi tệ nhất trong ngành công nghiệp may mặc, dấy nên mối lo ngại của toàn cầu về an toàn lao động tại Bangladesh.
Đến nay, sau một năm, tình hình an toàn lao động trong các nhà máy may của nước này đã được cải thiện chút ít, nhưng cuộc sống và điều kiện làm việc của các công nhân ngành may vẫn rất cơ cực.
Tại thời điểm tòa nhà Rana Plaza 8 tầng sụp đổ năm ngoái, bên trong, hàng ngàn công nhân Bangladesh đang cực nhọc lao động trong 5 xưởng may đông đúc. Lý do, nó là một tòa nhà xây dựng trái phép cho dù nó nằm ngay trung tâm của ngành công nghiệp dệt may trị giá 20 tỷ USD của nước này. Theo Tổ chức theo dõi nhân quyền, đây là cái giá phải trả cho việc những thương hiệu lớn phương Tây muốn sử dụng nhân công rẻ mạt và không đóng góp đủ quỹ hỗ trợ cho cuộc sống của những công nhân làm việc tại đây.
Một năm sau, một số thứ đã thay đổi.
Một thảo thuận cam kết an toàn 5 năm có tên gọi “Hiệp ước cho phòng chống hỏa hoạn và an toàn xây dựng tại Bangladesh” đã được kí kết bởi hơn 150 thương hiệu của 20 quốc gia. Thỏa thuận này yêu cầu các công ty phải trả 500.000 USD mỗi năm cho công tác quản lý.
Công nhân may mặc thành lập công đoàn mà không cần sự cho phép của chủ sở hữu nhà máy sản xuất, Chính phủ cũng công bố một kế hoạch tăng mức lương tối thiểu trong ngành công nghiệp may mặc. 1.500 nhà máy sẽ được kiểm tra độ an toàn vào cuối tháng 8 này.
Nhưng trong khi chờ đợi đợt kiểm định an toàn lao động, ngành công nghiệp may mặc của Bangladesh đang mất hàng ngàn đơn đặt hàng từ các nhà bán lẻ phương Tây. Đây là một tổn thất nặng nề không chỉ đối với ngành công nghiệp may mặc, mà còn là mất mát đối với hàng triệu con người tại Bangladesh mà kế sinh nhai phụ thuộc vào nghề này.
Ông Shahiduallahazim, Phó chủ tịch Hiệp hôi sản xuất và xuất khẩu may mặc Bangladesh cho biết: “Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi các khách hàng và các nhà bán lẻ của chúng tôi không rút kinh doanh khỏi đây, ít nhất chúng tôi mong muốn vẫn nhận được các đơn đặt hàng, để duy trì sự tồn tại của người lao động cũng như các chủ sở hữu nhà máy sản xuất”.
Trở lại với gia đình của hơn 1.100 người thiệt mạng và 2.500 người bị thương. Một năm sau thảm họa, nhiều nạn nhân cho biết số tiền bồi thường họ nhận được mới chỉ rất ít ỏi và ngày ngày họ phải vật lộn với chi phí y tế tăng cao và mất thu nhập.