Theo ước tính của một ngân hàng Thụy Sĩ, trong năm 2013 các thảm họa thiên nhiên trên toàn thế giới đã gây thiệt hại khoảng 130 tỷ USD. Trong đó, siêu bão Haiyan quét qua Philippines vào đầu tháng 11 vừa qua gây tang thương và mất mát nhiều nhất. Hàng nghìn người chết, thiệt hại vật chất nhiều tỷ USD, cùng với lời cảnh tỉnh về những hậu quả tàn khốc của biến đổi khí hậu đã khiến Haiyan trở thành một trong những sự kiện đáng nhớ nhất trong năm vừa qua.
‘ Tacloban tan hoang sau siêu bão Haiyan. (Ảnh: Reuters)
Cô bé 15 tuổi Sheene Pilar may mắn sống sót nhưng đã vĩnh viễn mất mẹ và em gái. Vợ và 5 người con của một người đàn ông đã bị cuốn đi trong cơn bão dữ. Đó là những số phận bất hạnh ở những vùng mà cơn bão lịch sử Haiyan quét qua. Được ghi nhận là cơn bão mạnh nhất khi đổ bộ vào đất liền trong nhiều thập kỉ qua, sức tàn phá của Haiyan được so sánh với trận sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004 đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người. Hơn 6.000 người chết, gần 1.800 người mất tích và 4 triệu ngôi nhà bị hư hại hoàn toàn hoặc một phần.
Em Sheena Del Pilar nói: “Em không biết liệu có bao giờ em có thể quên cơn bão kinh hoàng này hay không. Nó như vừa mới xảy ra ngày hôm qua. Mẹ và em gái em đã không còn nữa”.
Em Ralph Ramirez, 12 tuổi cho biết: “Cơn bão này quá mạnh. Nó phá hủy tất cả mọi thứ. Em cảm thấy rất đau lòng khi nhìn thấy cảnh tượng sau cơn bão”.
Haiyan và sức tàn phá của nó đã ngay lập tức trở thành tâm điểm của Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu COP 19 diễn ra tại Ba Lan không lâu sau đó.
Ông Nederev Yeb Sano, Trưởng đoàn đàm phán Philippines tại COP 19 chia sẻ: “Những gì đất nước tôi đang trải qua từ các hiện tượng thời tiết cực đoan đó là sự điên rồ. Cuộc khủng hoảng khí hậu là sự điên rồ. Chúng ta có thể chấm dứt sự điên rồ ấy. Ngay tại đây ở Warszawa.”
Sự điên rồ của các hiện tượng thời tiết cực đoan chưa thể chấm dứt khi mà Hội nghị COP 19 chỉ kết thúc với kết quả khiêm tốn, mang tính chất “thỏa hiệp”. Những tranh cãi, mâu thuẫn về việc chia sẻ trách nhiệm nhằm ngăn chặn mức độ thải khí nhà kính cũng như vấn đề tài trợ cho các quốc gia dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu vẫn chưa được tháo gỡ. Trong khi bài toán giữa phát triển và môi trường toàn cầu trong tương lai chưa có lời giải, thì tại Philippines, chính quyền bắt đầu tính đến các kế hoạch tái thiết “dài hơi” để “tự cứu lấy mình”, trong đó tập trung vào các dự án phát triển đô thị nhằm đối phó với các siêu bão tương tự như bão Haiyan.
Giáo sư Lydylin Mangada, Đại học Philippines cho biết: “Tôi hy vọng là trong thời gian tới chúng ta sẽ không mắc phải những sai lầm cũ. Người dân các vùng duyên hải luôn phải đối mặt với nguy cơ mất trắng mọi thứ, nhất là khi có bão. Cần có một sự chuyển dịch về mặt xã hội”.
Còn tại Tacloban – nơi bị bão Haiyan tàn phá nặng nề nhất, giữa khó khăn bộn bề của công cuộc tái thiết, là sự lạc quan, hi vọng về tương lai phía trước.
Ông Tecson Lim, Thị trưởng thành phố Tacloban nói: “Chúng tôi đang tìm kiếm hi vọng và đang cố gắng suy nghĩ lạc quan hơn. Chúng tôi đang có cơ hội để thực sự biến đổi đây trở thành 1 thành phố toàn cầu, 1 nơi đã diễn ra quá trình phục hồi sau những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và có thể trở thành 1 hình mẫu cho các thành phố khác”.
Theo ước tính của Chính phủ Philippines, công tác tái thiết và khắc phục hậu quả sau siêu bão Haiyan sẽ mất tới 5 năm. 5 năm có thể đủ để hồi sinh một thành phố Tacloban mới với một diện mạo đẹp đẽ hơn, khang trang hơn. Nhưng những nỗi đau về tinh thần, những ám ảnh về sự tàn phá của thiên tai mà cơn bão lịch sử Haiyan đem đến không dễ gì có thể xóa nhòa trên những gương mặt trẻ thơ vô tội.