Lối thoát cho căng thẳng Nga – phương Tây là ở “nút thắt” Kiev

VTV Online-Chủ nhật, ngày 09/03/2014 16:21 GMT+7

Cuộc khủng hoảng tại Ukraine tiếp tục là một vấn đề "nóng" của "Toàn cảnh thế giới" (Ảnh: VTV Online)

Đó là nhận định của Thiếu tướng Lê Văn Cương – Nguyên viện trưởng viện nghiên cứu khoa học chiến lược, Bộ Công an – khi trao đổi về tình hình căng thẳng leo thang đang diễn ra giữa Nga và phương Tây trong chương trình Toàn cảnh thế giới sáng 9/3.

Cuộc khủng hoảng chính trị Ukraine trong 2 tuần qua đã bị đẩy lên trở thành cuộc đối đầu trong quan hệ giữa Nga và phương Tây. Giờ đây, trận tuyến của cuộc đối đầu đó lại là Crimea – nước Cộng hòa tự trị ở phía Nam Ukraine, sau biến cố ở Kiev đang muốn tách khỏi nước này và sáp nhập với Nga.

Câu chuyện của Crimea đã khiến cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây thêm gay gắt. Mối quan hệ đó vốn nhạy cảm và nhiều sóng gió sau chiến tranh Lạnh nay đã bị đẩy xuống mức tồi tệ nhất trong vòng hàng thập kỷ. Người ta đã nói tới một cuộc đối đầu Nga – phương Tây như một cuộc chiến, tuy chưa có vũ khí nhưng đã vô cùng nóng bỏng đủ để TG phải lo ngại.

Cuộc trao đổi sau đây của Toàn cảnh thế giới cùng Thiếu tướng Lê Văn Cương – Nguyên viện trưởng viện nghiên cứu khoa học chiến lược, Bộ Công an – sẽ cho các bạn hiểu thêm về vấn đề này!

PV: Theo thiếu tướng, nguyên nhân nào khiến cuộc khủng hoảng tại Ukraine trở thành cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa Nga và phương Tây?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Giữa Nga và phương Tây, Ukraine là nút thắt địa chính trị, trong đó, phía Đông là Nga, phía Tây là châu Âu. Cuộc tranh giành ảnh hưởng này đã có từ lâu nhưng ở tầm sâu, cả Đông và Tây tạm thời dàn xếp với nhau.

Khủng hoảng Ukraine phát triển qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ ngày 21/11/2013 khi chính quyền Yanukovych tuyên bố tạm hoãn liên kết với châu Âu. Ngay buổi tối hôm đó đã có khoảng 3.000 người bao vây quảng trường độc lập. Đến ngày 22/11/2013 con số này đã lên đến chừng 300.000 nhưng tất cả đều diễn ra trong hòa bình.

Bắt đầu từ 1/12/2013 – 20/2/2014, ở Ukraine nói chung và Kiev nói riêng không còn là cuộc biểu tính hòa bình nữa mà trở thành một cuộc bạo loạn với mục đích mới là lật đổ chính quyền Tổng thốngYanukovych bằng mọi cách. Đây được coi là giai đoạn bạo loạn chính trị.

Thỏa thuận hôm 21/2/2014 theo tôi là một thỏa thuận mang tính lịch sử để cứu vãn tình thế khi Tổng thống Yanukovych nhượng bộ hết mức. Nhưng ngày hôm sau (22/2), lực lượng khủng bố lại lật đổ chính quyền Yanukovych, phế truất Tổng thống. Hành động này được xem là một hành động đảo chính nhà nước.

Đây là điều mà Nga không chấp nhận được. Trong khí đó, Mỹ và phương Tây lại tạo mọi điều kiện để dàn dựng một chính quyền mới. Do đó, đây là mâu thuẫn đỉnh điểm dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị giữa Nga và phương Tây.

PV: Nếu giả định tình trạng căng thẳng này giữa Nga và phương Tây như một cuộc chiến thì tương quan lực lượng giữa hai bên như thế nào, thưa thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Xét trên tổng thể, cả về chính trị, an ninh, quốc phòng và ngoại giao, sự tương quan lực lượng giữa hai bên là gần như tương đương nhau, không có bên nào áp đảo bên nào, vì thế mới dẫn đến căng thẳng kéo dài như hiện nay.

‘ Thiếu tướng Lê Văn Cương trao đổi tại trường quay (Ảnh: VTV Online)

PV: Theo thiếu tướng, ông có nhận xét gì về những quân bài mà Nga và phương tây sử dụng trong cuộc đối đầu này? Bên nào đang ở thế chủ động hoặc nắm con bài tốt hơn?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Vấn đề hiện nay không phải là lệnh trừng phạt giải quyết được vấn đề. Quân cờ tôi cho rằng nằm ở cả 2 phía. Nga cũng có đầy đủ quân cờ đáp trả dù cho Washington và Bruxsells muốn làm gì. Trong vấn đề này, tôi thấy Nga có sự chắc chắn nhất định, mọi áp lực đến giờ phút này đều không thay đổi được quan điểm của Nga đối với vấn đề Ukraine nói chung và với Crimea nói riêng.

PV: Thời điểm này tình trạng căng thẳng vẫn đang leo thang trong quan hệ giữa Nga và phương Tây. Nhưng chắc chắn sẽ phải có thời điểm xuống thang để tìm lối thoát. Theo thiếu tướng, lối thoát này sẽ bắt đầu từ đâu?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Điểm nút cuối cùng hiện nay là thái độ của chính quyền tạm quyền ở Kiev. Nếu thái độ ứng xử của họ khiến các bên chấp nhận được, có khả năng cả 3 bên sẽ ngồi với nhau. Nếu họ theo một đường lối cực đoan, chống lại Nga, chắc chắn không thành công.

PV: Vậy theo thiếu tướng, diễn biến phức tạp của cuộc khủng hoảng ở Ukraine và căng thẳng Nga – phương Tây năm 2014 sẽ định hình những yếu tố mới nào trong quan hệ quốc tế?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Toàn bộ cuộc khủng hoảng Ukraine có thể chỉ ra 5 điểm.

Thứ nhất, tình hình thế giới luôn phức tạp, khó đoán được và cực kỳ bất thường.

Thứ hai, qua khủng hoảng Ukraine, ta thấy nhân tố kinh tế cực kỳ quan trọng trong giải quyết tranh chấp và mâu thuẫn giữa các quốc gia.

Thứ ba, chúng ta đang sống trong thời đại mà các quốc gia thiếu lòng tin với nhau ở mọi cấp độ.

Thứ tư, tôi thấy qua khủng hoảng này, các định chế quốc tế, kể cả Hiến chương Liên Hợp Quốc và hệ thống luật pháp quốc tế không đủ sức để điều chỉnh các xung đột, các mâu thuẫn đang gay gắt hiện nay.

Cuối cùng, từ khủng hoảng Ukraine, tôi nghĩ rằng các nước vừa và nhỏ gặp điều khó khăn nhất là lựa chọn một chính sách ngoại giao đảm bảo cân bằng với các cường quốc, mục đích tối thượng là bảo vệ lợi ích của dân tộc.

Để xem lại chương trình Toàn cảnh thế giới tuần này của Đài THVN, quý vị và các bạn có theo dõi tại video dưới đây:


Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước