Nhật Bản đang phải đối mặt một nền dân số già. Ước tính chỉ trong vòng 50 năm nữa, Nhật Bản sẽ mất đi 1/3 dân số, đồng nghĩa với sự thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng lao động. Nhưng cũng chính tại Nhật Bản có hàng triệu lao động đang bị lãng quên.
Đó là bởi hầu hết phụ nữ Nhật Bản trưởng thành đối mặt với lựa chọn: bỏ công việc để sinh nở hay tiếp tục làm việc và không bao giờ nghĩ đến việc có con. Thống kê cho thấy 70% phụ nữ có con tại Nhật Bản sẽ phải bỏ công việc.
‘ Ảnh minh họa
Không thể xoay sở cùng một lúc với sức ép của công việc khắc nghiệt tại Nhật Bản và chăm con chỉ là một vấn đề... Nó còn bởi một vấn đề khác bắt nguồn từ quan niệm của xã hội Nhật Bản
Vừa họp, vừa trông con có vẻ sự kết hợp này không phổ biến lắm, lại càng hiếm thấy ở Nhật Bản. Yushi Katayama đã thành lập một không gian cho phép làm việc kết hợp với việc trông trẻ, nhằm tạo sự thoải mái nhất cho các bà mẹ khi làm việc.
Ông Yushi Katayama, Tổ chức hatchcowork.com cho biết: “Nếu như bạn cần tập trung làm việc bạn có thể nhờ những cha mẹ khác. Ví dụ tôi đang cần làm việc ngày hôm nay, những người rỗi hơn có thể giúp trông lũ trẻ. Đây là một hệ thống bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau”.
Vợ của Yushi, Minhee là một nhà thiết kế đồ họa tự do. Cô cho biết, công việc đã khó khăn hơn rất nhiều kể từ khi cô có con, nhưng không phải bởi cô không đủ khả năng cáng đáng vừa làm việc vừa trông con.
Cô Minhee Katayama nói: “Đất nước chúng tôi có quan niệm phụ nữ có con rồi không nên làm việc nữa. Vậy nên khi có con, tôi cũng nhận được ít cơ hội làm việc hơn”.
Đó cũng là lý do rất nhiều phụ nữ có trình độ ở Nhật Bản chọn nghỉ việc ở nhà. Không đơn giản chỉ vì ở nhà để trông con giống như các bà mẹ ở một số nước như Mỹ hay Đức, mà lý do quan trọng là do cơ hội việc làm của họ giảm đi một cách đáng kể.
Như trường hợp của Naoko Toyoda, cô đã phải rời công việc ở một công ty tin học chỉ ít lâu sau khi nghỉ sinh con.
Cô Naoko Toyoda chia sẻ: “Tôi đã từng là quản lý của khoảng 10 nhân viên, nhưng khi đã có con, tôi phải xin làm theo thời gian biểu linh hoạt. Và luật ở Nhật Bản là nếu như vậy bạn phải bắt đầu lại như những người mới vào”.
Nhưng ở Nhật với sự già hóa dân số, suy giảm tỷ lệ sinh, sự tham gia của nữ giới, những người như cô Toyoda, vào lực lượng lao động đóng một vai trò quan trọng
Bà Kathy Matsui, Công ty Goldman Sachs cho biết: “Nếu bạn biết được rằng tỷ lệ làm việc của lao động nam ở Nhật Bản, hiện đang là hơn 80%, cao nhất trong nhóm OECD, trong khi lao động nữ hiện chỉ là 60%, thì rõ ràng là đang có một lỗ hổng rất lớn. Nếu khoảng cách này được thu hẹp, ước tính sẽ có thêm 8,2 triệu người gia nhập vào lực lượng lao động Nhật Bản. Nếu nó được bù đắp, không cần tính đến năng suất lao động, nó có thể nâng GDP của Nhật Bản lên khoảng 14%”.
Tháng 4 vừa rồi, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã đề ra chính sách womenomics, chính sách kinh tế hướng đến lao động nữ, coi là chìa khóa cho phát triển trong tương lai của nước này.
Nhiều đề xuất đã được đưa ra, như ưu đãi thuế cho phụ nữ có con, cải thiện dịch vụ trông trẻ và đẩy mạnh tỷ lệ nữ giới làm lãnh đạo.
Nhưng ngay với các công ty phù hợp nhất cho nữ, như tập đoàn mỹ phẩm Shiseido, cũng phải thừa nhận: để đạt được điều này là một chặng đường dài.
Ông Shigeto Ohtsuki, Giám đốc nguồn nhân lực Tập đoàn Shiseido cho biết: “Tỷ lệ lãnh đạo là nữ ở Shiseido Nhật Bản, với khoảng 25 nghìn nhân viên, mới là 25,6%. Trong khi ở các chi nhánh Shiseido trên thế giới, những nơi mà lượng nhân viên chỉ vào khoảng 20 nghìn, thì tỷ lệ nữ lãnh đạo chiếm tới 60%”.
Katayama tin rằng sự thay đổi có thể bắt đầu từ những nơi như thế này. Chính từ những doanh nhân nhỏ lẻ như thế này sẽ tác động tới các công ty, rồi sẽ là cả chính phủ.
Bởi anh cho rằng, chất lượng cuộc sống của thế hệ tương lai của Nhật Bản sẽ phụ thuộc vào những gì mà lực lượng nữ lao động đóng góp cho đất nước ngày hôm nay.