Các nước châu Phi đẩy mạnh biện pháp phòng ngừa dịch Ebola

Anh Tuấn-Thứ hai, ngày 11/08/2014 19:47 GMT+7

Những diễn biến phức tạp của virus Ebola tại một số nước Tây Phi đã buộc nhiều nước láng giềng đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa sự lây lan của căn bệnh nguy hiểm này.

Loại trừ ca nhiễm Ebola ở Hong Kong

Đại dịch Ebola có thể bắt nguồn từ một em bé 2 tuổi

Burkina Faso vừa trở thành quốc gia mới nhất ở châu Phi công bố các biện pháp theo dõi nghiêm ngặt tại sân bay và các cửa khẩu biên giới đối với hành khách từ các nước có dịch bệnh hoành hành.

Ông Benjamin Tasembedo - Nhân viên y tế sân bay Ouagadougou, Burkina Faso nói: “Đối với việc kiểm tra an ninh, chúng tôi sẽ quét thân nhiệt từ khoảng cách 15cm và ghi lại nhiệt độ của họ. Khi có hành khách bị sốt cao hơn 38,5 độ, chúng tôi sẽ đưa họ đến trung tâm y tế để kiểm tra. Các bác sĩ sẽ khám kỹ lưỡng và quyết định những gì cần phải làm với bệnh nhân”.

Các biện pháp tương tự cũng được một quốc gia Tây Phi khác là Rwanda triển khai. Bộ Y tế nước này đã trang bị hệ thống giám sát và quản lý tình trạng khẩn cấp, mở các lớp tập huấn cho nhân viên y tế trên phạm vi toàn quốc về Ebola, đặc biệt trong bối cảnh Rwanda vừa phát hiện một trường hợp nghi nhiễm Ebola là sinh viên y khoa người Đức, người đã có thời gian lưu trú ngắn tại Liberia.

Trong khi đó, Chính phủ Zambia tuyên bố nước này có khả năng đóng cửa biên giới với các nước đang bị ảnh hưởng bởi Ebola và cấm người dân bản địa du lịch tới những khu vực này.

Tại Nigeria, Tổng thống Goodluck Johnathan đã thông qua một kế hoạch đặc biệt và giải ngân ngay lập tức 1,9 tỷ naira (tương đương 11,67 triệu USD) để ngăn ngừa dịch bệnh lan rộng. Giới chức y tế Nigeria hôm nay xác nhận có thêm các trường hợp nhiễm bệnh tại Thủ đô Lagos.

Ông Onyebuchi Chukwu - Bộ trưởng Y tế Nigeria cho hay: "Tính đến hôm nay đã có 177 trường hợp sơ cấp và thứ cấp được đặt trong sự giám sát hoặc đã bị cách ly. 9 ca đã phát triển thành bệnh, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh ở Nigeria lên con số 10. Trong số này, hai người đã qua đời, đó là một người Mỹ gốc Liberia và một y tá Nigeria, 8 người khác còn sống và đang được điều trị".

Hôm 7/8 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với dịch bệnh do virus Ebola gây ra, sau khi gần 1.000 người ở châu Phi thiệt mạng vì căn bệnh nguy hiểm này.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước