Chiến lược giải quyết tranh chấp lãnh hải của Nhật Bản

Đức Cường - Hồng Khang-Chủ nhật, ngày 01/09/2013 17:22 GMT+7

Quần đảo trong vòng tranh chấp, Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. (Ảnh: AP)

 Nhật Bản hiện đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển với các quốc gia láng giềng. Những vấn đề này đang có xu hướng trở nên ngày càng phức tạp, đe dọa an ninh trong khu vực. Chính phủ Nhật Bản hiện đã đề ra nhiều biện pháp để giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên biển.

Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 1/2013, chính quyền thủ tướng Shinzo Abe đã xem an ninh biển là chủ đề quan trọng nhất trong chính sách an ninh quốc gia. Đối mặt với hàng loạt tranh chấp chủ quyền lãnh hải với 3 quốc gia láng giềng là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga, chính quyền thủ tướng Shinzo Abe chủ trương ưu tiên giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại song phương, hạn chế quốc tế hóa các cuộc xung đột giữa hai bên.

Giáo sư Narushige Michishita - Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản khẳng định: “Nhật Bản không hề muốn quốc tế hóa các cuộc tranh chấp lãnh thổ, dù là quần đảo Senkaku với Trung Quốc hay Takeshima với Hàn Quốc. Nhật Bản luôn muốn giới hạn cuộc tranh chấp trong phạm vi hai quốc gia. Chính phủ Nhật Bản cho rằng vấn đề chủ quyền này vốn đã phức tạp, nếu để bên thứ 3 can thiệp vào tình hình sẽ còn trở nên rắc rối và khó giải quyết hơn nữa. Điều đáng tiếc là vấn đề tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc và Hàn Quốc đang có xu hướng trở thành vấn đề mang quy mô khu vực với sự can dự của nhiều bên như Mỹ”.

Trước vấn đề đang có xu hướng phức tạp, Chính phủ Nhật Bản chủ trương tăng sức mạnh quân sự để bảo vệ nguyên trạng, đồng thời cố gắng giảm nhẹ tình hình căng thẳng xung quanh khu vực quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư thông qua các cuộc đối thoại song phương. Đây là khu vực lãnh hải mà Nhật Bản đang nắm quyền kiểm soát. Đối với tranh chấp quần đảo mà Nhật Bản gọi là Takeshima và Hàn Quốc gọi là Dokdo, hiện do Hàn Quốc kiểm soát, Nhật Bản đang tính đến khả năng đưa vấn đề ra tòa án công lý quốc tế, song cho đến nay Hàn Quốc vẫn bác bỏ việc giải quyết vấn đề này tại tòa án. Riêng với Nga, các nhà phân tích cho rằng tình hình đang diễn biến theo chiều hướng tích cực.

Giáo sư Narushige Michishita cũng cho biết: “Hiện nay, Nga đang quản lý khu vực quần đảo Phương Bắc của Nhật Bản. Tuy nhiên, hai nước đã thống nhất sẽ giải quyết vấn đề này theo đường ngoại giao. Chính phủ Nhật Bản muốn Nga trao trả cả 4 đảo cùng lúc, tuy nhiên, điều này rõ ràng là không khả thi. Hiện tại, hai nước đang thảo luận về lộ trình trao trả dần các quần đảo cho Nhật Bản và việc có được điều này là nhờ mối quan hệ kinh tế và chính trị giữa hai nước đang phát triển thuận lợi”.

Mới đây, Bộ quốc phòng Nhật Bản cho biết sẽ đề xuất tăng thêm 3% ngân sách quốc phòng trong tài khóa tới, nhằm trang trải cho các chi phí về thiết bị và nhân lực. Nếu được thông qua, đây là mức gia tăng lớn nhất trong vòng 22 năm qua, cho thấy quyết tâm của Chính phủ Nhật Bản trong việc bảo đảm an ninh biển và giữ vững chủ quyền lãnh thổ.

Cho đến nay, Chính phủ Nhật Bản vẫn chủ trương thông qua đối thoại song phương để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh hải. Đối diện cùng lúc với nhiều tranh chấp chủ quyền, Chính phủ Nhật Bản đang áp dụng các biện pháp khác nhau để bảo vệ lợi ích đất nước.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước