Năm 2013 sắp trôi qua với nhiều sự kiện đáng nhớ. Tuy vậy, nếu hỏi người Mỹ là sự kiện nào đáng nhớ nhất đối với nước Mỹ trong năm qua thì đa số câu trả lời sẽ là việc Chính phủ Mỹ bị đóng cửa trong hơn hai tuần do sự chia rẽ chính trị nội bộ sâu sắc nhất trong hơn một thập kỷ qua. Mời quý vị và các bạn cùng nhìn lại câu chuyện nổi bật của nước Mỹ trong năm qua.
‘ Nhiều công viên quốc gia, địa điểm du lịch tại Mỹ từng bị đóng cửa khi Chính phủ nước này đóng cửa. (Ảnh: Reuters)
Chính phủ liên bang không được cấp ngân sách. Hầu hết các cơ quan liên bang ngừng hoạt động. Các vườn quốc gia, bảo tàng, khu triển lãm đều từ chối đón khách.
Sự cố này xuất phát từ một một đặc trưng rất riêng của nền chính trị Mỹ. Theo luật, hàng năm, Chính phủ Mỹ cần phải được Quốc hội duyệt cấp ngân sách cho năm tài chính tiếp theo, bắt đầu từ ngày 01/10. Năm nay, Hạ viện do phe Cộng hòa kiểm soát đã quyết tâm không duyệt ngân sách mới nếu Nhà trắng không điều chỉnh chương trình chăm sóc y tế ObamaCare. Tổng thống Obama và phe Dân chủ cũng quyết không nhượng bộ.
Ông John Boehner, Chủ tịch Hạ viện Mỹ cho biết: “Chưa từng có vị Tổng thống Mỹ nào trong lịch sử từ chối đàm phán. Cách duy nhất để giải quyết vấn đề này là chúng ta phải ngồi lại với nhau, đối thoại và giải quyết các khác biệt”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama nói: “Tôi sẽ không cho phép bất cứ ai làm tổn hại đến thanh danh của nước Mỹ ngày này qua tháng khác chỉ vì động cơ vận động cử tri cho riêng mình với những yêu sách mang tính đảng phái hẹp hòi. Không ai có quyền làm hại đến nền kinh tế Mỹ và đời sống hàng triệu gia đình ở Mỹ chỉ vì một đạo luật mà họ không thích”.
Các con số thống kê cho thấy, 16 ngày Chính phủ đóng cửa đã làm nền kinh tế Mỹ thiệt hại khoảng 24 tỷ USD. Tuy nhiên, tác hại của sự cố này không chỉ dừng lại ở góc độ kinh tế mà nó đã làm cử tri Mỹ mất niềm tin vào toàn bộ hệ thống chính trị Mỹ. Tỷ lệ ủng hộ của người Mỹ đối với Tổng thống Obama tụt xuống 43%, thấp nhất trong 5 năm tại nhiệm trong khi uy tín của Quốc hội Mỹ thậm chí còn tụt xuống mức 7%, là mức thấp nhất trong lịch sử.
Ông Ellen Bruckner, người dân Mỹ nói: “Sự cố này để lại một thông điệp thật tệ hại. Đó là các bạn đừng đến Mỹ trừ khi các bạn có thể chắc chắn là mọi thứ đều sẽ mở cửa. Nó cho thấy rằng chỉ một nhóm chính trị gia nhỏ có thể đóng cửa cả một thành phố”.
Ông JACK LEW, Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết: “Thêm một ngày đóng cửa Chính phủ là thêm một ngày người dân Mỹ phải chịu thiệt hại. Người Mỹ đã phải vật lộn trong mấy năm qua để cố gắng vượt qua cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng 1930. Nền kinh tế Mỹ đang manh nha hồi phục và sự đấu đá chính trị tại Washington không nên vùi dập sự hồi phục đó”.
Việc Chính phủ Mỹ phải đóng cửa một lần nữa cho thấy tính “không giống ai” của nền chính trị Hoa Kỳ. Nguyên nhân cơ bản là mâu thuẫn dài lâu giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ về vai trò, kích cỡ và tầm ảnh hưởng của chính phủ trong đời sống Mỹ. Trong khi phe Dân chủ muốn đề cao phúc lợi cho người lao động, tăng cường sự can thiệp và giám sát của chính phủ lên đời sống kinh tế - xã hội thì phe Cộng hòa lại muốn bó buộc hoạt động, hạn chế sự can thiệp của chính phủ ở mức cao nhất có thể.
Trước khi bước vào kỳ nghỉ lễ Giáng sinh 2013, hai phe Dân chủ và Cộng hòa đã đi đến một thỏa hiệp để tránh cho Chính phủ bị đóng cửa trong 2 năm tới. Tuy nhiên, gốc rễ của mâu thuẫn và căng thẳng là sự chia rẽ chính trị tại Quốc hội Mỹ thì vẫn còn nguyên. Xu hướng bảo thủ cực đoan của nhóm Đảng trà trong phe Cộng hòa vẫn đang phát triển mạnh và hứa hẹn sẽ tiếp tục là thách thức lớn cho Tổng thống Obama trong năm 2014.
Quý độc giả quan tâm tới vấn đề này có thể theo dõi video dưới đây: