Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản tham gia cuộc diễn tập quân sự. (Ảnh: AFP)
Đề nghị trên đã được trình lên Thủ tướng Shinzo Abe vào ngày hôm nay, tạo điều kiện thuận lợi cho nỗ lực của ông Abe nhằm cho phép quân đội đóng vai trò lớn hơn trong an ninh quốc tế.
Trong điều 9 của “Hiến pháp hòa bình” có hiệu lực tại Nhật Bản từ năm 1947 có quy định: Nhật Bản vĩnh viễn từ bỏ phát động chiến tranh, cũng như tham chiến.
Nhưng gần đây, nước này đang từng bước nới lỏng những hạn chế điều 9 của hiến pháp, theo đó, cho phép Nhật Bản triển khai quân ở nước ngoài trong những bối cảnh nhất định.
Ông Shunji Yanai, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cho biết: “Báo cáo này bao gồm đề nghị cho phép Nhật Bản thực hiện quyền tự vệ tập thể cũng như tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ”.
Các chuyên gia thành viên của Hội đồng tư vấn cho rằng, trong môi trường khu vực ngày càng phức tạp, với các mối đe dọa từ Trung quốc và Triều Tiên, việc cấm tham gia các hoạt động phòng thủ tập thể đã không còn thích hợp đối với Nhật Bản.
Nếu được chấp thuận, những thay đổi này sẽ cho phép Nhật Bản tham gia các hoạt động phòng vệ tập thể tại Mỹ hoặc các nước khác, kể cả trong trường hợp Nhật Bản không bị tấn công.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói: "Tôi sẽ nghiên cứu vấn đề này với niềm tin vững chắc rằng chúng ta cần củng cố các cơ sở pháp lý cần thiết".
Mỹ ủng hộ việc Thủ tướng Nhật Bản muốn quân đội nước này có vai trò lớn hơn, tuy nhiên, Mỹ cũng muốn Nhật Bản tự đảm trách chi phí lớn hơn dành cho quốc phòng của mình.
Tuy nhiên, việc sửa đổi hiến pháp để quân đội có thể tham gia vào các hoạt động bên ngoài lãnh thổ được xem là một chặng đường dài đối với Chính phủ Nhật bản, bởi nó cần phải được sự nhất trí của đa số các thành viên Quốc hội cũng như cần sự tán thành của người dân.