Thái Lan: Bế tắc chính trị còn kéo dài

Hữu Hưng-Thứ sáu, ngày 31/01/2014 22:35 GMT+7

Chỉ còn 2 ngày nữa, người dân Thái Lan sẽ đi bỏ phiếu bầu Quốc hội và Chính phủ mới. Cho đến này hôm nay (31/1), những người biểu tình vẫn đẩy mạnh chiến dịch kêu gọi người dân tẩy chay bầu cử trong khi giới phân tích cho rằng tương lai cuộc bầu cử vẫn còn chưa chắc chắn và đồng nghĩa bế tắc chính trị Thái Lan vẫn còn kéo dài.

Hàng ngàn người biểu tình chống Chính phủ hôm nay lại tiếp tục tuần hành tại thủ đô Bangkok trong kế hoạch 3 ngày biểu dương lực lượng chống lại bầu cử. Tuy nhiên, họ nói rằng sẽ không ngăn chặn bầu cử mà chỉ kêu gọi tẩy chay bầu cử.

Pongphan Nanthasri - Người biểu tình khẳng định: “Tôi sẽ không đi bầu cử vào Chủ nhật này, bởi vì nếu làm như vậy thì có nghĩa chấp nhận rằng cuộc bầu cử này là đúng đắn”.

Với việc phong tỏa ngăn chặn trước đó của người biểu tình khiến 28 đơn vị bầu cử không có ứng cử viên. Điều này có nghĩa là, nếu bầu cử diễn ra, trong tổng số 500 ghế Hạ viện theo luật định, sẽ thiếu vắng ít nhất 28 Hạ nghị sĩ. Như vậy Hạ viện mới chưa thể đi vào hoạt động và Chính phủ mới tất yếu chưa thể được lập ra.

‘ Bế tắc Chính trị ở Thái Lan vẫn chưa có dấu hiệu khả quan khi làn sóng biểu tình vẫn tiếp diễn. (Ảnh: AP)

TS Michael Montesano - Chuyên gia nghiên cứu Thái Lan, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á cho rằng: “Sau bầu cử sẽ có một tình huống khá lạ là bà Yingluck sẽ giữ vai trò Thủ tướng tạm quyền cho đến khi một Chính phủ mới được thành lập. Thế nhưng, sau bầu cử thì rất khó để cho Quốc hội lựa chọn ra Chính phủ bởi không đủ 95% số ghế của Quốc hội. Và tình huống lúc đó sẽ khó hiểu và còn nguy hiểm hơn là bây giờ”.

Ủy ban Bầu cử nói sẽ tổ chức các cuộc bầu cử phụ cho đến khi tất cả các ghế Quốc hội được bầu ra và có thể mất tới 6 tháng. Và theo giới phân tích thì điều này sẽ dẫn đến Thái Lan có một Chính phủ mà không thể thông qua luật hay ngân sách.

Boonyakiat Karavekphan - Nhà nghiên cứu chính trị tại Đại học Tổng hợp Ramkhamhang cho biết: “Trước hết, ngân sách Chính phủ là công cụ để hỗ trợ người dân, hỗ trợ nền kinh tế và thúc đẩy phát triển. Vì thế, cho đến tháng 8, Thái Lan sẽ không có một chính phủ để thành lập thông qua những ngân sách này. Thứ hai, việc chuyển giao quan chức Chính phủ sẽ không thể bắt đầu nếu không có sự chấp thuận của Ủy ban bầu cử”.

Như vậy là tương lai của cuộc bầu cử ở Thái Lan vẫn chưa hoàn toàn chắc chắn. Điều này đồng nghĩa là tình hình bế tắc chính trị Thái Lan vẫn còn kéo dài nếu các bên, đặc biệt về phía phe chống đối Chính phủ không có nhượng bộ để đi đến đàm phán giải quyết khủng hoảng.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước