Người Việt Nam cũng tham gia buôn lậu sừng tê giác ở Nam Phi

Xuân Hảo-Chủ nhật, ngày 03/11/2013 15:00 GMT+7

Nam Phi là xứ sở của loài tê giác. Nhưng nạn săn trộm tê giác tại đây đang ngày càng trầm trọng hơn, trong đó có cả những người Việt Nam tham gia.

Số tê giác bị săn trộm năm sau luôn cao hơn năm trước. Người Nam Phi cho rằng, sẽ không thể ngăn chặn được nạn săn trộm tê giác nếu như vẫn còn nhu cầu ở các nước sử dụng, trong đó có Việt Nam. Trong chuyến công tác vừa qua tại Cộng hòa Nam Phi, phóng viên VTV đã có dịp tìm hiểu về nạn săn trộm tê giác lấy sừng tại đây, cũng như sự cần thiết phải có sự hợp tác giữa các bên trong việc bảo vệ loài thú quý hiếm này.

‘ Ngay giữa một khu bảo tồn tại tỉnh Kwa Zulu-Natal, miền Đông Nam cộng hòa Nam Phi, xác hai con tê giác được tìm thấy những ngày đầu tháng 10, trong tình trạng đã bốc mùi hôi thối.

Đó là con thứ 5 và thứ 6 bị giết trong tuần này, riêng tại Kwa Zulu-Natal. Còn tính trên cả Nam Phi, từ đầu năm tới nay, đã có khoảng 725 con tê giác bị săn trộm. Nhiều hơn cả năm 2012 gần 200 con. Và vượt xa so với năm 2011.

Tại tòa án quận Kempton Park, thành phố Johannesburg, Thẩm phán Prince Manyathi cho biết số vụ án buôn lậu sừng tê giác có xu hướng tăng từ năm 2008, trong đó nhiều vụ liên quan tới người Việt Nam và thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Thẩm phán Prince Manyathi, Tòa án quận Kempton Park, Johannesburg, Nam Phi nói: “Năm ngoái, chúng tôi bắt được 2 sinh viên, mỗi người vận chuyển 10 sừng tê giác. Khi được biện hộ nói rằng họ được thuê để làm việc đó và không biết bên trong hành lý đựng gì. Họ bị phạt 2 triệu Rand (200.000 USD) và gần như ngay lập tức họ có đủ số tiền để nộp. Điều đó cho thấy có một tổ chức đứng sau họ, sẵn sàng trả tiền khi bị bắt. Những người mà họ thuê thường là người nghèo hay đang gặp vấn đề về tiền bạc chẳng hạn”.

Từ đầu năm tới nay, riêng tại quận Kempton Park đã có 10 vụ người Việt Nam buôn lậu sừng tê giác bị bắt giữ. Với Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Nam Phi, tăng cường phối hợp giữa hai nước để ngăn chặn tình trạng này đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu.

Ông Lê Huy Hoàng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Nam Phi chia sẻ: “Hai nước đã ký được 2 văn bản quan trọng. Một là văn bản hợp tác về bảo tồn đa dạng sinh học giữa hai nước. Thứ hai là hai nước đã ký được các văn bản cụ thể, để thực hiện thông qua chương trình hành động. Chương trình này đang là định hướng rất tốt để các cơ quan liên quan có thể căn cứ vào đó để triển khai”.

Trung bình tại Nam Phi, mỗi ngày có gần 3 con tê giác bị giết do săn trộm. Người Nam Phi cho rằng nếu trên thế giới vẫn còn nhu cầu mua và sử dụng và sừng tê giác vẫn được lén lút buôn bán với lợi nhuận khổng lồ, mọi cố gắng bảo vệ tê giác ở Nam Phi cũng trở thành vô nghĩa.

Quý khán giả quan tâm tới vấn đề này, có thể theo dõi chi tiết qua video dưới đây:

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước