Tuần vừa qua, nhân chuyến thăm Cộng hòa Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam và Pháp đã tuyên bố xác lập quan hệ đối tác chiến lược. Báo chí Pháp quan tâm nhiều tới khía cạnh kinh tế của sự kiện này.
Tờ “Le Figaro” có bài “Pháp tìm cách gỡ lại sự chậm trễ của mình ở Việt Nam”. Ngày từ đoạn đầu tiên, bài báo đã liệt kê một loạt sự kiện diễn ra hôm thứ Tư vừa rồi tại Paris mà người Pháp cho là thành công: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp giấy phép hoạt động cho Ngân hàng BNP Paribas”, “Hai Bộ Giao thông ký hiệp định về phát triển hạ tầng”. Tờ báo bình luận, “đây là nỗ lực của Pháp để bù lại những chậm trễ của mình trên thị trường Việt Nam trong những năm gần đây”.
Sự chậm trễ của Pháp tại Việt Nam được minh chứng bằng nhiều con số, bài báo nhắc lại 45 triệu USD mà các nhà đầu tư Pháp mang tới Việt Nam trong năm 2011. 45 triệu của Pháp quá nhỏ nhoi so với con số 5,1 tỷ từ Nhật Bản trong cùng năm đó tại Việt Nam. Hiện nay, thị phần của Pháp tại Việt Nam chỉ là 1% ít ỏi. Bà Nicole Bricq, Bộ trưởng Ngoại thương Pháp được bài báo trích dẫn đặt mục tiêu tăng gấp đôi thị phần của Pháp tại Việt Nam trong vòng 4 năm tới.
Mục tiêu này không phải là quá khó theo một bài trên báo “Thế giới” của Pháp. Kinh tế Việt Nam đang phục hồi, dù có chậm thì tăng trưởng của Việt Nam trong 3 quý đầu tiên của năm nay cũng lên tới 5,1% - mức tăng trưởng rất cao so với tăng trưởng của Pháp. Câu đầu của bài báo đặt câu hỏi: “Có ví dụ nào rõ ràng hơn là hợp đồng 6,5 tỷ USD mà hãng hàng không Vietjet-air của Việt nam vừa ký với hãng Airbus nhân chuyến thăm Pháp của Thủ tướng mua 92 máy bay Airbus A320?” Đây là ví dụ điển hình cho thấy Pháp mong đợi sự tăng trưởng của những nước như Việt Nam. Các nước này có phát triển, Pháp mới tăng được xuất khẩu.
Quý khán giả quan tâm tới vấn đề này có thể xem lại chương trình “Báo chí toàn cảnh” dưới đây.