Cử tri Indonesia đi bầu cử. (Ảnh: AFP)
Sự chú ý lúc này tập trung vào hoạt động của Ủy ban bầu cử Indonesia, nơi sẽ tiến hành kiểm phiếu và công bố chính thức kết quả vào ngày 22/7.
Cả hai ứng cử viên Tổng thống Joko Widodo và Prabowo Subianto đều tuyên bố thắng cử vào ngày 9/7, chỉ ít giờ sau khi kết thúc bầu cử.
Cơ sở cho hai bên dựa vào là kết quả kiểm phiếu nhanh do các trung tâm nghiên cứu độc lập tiến hành. Báo chí ra ngày hôm nay (10/7) cho thấy, có 8 trung tâm cho kết quả ông Jokowi giành thắng lợi, trong khi 4 trung tâm khác thì cho kết quả ứng cử viên Prabowo mới là người giành chiến thắng.
Ông Arisman, Giám đốc điều hành, Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á cho biết: “Cơ chế kiểm phiếu nhanh có điểm yếu bởi vì dựa vào phiếu mẫu và phương pháp tiến hành. Trước đây, khi bầu cử Thống đốc Jakarta thì nhiều trung tâm dự báo Fauzi là người chiến thắng nhưng rồi Jokowi lại là người chiến thắng. Chúng ta không thể dựa vào cơ chế này (quick count) mà kết quả kiểm phiếu chính thức quan trọng hơn”.
Tuy nhiên, lực lượng ủng hộ của cả hai bên đều tổ chức các hoạt động mừng chiến thắng. Điều này dẫn đến lo ngại về khả năng xung đột sau khi kết quả bầu cử chính thức sẽ được Ủy ban bầu cử công bố trong vòng 2 tuần tới.
Ông Arisman, Giám đốc điều hành, Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á nói: “Nếu họ cảm thấy kết quả chính thức công bố không giống như họ kỳ vọng, thì chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra bởi vì có nhiều nhóm ủng hộ có chiều hướng cấp tiến, sẽ đổ ra đường biểu tình. Cả hai bên đều có những ủng hộ viên cuồng nhiệt, do vậy mà hai ứng cử viên cần phải thuyết phục người ủng hộ rằng nếu thua cuộc thì cần phải tôn trọng bên thắng cử”.
TS Djayadihanan, Chuyên gia nghiên cứu chính trị, Đại học Tổng hợp Paramadina chia sẻ: “Tôi cho rằng điều rất quan trọng đối với Ủy ban bầu cử Indonesia (KPU) là phải đảm bảo tiến trình kiểm phiếu chính thức từ các điểm bỏ phiếu ngày hôm qua từ cấp thôn làng, cấp xã tới cấp huyện, cấp tỉnh cần được tiến hành chuẩn mực bởi các tổ chức có trách nhiệm. Thứ hai, nếu kết quả kiểm phiếu có được sau tiến trình chuẩn mực, hai ứng cử viên cần chấp nhận kết quả và thừa nhận thất bại trước đối thủ rồi mới công bố tiếp đến người dân”.
Trong một động thái làm dịu tình hình, Tổng thống sắp mãn nhiệm Yudhoyno đã có cuộc gặp với cả hai ứng cử viên Tổng thống vào tối 9/7, thúc giục hai bên kiềm chế những hoạt động ăn mừng chiến thắng mà có thể làm gia tăng căng thẳng.
Phương pháp kiểm phiếu nhanh rõ ràng không thích hợp để đưa ra kết luận thắng thua, đặc biệt trong cuộc bầu cử Tổng thống có mức độ ganh đua quyết liệt này. Các phương pháp kiểm phiếu nhanh đều có sai số và chỉ 1% sai số cũng khiến bên thắng trở thành thua và ngược lại. Do vậy, Indonesia cần đến kết quả kiểm phiếu chính thức được công bố vào ngày 22/7 tới.