Tại Nhật Bản những cuộc bầu cử diễn ra thường xuyên, nhưng tỷ lệ thanh niên tham gia bầu cử thì năm sau lại thấp hơn năm trước. Làm thế nào để thu hút tầng lớp thanh niên tham gia bầu cử là chủ đề trọng tâm của nền chính trị Nhật Bản?.
Mới đây, hai viện Quốc hội Nhật Bản đã thông qua dự luật cho phép các chính trị gia tranh cử qua mạng internet, với hy vọng điều này sẽ thu hút thêm nhiều người dân, đặc biệt là tầng lớp thanh niên đến với các cuộc bầu cử.
‘ Facebook của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Ảnh: Japantimes)
Quận Shibuya ở Thủ đô Tokyo lúc nào cũng có rất đông các bạn trẻ và hầu như ai trên tay cũng cầm một chiếc điện thọai di động có khả năng truy cập mạng internet. Kết nối mạng là điều đã trở nên thiết yếu với tầng lớp thanh niên Nhật. Các nhà chính trị gia Nhật Bản biết rằng, không thể bỏ qua điều này nếu muốn chiến thắng trong các cuộc bầu cử.
Tháng 5 vừa qua, Quốc hội Nhật Bản đã dỡ bỏ lệnh cấm vận động tranh cử qua mạng internet. Từ nay, các ứng cử viên có thể lập trang web, gửi thư cho các cử tri và kêu gọi sự ủng hộ qua mạng internet. Các chính trị gia Nhật Bản rất kỳ vọng mạng internet sẽ thu hút thêm nhiều thanh niên đến các cuộc bầu cử. Tuy nhiên, nhiều thanh niên Nhật Bản tỏ ra rất dè dặt với thông tin trên.
Anh Hoshikawa cho biết: “Quyết định này chỉ cho phép các chính trị gia tranh cử qua mạng internet chứ chưa cho người dân bầu cử qua mạng. Nếu được bỏ phiếu qua mạng thì tỷ lệ tham gia bầu cử sẽ tăng lên, còn như hiện nay thì mọi chuyện sẽ không thay đổi nhiều”.
Anh Ohata Ryota nói: “Từ trước đến nay chưa bao giờ tôi đi bỏ phiếu. Tôi thấy những gì các ứng cử viên nói với việc họ làm khác hẳn nhau, nên bây giờ họ cho tranh cử qua internet thì cũng không hiệu quả mấy”.
Trong khi các cử tri tỏ ra dè dặt, thì các chính trị gia Nhật Bản đã nhanh chóng tổ chức các chiến dịch tranh cử rầm rộ trên mạng internet. Thủ tướng Shinzo Abe là người đi đầu trong việc tận dụng lợi thế của mạng internet.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chia sẻ: “Chúng ta sẽ sử dụng mạng internet để thay đổi Nhật Bản và cả thế giới”.
Người đứng đầu Chính phủ Nhât Bản có hẳn một trang facebook được cập nhật thông tin thường xuyên. Hiện nay, ông Abe có khoảng 350.000 người kết bạn trên facebook.
Những chính Đảng lớn như Đảng tự do dân chủ LDP đã thành lập một nhóm xây dựng các trang web tranh cử và xử lý thông tin trên mạng internet. Các Đảng chính trị Nhật Bản xác định, trong dài hạn internet sẽ là nguồn cung cấp thông tin tiện lợi nhất và phổ biến nhất đối với cử tri, đặc biệt là tầng lớp thanh niên, thay vì truyền hình như hiện nay.
Cuộc bầu cử thượng viện Nhật Bản vào tháng 7 tới sẽ là cuộc bầu cử đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản mà các ứng cử viên có thể sử dụng các công cụ internet thông dụng như email, facebook, tweeter. Ngay từ lúc này, các ứng cử viên đã tận dụng triệt để công nghệ mới để đưa thông tin và hình ảnh của mình đến công chúng.