Đặc biệt, tại hội thảo này, Viện Đông Phương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã chủ trương không mời các học giả, nhà nghiên cứu đến từ các nước có tranh chấp ở Biển Đông.
Với 5 phiên thảo luận trong khuôn khổ hội thảo, các nhà nghiên cứu của Nga và các chuyên gia đến từ Liên minh châu Âu, Mỹ, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore... đã phân tích và đưa ra những nhận định, khuyến cáo cụ thể. Từ "tình hình ở Biển Đông nhìn từ quan điểm địa chính trị hiện đại" đến "Các nguy cơ vũ trang hóa khu vực và chạy đua vũ trang giữa các nước có tranh chấp". Từ "Lợi ích và chính sách của các nước lớn bên ngoài khu vực" đến "Các bình diện pháp lý" và "Các khả năng giải quyết vấn đề hiện nay và triển vọng thiết lập hòa bình, ổn định tại Đông Nam Á".
‘ Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Báo Tin tức
Ông Dmitry Mosyakov, Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á, Australia và châu Đại dương, Viện Đông Phương học, Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho biết: “Tất cả các vấn đề được đưa ra phân tích một cách khách quan và cụ thể đều nhằm tạo ra bầu không khí mới ở khu vực này. Bởi việc xây dựng lòng tin đang được thiết lập sẽ tạo ra những khả năng mới để giải quyết mâu thuẫn. Bên cạnh đó, để tìm ra giải pháp khả thi từng bước tháo gỡ các bất đồng, các quốc gia cũng cần phân chia và xem xét từng vấn đề cụ thể theo hình thức ôn hòa, ví dụ như chủ quyền lãnh thổ, quyền đánh bắt hải sản, thăm dò, khai thác dầu khí và tự do hàng hải...”.
Tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế tham dự có chung nhận định rằng, Việt Nam đã thể hiện lập trường xây dựng, nhất quán ủng hộ việc giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình, kiên trì kêu gọi các bên liên quan xây dựng “lộ trình” thống nhất và mang giá trị pháp lý cao hơn để giải quyết tranh chấp như thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
Ông Grigory Lokshin, Chuyên viên cao cấp Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga: “Quyết định mọi vấn đề ở thời đại chúng ta không phải là các tài liệu, các chứng cứ lịch sử, mà chính là sự cân bằng lực lượng giữa các quốc gia. Cá nhân tôi cũng như các nhà lãnh đạo Nga cho rằng, Việt Nam đã có cách tiếp cận vấn đề khéo léo và đầy trách nhiệm, thể hiện sự bình tĩnh và kiên định rất lớn. Điều này thực sự quan trọng để có được sự hỗ trợ từ tất cả mọi phía, đặc biệt là sự ủng hộ từ dư luận xã hội”.
Các nhà nghiên cứu quốc tế nhấn mạnh, hòa bình và ổn định chỉ được đảm bảo trên cơ sở nỗ lực và thiện chí của tất cả các bên liên quan, việc không sử dụng vũ lực, không đe dọa sử dụng vũ lực, tuyệt đối tuân thủ các thỏa thuận đã được ký kết là điều cần thiết trong việc giải quyết vấn đề biển Đông.