Cập nhật ngày 23/6: Tàu Kiểm ngư 951 bị tàu Trung Quốc đâm va, gây biến dạng
Thêm những chứng cứ xác thực về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa
Trang nhất tờ báo với bức ảnh lớn có tiêu đề “Trung Quốc tăng cường khiêu khích và đe dọa hòa bình ở biển Đông”. Bức ảnh tàu lớn của Trung Quốc phun vòi rồng tấn công tàu nhỏ của Việt Nam có kèm chú thích: “Trung Quốc gây hấn với các nước láng giềng Việt Nam, Philippines và Nhật Bản, khi công khai khi kín đáo, để đòi chủ quyền trên biển”.
Bên trong là 2 trang báo khổ lớn, với các bài do phóng viên báo này gửi về từ Bắc Kinh, Hà Nội và Tokyo. Toàn bộ các bài báo phân tích một cách khách quan và từ nhiều hướng về thực chất những gì đang diễn ra trên vùng biển Đông. Bài báo trên trang 2, với tiêu đề “Trung Quốc áp đặt điều kiện trên Biển Đông” phân tích tham vọng của Trung Quốc. Theo bài báo, thì “tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc đã buộc các nước láng giềng phải phản ứng”.
Trang 3 là bài phóng sự có đầu đề “Rượt đuổi trên các đảo Paracels”, từ tiếng Pháp để chỉ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Phóng viên Bruno Philip đã theo một tàu kiểm ngư Việt Nam và kể lại những gì tác giả đã tận mắt chứng kiến vào lúc 8h sáng ngày 14/6. Tác giả bài báo cho biết đã thấy “trên tàu Kiểm ngư của Trung Quốc có súng máy 12 ly 7, cộng với nòng một khẩu pháo 20 ly đã tháo bạt”.
Nhận xét của tác giả như sau: “Trung Quốc đã tận dụng ưu thế về số lượng tàu chiến, điều mà cách đây mấy ngày Trung Quốc còn phủ nhận. Tuy nhiên thực tế là, ngày 14/6, chỉ cách chúng tôi có vài sải cáp, chúng tôi đã thấy một tàu hộ tống quân sự của Trung Quốc có màu ghi giống màu nước đại dương”.
Bài báo nhắc lại rằng, “Trung Quốc chiếm đóng các đảo Hoàng Sa từ năm 1974. Trước đó và cho tận tới cuối cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai (tức là năm 1975), các hòn đảo này thuộc quyền quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Hà Nội khẳng định, Việt Nam sở hữu các hòn đảo này từ lâu và có đủ các bằng chứng pháp lý để chứng minh. Nhưng Trung Quốc không muốn nghe nói tới luật pháp quốc tế”.
Với độc giả Pháp, tác giả bài báo nhấn mạnh: “Trong những năm 20 của thế kỷ trước, Chính phủ bảo hộ Pháp tại Việt Nam đã cho xây dựng trên đảo Hoàng Sa một ngọn hải đăng, một trạm chuyển tiếp sóng viễn thông và một đài khí tượng”.
Phía dưới là một bài khác viết từ Tokyo, có tiêu đề “Nhật Bản muốn đóng vai trò lớn hơn để bảo vệ an ninh trong khu vực”, đưa ra quan điểm của Nhật Bản và của Mỹ, lo ngại trước việc Trung Quốc đang đe doạ hoà bình, không chỉ trên Biển Đông, mà cả trên Biển Hoa Đông của Nhật Bản.