Trong vòng 24 giờ qua, liên tiếp lãnh đạo các nước Anh, Mỹ, Đức, Australia đều có những phát biểu thể hiện quan điểm rõ nét là: Phương Tây sẽ không khoanh tay nhìn chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học.
Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng sẽ không bao giờ có được sự chắc chắn 100%. Các cơ quan tình báo có thể đưa ra một hoặc vài bằng chứng nhưng cũng không thể đem lại sự chắc chắn tuyệt đối. Điều mà thế giới biết là chính quyền của tổng thống Assad sở hữu một số lượng lớn vũ khí hóa học và đã sử dụng nhiều lần.
‘ Một trong bốn tàu khu trục của Mỹ (trái) triển khai sẵn ở Địa Trung Hải. (Ảnh: AFP)
Thủ tướng Anh David Cameron cho biết: "Những gì chúng tôi nhìn thấy ở Syria là cảnh tượng chết chóc và chịu đựng do việc sử dụng vũ khí hóa học của chính quyền ông Assad. Tôi không tin rằng chúng ta có thể cứ để tình trạng này tiếp diễn. Giờ đây, chắc chắn bất kỳ hành động nào của chúng ta cũng đều phải hợp pháp, tương xứng để ngăn chặn và làm giảm việc sử dụng vũ khí hóa học tương lai".
Quốc hội Anh sẽ họp khẩn vào ngày mai (29/8) và có kế hoạch bỏ phiếu một bản kiến nghị, dọn đường cho nước Anh hành động trong vấn đề Syria.
Từ Australia, Thủ tướng Kevin Rudd cũng cho biết ông tin rằng chính quyền Syria đã sử dụng vũ khí giết hại dân thường và sẽ phải chịu trách nhiệm về hành động này. Australia là nước chuẩn bị giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bỏa an LHQ, tuy nhiên, Ngoại trưởng nước này cho biết Canberra ủng hộ một giải pháp quân sự chống Syria cho dù có hay không sự cho phép của Hội đồng Bảo an.
Ông Bob Carr, Bộ trưởng Ngoại giao Australia nói: "Chúng tôi muốn có một hành động, dưới sự bảo trợ của LHQ. Nhưng nếu điều đó là không thể thì với tính nghiêm trọng của việc một Chính phủ sử dụng vũ khí hóa học chống lại người dân, trong bất cứ tình huống nào cũng phải đối mặt với một sự đáp trả".
Đức cũng đã lần đầu tiên tuyên bố nước này sẽ ủng hộ một hành động tấn công quân sự Syria.
Ông Guido Westerwelle, Bộ trưởng Ngoại giao Đức cho biết: Nếu như việc sử dụng vũ khí hóa học được khẳng định, cộng đồng quốc tế phải hành động. Đức sẽ nằm trong số các quốc gia xem xét các cách ứng xử phù hợp".
Bộ Ngoại giao Mỹ thì kêu gọi không nên sử dụng đoàn thanh tra LHQ ở Syria như là một giải pháp trì hoãn. Mỹ tin rằng quá nhiều thời gian đã trôi qua để cuộc điều tra có thể mang lại kết quả đáng tin cậy. Chính quyền Mỹ có thu thập tình báo riêng của mình khẳng định việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden nói: “Không nghi ngờ gì về việc ai phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công vũ khí hóa học ở Syria. Đó là chính quyền Syria".
Cùng với những tuyên bố cứng rắn, xung quanh Syria đang có những điều chuyển quân sự đáng chú ý. Hôm 27/8, Mỹ đã điều động tàu khu trục thứ 4 được trang bị tên lửa hành trình đến vùng biển Địa Trung Hải cùng với đó, căn cứ Akrotiri của Anh ở đảo Síp cũng đang tăng cường hoạt động của các máy bay quân sự.