Đại sứ của Syria tại LHQ, ông Bashar Jaafari đã gửi "một văn bản gia nhập liên quan hiệp ước cấm vũ khí hóa học". Đây là "bước đi đầu tiên" để trở thành thành viên đầy đủ của hiệp ước và sẽ mất "vài ngày" trước khi Syria chính thức tham gia hiệp ước này.
‘ Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hội đàm về vấn đề Syria tại Geneva. (Ảnh: AFP)
Syria chỉ là 1 trong số 7 quốc gia không tham gia Hiệp ước kiểm soát vũ khí hóa học, có hiệu lực từ năm 1997, theo đó, tất cả các quốc gia thành viên cần phá hủy kho vũ khí hóa học của mình.
Trong một tin tức liên quan dến Syria, ngày 12/9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bắt đầu thảo luận về việc tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria song bất đồng đã xuất hiện ngay trong giai đoạn đầu của cuộc đàm phán dự kiến kéo dài hai ngày.
Phát biểu trước báo giới tại Geneva trước khi bước vào đàm phán, ông Kerry nhấn mạnh lập trường của Mỹ là có thể phải dùng vũ lực với Syria nếu con đường ngoại giao không thể vô hiệu hóa kho vũ khí hóa học của Tổng thống Bashar al-Assad. Ông cũng bác bỏ đề nghị của Chính phủ Syria về giới hạn 30 ngày để cung cấp thông tin kho vũ khí hóa học, một phần trong nỗ lực gia nhập Hiệp ước cấm vũ khí hóa học.
Trong khi đó, ông Lavrov nói rõ rằng Nga muốn Mỹ hủy bỏ đe dọa quân sự vào thời điểm hiện tại, ông nêu rõ: "Tôi tin rằng các đối tác Mỹ, như Tổng thống Obama đã khẳng định, chắc chắn biết rằng chúng ta nên đi theo con đường hòa bình tiến tới giải pháp cho cuộc xung đột Syria".
Trước đó, hôm (12/9), Hãng SANA cho biết, trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình quốc gia Rossiya 24 (Nga) từ Thủ đô Damascus, Tổng thống Syria Bashar al-Assad khẳng định, việc Syria đặt vũ khí hóa học dưới sự kiểm soát của quốc tế là vì Nga chứ không phải do những đe dọa của Mỹ.
Ông Assad đồng thời nhấn mạnh rằng, bất kỳ cuộc chiến nào chống Syria sẽ là mối hủy diệt đối với toàn khu vực và nhấn chìm khu vực này vào một loạt những rắc rối và bất ổn trong hàng thập kỷ tới.
Đề cập đến sáng kiến của Nga, ông Assad cho rằng việc thực thi sáng kiến như vậy phụ thuộc chủ yếu vào ý chí của Mỹ trong việc từ bỏ chính sách hiếu chiến chống Syria.