Diễn đàn Davos thảo luận về tăng trưởng kinh tế thế giới

Hồng Quang-Thứ sáu, ngày 24/01/2014 18:47 GMT+7

Các đại biểu đổ về Trung tâm hội nghị WEF trong ngày khai mạc Davos 2014. (Ảnh: Vietnamplus)

Lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 2008, cụm từ tăng trưởng trở lại là đề tài thảo luận sôi nổi ở diễn đàn kinh tế thế giới Davos tổ chức tại Thụy Sỹ.

Sự tăng trưởng của nền kinh tế có thể diễn ra trên toàn cầu, nhưng làm thế nào để nuôi dưỡng nó và làm cho sức tăng trưởng đó trở nên bền vững là điều mà các nhà lãnh đạo thế giới, người đứng đầu các tập đoàn kinh tế quan tâm nhất.

Thủ tướng Australia, Chủ tịch Nhóm các nước phát triển G20 năm nay, cho rằng tăng trưởng kinh tế đang là sức mạnh mang đến sự thay đổi.

‘ Nhiều vấn đề được thảo luận tại Davos năm nay

Thủ tướng Australia Tony Abbot cho biết: “Tăng trưởng kinh tế tốt hơn là chìa khóa để giải quyết cho hầu hết các vấn đề toàn cầu. Tăng trưởng mạnh hơn đòi hỏi chính sách thuế khóa thấp hơn, đơn giản hơn và công bằng hơn và không cản trở sự sáng tạo của doanh nghiệp. Để có một sức tăng trưởng mạnh hơn thì các chính phủ phải kiểm soát được chi tiêu, như thế các loại thuế sẽ giảm và các luật lệ cũng phải được giảm bớt để năng suất lao động được tăng lên”.

Chủ đề của diễn đàn kinh tế thế giới năm nay là Tái định hình thế giới và tác động chính trị, xã hội. Mục đích của diễn đàn là chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước phát triển và đang phát triển, trong bối cảnh kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi.

Ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam nói: “Trong diễn đàn lần này, các nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng để làm sao giữ được đà tăng trưởng, đà phục hồi, vì đà phục hồi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nước phát triển tăng trưởng về kinh tế. Chúng ta thấy rõ là kinh tế Việt nam đang bước vào phục hồi, cái đó đi cùng với đà phục hồi của kinh tế thế giới. Phục hồi của kinh tế ASEAN, nhất là ASEAN nằm trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương được coi là kinh tế năng động sẽ đóng góp vào duy trì đà phục hồi của kinh tế thế giới, mà đà phục hồi kinh tế thế giới sẽ tác động đến kinh tế thế giới nói chung và đến từng khu vực, và tác động ngược lại đến chúng ta”.

Sức tăng trưởng của các đầu tàu kinh tế thế giới cũng được quan tâm. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Giám đốc điều hành Ngân hàng Goldman Sachs đã dự đoán, sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc chẳng hạn sẽ có tác động tích cực cho cả thế giới.

Ông Lloyd Blankfein, Giám đốc điều hành Ngân hàng Goldman Sachs chia sẻ: “Nếu nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng, người Trung Quốc sẽ được hưởng những lợi ích cơ bản. Nhưng những người Trung Quốc mua hàng hóa có xuất xứ từ Mỹ - điều đó cũng sẽ tốt cho nước Mỹ. Bất kể sự tăng trưởng nào trên thế giới cũng sẽ có lợi cho mọi người trên thế giới”.

Sự tăng trưởng kinh tế thế giới là điều có thể nhận thấy tại nhiều khu vực trên toàn cầu, nhưng điều đó diễn ra không đồng đều. Vì thế cần có những nỗ lực quản trị của mỗi quốc gia và những mối liên kết khu vực chặt chẽ, để có được sức tăng trưởng bền vững. Đây đã là chủ đề của nhiều phiên thảo luận tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm nay.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước