Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe giải thích thực hiện quyền tự vệ tập thể trong một cuộc họp báo hôm 15/5. (Ảnh: AP)
Ngày hôm nay (3/6), Liên minh cầm quyền Nhật Bản đã có cuộc họp đặc biệt vấn đề này. Việc diễn giải lại nội dung hiến pháp sẽ mở ra khả năng hợp tác quân sự giữa Nhật Bản với các quốc gia thân thiện.
Tại cuộc họp hôm nay, Liên minh cầm quyền tại Nhật Bản là Đảng Dân chủ tự do LDP và Đảng Công Minh đã đặt ra mục tiêu sẽ hòan thành việc diễn giải lại Hiến pháp vào ngày 22/6 tới. Để thực hiện mục tiêu này, liên minh cầm quyền sẽ tăng gấp đôi thời gian và tần suất họp bàn về tiến trình diễn giải hiến pháp. Theo các nhà phân tích, tình hình căng thẳng gần đây trong khu vực Đông Á liên quan đến các hành vi khiêu khích của Trung Quốc là lý do quan trọng thúc đẩy Nhật Bản đẩy nhanh việc xem xét khả năng tham gia các họat động quân sự tập thể.
Giáo sư Michishita Narushige, Viện nghiên cứu chính sách công quốc gia Nhật Bản cho biết: “Chúng tôi cho rằng sự cân bằng an ninh trong khu vực đang bị thách thức do sự nổi lên của Trung Quốc. Với quan điểm này Nhật Bản muốn cùng với Mỹ, Australia, Ấn Độ, các quốc gia Đông Nam Á, hình thành một mạng lưới liên kết nhằm tạo ra sự cân bằng an ninh mới cho khu vực. Nhật Bản sẽ không thể tham gia vào mạng liên kết này nếu không thông qua quyền phòng vệ tập thể”.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng, Hiến pháp của Nhật Bản đã có sẵn ý cho phép lực lượng phòng vệ nước này tham gia các họat động quân sự tập thể, do vậy không cần tiến hành công việc sửa đổi phức tạp và khó khăn mà chỉ cần diễn giải lại một cách chính xác. Việc diễn giải lại Hiến pháp sẽ cho phép Nhật Bản đóng một vai trò tích cực và chủ động hơn trong khu vực, đồng thời mở ra các hướng hợp tác mới trong lĩnh vực an ninh quốc phòng.
Giáo sư Michishita Narushige, Viện nghiên cứu chính sách công quốc gia Nhật Bản nói: “Nhật Bản có thể hợp tác và hỗ trợ các quốc gia không phải là đồng minh quân sự theo 3 cấp độ. Thứ nhất là hỗ trợ xây dựng năng lực kỹ thuật theo các hình thức đào tạo và gửi chuyên gia tư vấn, thứ hai là cung cấp các thiết bị an ninh cơ bản như tàu tuần duyên và cấp độ cuối cùng là tập luyện chung, tuần tra chung và chia sẻ thông tin quân sự. Cấp độ thứ 3 sẽ không thể thực hiện được nếu Nhật Bản không thông qua quyền phòng vệ tập thể”.
Theo dự kiến, Nhật Bản sẽ hoàn thành thành việc diễn giải lại nội dung Hiến pháp trước kỳ họp với Mỹ diễn ra vào cuối năm nay, nhằm tái xác định vai trò và đóng góp của Nhật Bản trong liên minh quân sự Mỹ-Nhật.
Nhật Bản đang đẩy nhanh tiến trình diễn giải lại nội dung hiến pháp, hướng đến mục tiêu sửa đổi các điều luật liên quan đến phòng vệ tập thể ngay từ cuối năm nay. Mục tiêu này nếu được thực hiện sẽ dỡ bỏ nhiều rào cản trong hợp tác và hỗ trợ quân sự giữa Nhật Bản với các quốc gia khác.