Đối thoại Shangri-la - diễn đàn uy tín tại châu Á - Thái Bình Dương về vấn đề an ninh đã luôn được chờ đợi ở thời điểm này hàng năm để các nước cùng đối thoại về các vấn đề an ninh trong khu vực. Năm nay, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đã thực sự làm nóng bầu không khí của diễn đàn quan trọng này.
Chủ quyền của một quốc gia đã bị một nước lớn ngang nhiên xâm phạm, bất chấp Luật pháp quốc tế; sử dụng hoạt động vũ lực, đe dọa vũ lực nhằm đơn phương thay đổi nguyên trạng; nguyên tắc ứng xử thiện chí, tin cậy chính trị trong quan hệ quốc tế đã bị gạt bỏ. Đó chính là những yếu tố nguy hiểm đang hiện hữu ở thực tế trên Biển Đông.
Khác biệt hẳn so với các diễn đàn trước đây, thì đối thoại Shangri-la lần này không chỉ còn nói tới những hiểm họa, những nguy cơ tới đường lối ngoại giao phòng ngừa mà nay còn nói tới những giải pháp, sự ứng phó khẩn cấp trước mối đe dọa đặc biệt nguy hiểm. Đó là sự bất chấp Luật pháp quốc tế và lối hành xử mang tính vũ lực, cưỡng chế trong vấn đề chủ quyền.
Hành vi Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam trên biển, duy trì và đẩy mạnh tình hình căng thẳng trên Biển Đông kéo dài một tháng qua đã vấp phải những phản ứng mạnh mẽ của dư luận quốc tế. Hầu như các nước lớn, Liên hiệp quốc và các học giả hàng đầu về khu vực đều đã lên tiếng phản đối hành vi sai trái của Trung Quốc cùng những hành xử mang tính chất vũ lực trên biển của nước này. Giờ đây sau tất cả những gì Trung Quốc đã làm trên Biển Đông trong một tháng vừa qua, thì mọi người muốn theo dõi Trung Quốc sẽ xuất hiện và tham gia như thế nào tại Đối thoại Shangri-la 2014 cũng như Trung Quốc sẽ có những bước tiếp theo là gì. Bên cạnh đó, khi sức nóng tại Biển Đông chưa có dấu hiệu lắng dịu, thì tại Biển Hoa Đông lại có các dấu hiệu căng thẳng.
Tiếp tục nêu bật tầm quan trọng của hợp tác quốc tế và phản đối việc dùng vũ lực để giành chủ quyền, vấn đề Biển Đông được đề cập hầu hết trong các phiên thảo luận với các ý kiến chung của các quốc gia mong muốn hòa bình, ổn định trong khu vực.
Các ý kiến trong diễn đàn này đã cho thấy sự nhận thức mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế về những diễn biến vô cùng nguy hiểm trên Biển Đông hiện nay, Luật pháp quốc tế ngang nhiên bị vi phạm và những quy tắc ứng xử về hòa bình, thiện chí, tin cậy chính trị trong quan hệ quốc tế đã không còn được tôn trọng và bảo đảm. Những ý kiến của diễn đàn đã tái khẳng định những nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế, đó là tôn trọng Luật pháp quốc tế, xu hướng hợp tác và đối thoại, sự bình đẳng giữa các quốc gia, dù là nước yếu hay nước mạnh, nước lớn hay nước nhỏ trước Luật pháp quốc tế.
Mặt khác, chúng ta cần nhận thấy trên bình diện khu vực, những bước đi ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông hiện nay đang khiến cục diện an ninh châu Á - Thái Bình Dương thay đổi. Trong đó nổi lên khả năng can thiệp của các cường quốc, sự tìm kiếm vị trí đối trọng của các quốc gia có tiềm lực hoặc những liên minh quân sự đang được củng cố.
Và ván cờ trên biển đã được khởi động với xu thế trang bị thêm sức mạnh quân sự của các bên. Trên ván cờ này, xu thế vừa đấu tranh vừa đối thoại, hợp tác và đối đầu giữa các cường quốc nhằm duy trì lợi ích của mình sẽ vẫn tiếp diễn với cường độ mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Những thay đổi đó chắc chắn sẽ tác động đến cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lâu dài của Việt Nam, buộc Việt Nam phải có cái nhìn bình tĩnh, sáng suốt, những bước đi cương quyết, phù hợp và tức thời, kết hợp giữa lý chí và ý chí, giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Quý vị độc giả có thể theo dõi chi tiết chương trình Toàn cảnh thế giới trong Video dưới đây: